Bí ẩn rừng lim cổ thụ giữa lòng thành phố

Sự kiện: 24h vạn dặm

Có một lời nguyền về rừng lim quý cùng ngôi đền Cao linh thiêng giữa rừng khiến không ai dám xâm phạm, kể cả nhặt một cành khô.

Chỉ cách Hà Nội chừng 100km, nằm ngay ở TP Chí Linh (Hải Dương) tồn tại một rừng lim cổ thụ với những “cụ lim” được các nhà khoa học xác định có tuổi thọ trên 800 năm.

Cây lim cổ thụ có tuổi thọ trên 800 năm

Cây lim cổ thụ có tuổi thọ trên 800 năm

Những bàn thờ tổ giữa rừng lim

Từ cầu Thiên trên QL37 bắc qua sông Nguyệt Giang đi vào chừng 300m có thể thấy được rừng lim cổ thụ xanh tốt nằm trên đỉnh núi Thiên Bồng. Đây là địa phận xã An Lạc, TP Chí Linh – nơi diện tích chỉ 4km2 nhưng có tới 99 ngọn đồi, núi lớn nhỏ quây quần, trong đó núi Thiên Bồng cao nhất.

Chỉ tay vào những cây lim cả vòng tay ôm không xuể, cụ Dương Thị Phu (81 tuổi, ở làng Đại, xã An Lạc) chia sẻ, đền Cao cùng những cây lim là báu vật của làng.

Đền Cao nằm trên núi Thiên Bồng là nơi thờ tự 5 anh em họ Vương phò vua Lê Đại Hành đánh giặc. Xung quanh đền được bao bọc bởi rừng lim cổ thụ. Điều lạ lùng là khu rừng lim này chỉ mọc quanh núi Thiên Bồng chứ không mọc lan sang các khu vực khác.

“Từ khi lớn lên, tôi thấy rừng lim tồn tại cho đến bây giờ không hề suy suyển. Cây già đổ xuống thì cây non lại mọc lên, lớp sau đè lớp trước”, cụ Phu cho hay.

Với người dân An Lạc, những cây lim cổ thụ nơi này không chỉ là cây cối đơn thuần, mà còn là hiện thân của ân nhân đã cứu sống vị tổ 12 dòng họ nơi đây.

Ngọc phả đền Cao vẫn còn ghi lại, thời giặc Hán xâm lược, chúng “sát phu, hiếp phụ” hòng tận diệt nòi giống dân ta. Chúng giết sạch đàn ông, con trai, nhưng ở An Lạc có một người đàn ông thoát được vào rừng.

Quanh đền Cao được bao bọc bởi những cây lim cổ thụ

Quanh đền Cao được bao bọc bởi những cây lim cổ thụ

Giặc băm nát bụi cây làm người đàn ông đứt một cánh tay. Bỗng nhiên từ bụi cây, một con cáo lao ra, giặc tưởng bên trong không có người nên mới chịu bỏ đi. Quân giặc lấy cớ ép 12 cô gái trong vùng làm vợ bằng cách bắt họ trồng 12 cây sanh, cứ cây xanh tốt thì phải theo hầu.

Người đàn ông nọ đã bày kế cho các cô gái lấy nước sôi tưới vào gốc cây để cây dần chết. Quân giặc tưởng chạm long mạch, đất dữ nên đã bỏ đi. Người đàn ông này sau đó cưới 12 cô gái, con mang họ mẹ nên sinh ra 12 dòng họ trong vùng.

Câu chuyện chỉ là tương truyền, nhưng giờ giữa rừng lim cổ thụ, vẫn còn đó cây lim có cái bướu như “mặt cáo”, được người dân coi là hiện thân của ân nhân đã cứu sống vị tổ 12 dòng họ.

“Dưới gốc cây lim cổ thụ có u mặt cáo, người dân lập bàn thờ tổ, bất cứ việc to nhỏ gì trong làng, trong họ đều phải thắp nhang xin phép cụ tổ”, cụ Phu lý giải về những ban thờ phủ dày bụi thời gian giữa rừng lim cổ thụ ở An Lạc.

Những cây lim cổ thụ ở núi Thiên Bồng được người dân trọng vọng gọi là “cụ”. “Cụ” to nhất được đo đường kính gốc khoảng 1,3m. Có “cụ” già quá đã thông tâm, người lớn có thể chui vào.

òn vì sao rừng lim chỉ mọc ở núi Thiên Bồng, các cụ cao niên trong làng lý giải, có thể do mạch nước ngầm tươi tốt. Ở chân núi có giếng Chùa Tháp, là nguồn nước sinh hoạt của các thế hệ người làng Đại cả trăm năm qua.

Sau này có nước máy thì giếng Chùa Tháp chỉ còn là di tích nhưng nguồn nước mát lành vẫn còn ở đó. Những năm tuyệt hạn thì giếng Chùa Tháp cũng chưa bao giờ vơi nước.

Ôm cây giữ rừng lim

Một trong những cây lim cổ thụ được xác định là cây di sản

Một trong những cây lim cổ thụ được xác định là cây di sản

Với người dân làng Đại, chẳng ai dám xâm phạm, dù là chiếc lá trong rừng lim. Cụ Phu kể, hồi nhỏ cụ vẫn cùng đám trẻ làng Đại dong trâu lên rừng lim cổ thụ. Ở đó là các trò bày quân đánh trận giả, là trốn tìm hay bịt mắt bắt dê, nhưng tuyệt nhiên không đứa trẻ nào dám đu cành, bẻ lá.

Và hơn thế, ai động đến rừng lim, người dân làng Đại cũng quyết liệt bảo vệ đến cùng.

Đó là vào khoảng năm 1960, rừng lim đã từng bị chặt mất 4-5 cây. Khi đó, để xây dựng trường học, xã bỗng dưng chỉ đạo chặt hạ một số cây to. Khi hạ được vài cây dân làng biết được, ùn ùn kéo đến. Mỗi người ôm một gốc cây với quyết tâm “còn cây thì mới còn người”.

Người dân còn mang đơn đến khắp nơi, lên tận Trung ương đề nghị không được phá rừng. Việc chặt cây phải dừng lại và từ đó đến nay thì rừng lim tuyệt nhiên không còn ai đụng đến.

Những câu chuyện như có người lén dùng gỗ lim đóng đồ dùng nhưng đều gặp chuyện không may mắn, phải bí mật mang trả lại về rừng được truyền tai nhau khiến rừng lim thêm phần linh thiêng.

Cụ Nguyễn Công Văn (75 tuổi, thôn Bờ Chùa, xã An Lạc) cho hay, bao năm qua, ngay những cây lim chết già, người dân cũng không dám động vào.

“Cánh rừng này được dân làng bảo vệ và nó cũng bảo vệ dân làng. Bao năm qua, có những cây lim già đổ gục hay cành cây to bất ngờ rụng xuống, nhưng chưa từng làm ai bị thương. Để có rừng lim như bây giờ là công sức của bao nhiêu thế hệ người dân An Lạc. Rừng lim đã là niềm hãnh diện, là báu vật của làng”, cụ Văn chia sẻ.

Theo các cán bộ Ban Quản lý di tích TP Chí Linh, rừng lim trên núi Thiên Bồng mọc đều tứ phía của đền Cao và đều là giống lim xanh. Rễ lim ăn sâu vào lòng đất chứ không ăn nổi như một số loài cây khác nên không phá hỏng các công trình. Hiện rừng lim cổ còn khoảng 300 cây và tiếp tục dày thêm.

Lim là giống sinh trưởng cực kỳ chậm. Cả đời người cũng ít chứng kiến được sự thay đổi về kích thước của cây. Cụ Phu cho hay, hạt lim rụng xuống nhưng rất hiếm cây non được mọc lên, thành thử rừng lim càng quý.

Để nhân giống, cụ Phu thường nhặt hạt căng mẩy về ngâm nước “3 sôi, 2 lạnh” khoảng một tuần rồi mới ươm xuống đất.

Bên núi Bàn Cung bây giờ có nhiều cây lim do chính tay cụ Phu nhân giống. Không biết bao nhiêu đời người nữa rừng lim ấy mới phát triển như rừng lim bên núi Thiên Bồng. Nhưng chắc chắn chúng đã bén rễ và sinh sôi để có thể tạo ra những cánh rừng lim mới…

Năm 2010, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam ra quyết định công nhận 54 cây lim ở núi Thiên Bồng là "Cây di sản Việt Nam", các nhà khoa học đã xác định có những cây khoảng 800 năm tuổi.

Theo Ban Quản lý di tích TP Chí Linh, đối với 54 cây di sản Việt Nam thuộc diện tích 1,2ha đã được quy vào rừng đặc dụng, rừng bảo tồn thiên nhiên và được kiểm lâm bảo vệ. Năm 2000, người dân và các ngành đã mở rộng diện tích rừng lim lên 12ha với mật độ 300 cây/ha tiếp giáp với rừng lim cổ.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều xe hạng nặng di dời cây đa cổ thụ hơn 200 năm tuổi ở Quảng Ngãi

Cây đa cổ thụ hơn 200 năm tuổi trên đường Nguyễn Văn Linh đi qua tổ dân phố Trường Thọ Tây C, phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) bị bật gốc, ngã đổ buổi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Việt Hòa - Tiến Huy ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN