Chuyên gia “hiến kế” giúp xe buýt nhanh không gây tắc đường

Sự kiện: Thời sự

Ngoài việc thay đổi tín hiệu đèn, Hà Nội cần tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đứng chốt tại ngã tư, điểm giao cắt hướng dẫn, giải tỏa khi ùn tắc.

Chuyên gia “hiến kế” giúp xe buýt nhanh không gây tắc đường - 1

Xe buýt nhanh chạy thử khớp nối kỹ thuật tại bến xe Kim Mã.

Theo kế hoạch Sở GTVT Hà Nội, dự kiến, công việc hoàn thiện hạ tầng sẽ hoàn thành xong trước ngày 31/12/2016, ngày 1/1/2017, xe buýt nhanh sẽ chính thức đưa vào vận hành, khai thác.

Buýt nhanh chạy sẽ gây thêm xáo trộn, ùn tắc

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, ý tưởng xây dựng tuyến buýt nhanh nhằm giảm ùn tắc ở giao thông ở khu vực phía Tây Thủ đô Hà Nội là tốt, cần thiết. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế hạ tầng, mật độ phương tiện dày đặc hiện nay thì dự án buýt nhanh sẽ không đem lại hiệu quả cao.

“Trên thế giới, xe buýt nhanh đều có làn đường chạy riêng. Nhưng ở Việt Nam, xe buýt nhanh phải chạy chung làn đường với các phương tiện khác. Đặc biệt, tại các ngã tư, điểm giao cắt, giao thông thường xuyên xảy ra xung đột. Như vậy, nếu buýt nhanh đi vào khai thác sẽ dẫn đến ùn tắc kéo dài, trầm trọng hơn”, ông Liên nói.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, giao thông Thủ đô đang ở mức báo động, thường xuyên xảy ra ùn ắc, nhất là tại các nút giao cắt trên tuyến đường Lê Văn Lương, Láng Hạ, Tố Hữu, Trần Duy Hưng…

Tại tuyến đường Lê Văn Lương có khoảng 30-40 tòa nhà cao tầng (các nhà cao từ 25-30 tầng), chung cư. Dân cư tập trung ở gần khu vực này rất đông. Do vậy, vào giờ cao điểm, từng dòng phương tiện đông nghẹt xếp hàng trên đường nên đã tắc càng tắc.

Ông Hùng cũng cho rằng, với hạ tầng giao thông như hiện nay, xe buýt nhanh sẽ không phát huy được nhiều hiệu quả và có thể khiến tình trạng tắc đường tại một số tuyến trở nên trầm trọng hơn.

Thay đổi đèn tín hiệu giao thông

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, Nguyên Tổ trưởng Tổ xử lý (Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội) cho biết, khi xe buýt nhanh hoạt động, sẽ cấm phương tiện vào giờ cao điểm ở đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Láng Hạ...

Chuyên gia “hiến kế” giúp xe buýt nhanh không gây tắc đường - 2

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, Nguyên Tổ trưởng Tổ xử lý (Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội)

Trong hoàn cảnh này, các phương tiện bắt buộc phải lưu thông sang các tuyến đường khác như Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng, Láng… và ùn tắc sẽ nghiêm trọng hơn.

Do vậy, theo ông Quỹ với hạ tầng như hiện nay thì giải pháp trước mắt Hà Nội cần phải làm ngay là tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đứng tại tất cả các nút giao, điểm giao cắt đông đúc, hay xảy ùn tắc. Lực lượng này sẽ hướng dẫn, phân luồng, giải tỏa giao thông ngay khi thấy ùn ứ phương tiện.

Thêm nữa, Hà Nội nghiên cứu thay đổi đèn tín hiệu giao thông tại các “điểm nóng” giao thông. “Buổi sáng, người dân lưu thông đông từ ngoại thành vào nội đô thì phải tăng thời gian đèn xanh lên theo chiều ngoại thành vào nội đô (nếu đèn xanh để 90 giây thì có thể tăng lên 1phút 50 giây) để các phương tiện có thêm thời gian thoát qua nút giao và buổi chiều cũng làm ngược lại”, ông Quỹ nêu giải pháp.

Ông Quỹ nói thêm rằng, sau đó, Hà Nội nên nghiên cứu quy hoạch mở rộng thêm lòng đường tại trạm chờ, nhằm giảm ùn xe và tai nạn xung quanh trạm chờ xe buýt nhanh. Các tuyến đường mới xây dựng, nghiên cứu tính toán xây dựng thêm làn đường cho xe buýt nhanh.

PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên trưởng bộ môn đường bộ (Đại học GTVT Hà Nội) cho rằng, Hà Nội cần xây dựng tuyến đường riêng dành cho xe buýt nhanh chạy. Tại các ngã ngư, điểm giao cắt, phải xây dựng cầu vượt nhẹ dành cho hành khách tiếp cận từ các vỉa hè, trung tâm thương mại, khu văn hóa… đi thẳng ra trạm buýt nhanh BRT.

Chuyên gia “hiến kế” giúp xe buýt nhanh không gây tắc đường - 3

Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần phải thêm xây thêm cầu vượt nhẹ tại ngã tư, điểm giao cắt để buýt nhanh phát huy được hiệu quả cao.

Xây dựng các xe buýt cỡ nhỏ tại các điểm đầu, điểm cuối tuyến BRT, các khu vực đông dân cư…để kết nối người dân đến với hệ thống buýt nhanh và đi các khu vực khác. Hệ thống này phải được nghiên cứu phù hợp cho từng địa bàn dân cư, khu thương mại, văn hóa, hành chính…Một số con ngõ dài, hẹp phải có dịch vụ cho thuê xe đạp đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Ngoài ra, lực lượng chức năng, cảnh sát giao thông đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, lái xe buýt. Quản lý chặt về mặt điều hành giờ giấc, chất lượng phục vụ. Khuyến khích người dân giảm sử dụng phương tiện giao thông cá nhân bằng giải pháp tăng dần phí sử dụng vỉa hè để đậu xe, thu phí đỗ xe dưới lòng đường thu phí xe ô tô vào trung tâm và các đường thường ùn tắc…

“Khi thành phố Hà Nội đã tạo ra một hệ thống buýt BRT thuận tiện, nhanh chóng, rẻ tiền, tiện nghi thì hệ thống này phải được ưu tiên dành riêng trên các hành lang vận tải. Thấy được thuận tiện, lợi ích người dân sẽ tự ý bỏ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng”, ông Toản nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN