Buýt nhanh “ngốn” 55 triệu đô cho những hạng mục nào?

Ban quản lý dự án trọng điểm Hà Nội vừa thông tin liên quan đến việc, chi tiêu 55 triệu USD xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT.

Theo kế hoạch của Sở GTVT Hà Nội, ngày 1/1/2017, xe buýt nhanh sẽ chính thức đưa vào vận hành, khai thác phụ vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Buýt nhanh “ngốn” 55 triệu đô cho những hạng mục nào? - 1

Nhà chờ của xe buýt nhanh trên tuyến đường Lê Văn Lương

“Xây dựng tuyến buýt nhanh là cần thiết”

Ông Vũ Hà, Giám đốc Ban quản lý Dự án trọng điểm Hà Nội cho biết, tổng kinh phí cho dự án xe buýt nhanh BRT là gần 55 triệu USD. Cụ thể số tiền trên được chi vào các hạng mục: xây dựng tòa nhà văn phòng và trạm chung chuyển bến xe Kim Mã; trạm đầu và cuối ga depot tòa nhà văn phòng và trạm trung chuyển bến xe Yên Nghĩa; mua sắm và lắp đặt thiết bị tại khu bảo dưỡng, sửa chữa trong bến xe Yên Nghĩa.

Xây dựng và lắp đặt cầu vượt cho người đi bộ, trong đó xây 8 cầu mới, cải tạo 2 cầu hiện có. Xây dựng đường và 21 nhà chờ xe buýt dọc tuyến; gia cường cầu vượt tại nút Láng Hạ- Thái Hà; mua sắm và lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên tuyến buýt nhanh; mua sắm đoàn xe BRT, gồm 35 chiếc được thiết kế hiện đại và các hạng mục phụ trợ khác.

Nhiều ý kiến người dân cho rằng, Hà Nội chi một số tiền lớn (gần 55 triệu USD) trong khi đó xe buýt nhanh chỉ chạy nhanh hơn xe buýt thường từ 5-10 phút (tính cả chặng Kim Mã- Yên Nghĩa). Như vậy, việc đầu tư có thực sự cần thiết, hiệu quả?

Buýt nhanh “ngốn” 55 triệu đô cho những hạng mục nào? - 2

Ông Vũ Hà, Giám đốc Ban quản lý Dự án trọng điểm Hà Nội

Liên quan đến nội dung này, ông Vũ Hà cho hay, việc xây dựng tuyến buýt nhanh BRT  theo nhiều tiêu chí chứ không phải đáp ứng mỗi tiêu chí đi nhanh. Ngoài việc đi nhanh hơn so với xe buýt thường, phương tiện này còn cả khả năng vận chuyển được nhiều người (90 người/1 xe buýt); giảm được áp lực giao thông; giảm phương tiện cá nhân; giảm chi phí đi lại của cá nhân; giảm được ô nhiễm môi trường…

“Và điều quan trọng nữa, trong bối cảnh giao thông như hiện nay, Hà Nội muốn xây dựng một hệ thống giao thông công cộng tốt phục vụ nhân dân trong tương lai. Xây dựng xe buýt nhanh giống như kiểu xây một ngôi nhà, hiện nay, chúng ta mới chỉ xây được móng của nhà cao tầng, còn các tiện ích khác phải hoàn thiện dần dần, không thể hoàn thiện ngay”, ông Hà nói.

Bà Jung Eun Oh, Trưởng ban Giao thông (Ngân hàng Thế giới, đồng Giám đốc dự án) nói thêm rằng, dù tuyến buýt nhanh bị chậm trong khoảng một thời gian dài nhưng với tuyến đường thường xảy ra ùn tắc thì việc phát triển buýt nhanh là cần thiết. Bởi vì, hệ thống buýt nhanh có thể giúp vận chuyển được nhiều người, giảm chi phí đi lại. Nhiều nước trên thế giới cũng xây dựng tuyến buýt nhanh và đem lại hiệu quả cao.

Cảnh sát, thanh tra giao thông can thiệp khi ùn tắc

Buýt nhanh “ngốn” 55 triệu đô cho những hạng mục nào? - 3

Xe buýt nhanh sắp đưa vào vận hành, khai thác

Theo phương án phân luồng của Sở GTVT Hà Nội, khi tuyến buýt nhanh đi vào hoạt động (ngày 1/1/2017), sẽ cấm taxi hoạt động trong giờ cao điểm trên các tuyến Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương; cấm xe máy, xe thô sơ đi trên 2 cầu vượt nhẹ Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng trong giờ cao điểm, sáng 6-9h, chiều 16-19h30.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến người dân lo ngại rằng, việc cấm các phương tiện đi vào làn đường xe buýt nhanh sẽ gây ra xáo trộn. Cấm đường Lê Văn Lương, người dân sẽ đổ sang đi đường Nguyễn Trãi (trong khi đó tuyến đường này hiện nay đang ùn tắc). Như vậy ùn tắc giao thông vẫn xảy ra và rõ ràng là bất hợp lý?

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội thừa nhận rằng khi tuyến buýt nhanh đi vào khai thác sẽ gây ra một số xáo trộn nhất định. Người dân ở các tuyến đường Lê Văn Lương bị cấm đường sẽ phải lưu thông sang đường Nguyễn Trãi.

“Tuy nhiên, rất may là thời điểm hiện tại, đường Nguyễn Trãi đã thông thoáng hơn, các hạng mục thi công của tuyến đường sắt trên cao đã gần như hoàn tất, không còn nhiều rào chắn trên đường. Do vậy, tuyến đường Nguyễn Trãi vẫn có thể tiếp nhận thêm lượng phương tiện khác đổ về”, ông Hải nói.

Ông Hải cho hay, về vấn đề này, đơn vị đã có tính toán trước, trường hợp tuyến đường Nguyễn Trãi hay một số tuyến đường khác ùn tắc, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông sẽ có mặt can thiệp, giải tỏa, phân luồng giao thông.

“Chúng tôi đã họp với bên công an và đã lên phương án phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt khi gặp ùn tắc. Có thể ùn tắc giao thông sẽ xảy ra ở một vài thời điểm gây xáo trộn, nhưng về tương lai, việc  ưu tiên hành lang cho xe buýt chạy là cần thiết và cần phải làm”, ông Hải nói thêm.

Tuyến buýt nhanh (Kim Mã - Yên Nghĩa) khởi công đầu năm 2013, dự kiến ban đầu sẽ khai thác vào quý 2/2015 nhưng đã chậm tiến độ hơn một năm.

Tuyến buýt chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Cả chặng đường Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14,7 km.

Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Những vấn đề xung quanh xe buýt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN