Chuyên gia bác tin ăn cá hồi nuôi bị ung thư

Sự kiện: Thời sự

Thông tin ăn thực phẩm chế biến từ cá hồi nuôi có thể gây ung thư khiến nhiều người lo lắng. Các chuyên gia đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.

Chuyên gia bác tin ăn cá hồi nuôi bị ung thư - 1

Các chuyên gia cho rằng thông tin ăn cá hồi nuôi gây ung thư là không có cơ sở khoa học. Ảnh minh họa internet.

Mới đây, những thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho biết, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã phát đi cảnh báo khuyến cáo người dân không nên ăn cá hồi nuôi vì đây là loại thực phẩm độc hại.

Theo cơ quan này, một nghiên cứu ở Mỹ phát hiện cá hồi được đánh bắt ở Seattle bị nhiễm khuẩn từ nguồn nước chứa 81 loại thuốc, trong đó có thuốc kháng sinh và thuốc chống trầm cảm... Cá hồi nuôi cũng chứa hàm lượng Polychlorinated biphenyls (PCBs), một chất có thể gây ung thư.

Ngoài ra, thông tin khi ăn cá hồi (sống) như gỏi cá hồi, cá hồi phi-lê còn có khả năng nhiễm giun sán và ký sinh trùng. Vì nguồn nước nuôi cá hồi không đảm bảo nên trong thịt cá hồi có nhiễm ký sinh trùng.

Những thông tin trên khiến người tiêu dùng ở Việt Nam hoang mang và sợ hãi bởi, cá hồi lâu nay vẫn được coi là thực phẩm bổ dưỡng được nhiều người sử dụng.

Ngày 27/9, trao đổi với PV, ông Lê Thanh Lựu - Trưởng ban Hợp tác quốc tế và thông tin (Hội Nghề cá Việt Nam) cho rằng, ăn cá hồi nuôi gây ung thư là thông tin thất thiệt và không đáng tin cậy.

“Nếu đúng là EPA cảnh báo, thì họ phải công bố nghiên cứu đó ở đâu, tác giả nào, nghiên cứu ra sao. Trường hợp có cấm, thì các nước châu Âu cũng cảnh báo rồi. Tôi ngờ rằng bài viết có thể do đối tượng nào đó cạnh tranh viết tung lên nhằm giảm uy tín của đối thủ trong làm ăn”, ông Lựu nhận định.

Theo ông Lựu, ở một số nước phát triển, ngành công nghệ chế biến thức ăn cho cho gia súc,gia cầm và nuôi trồng thủy sản rất phát triển. Những nguyên liệu giàu đạm và canxi làm thức ăn cho cá hồi được chế biến từ bột xương thịt lợn, bò, cừu, ngựa… rất tốt và đảm bảo tiêu chuẩn.

Ông Lựu cũng cho hay, để bảo vệ môi trường, người ta thường không khai thác, đánh bắt cá hồi trong tự nhiên, hoặc nếu được khai thác thì có giới hạn chứ không khai thác tận diệt. Vì thế, cá hồi trên thị trường hầu hết là cá hồi nuôi. Cá hồi nuôi cũng phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm và được các cơ quan chức năng kiểm định… mới được phép lưu thông.

“Người dân không nên lo lắng, cần phải có thông tin nhiều chiều. Thông tin ăn cá hồi nuôi độc hại là chưa có dữ liệu khoa học nào chứng minh. Theo tôi, cá hồi nuôi không những không độc hại mà nó còn là thực phẩm tốt số 1 trên thế giới”, ông Lựu chia sẻ.

TS. Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa Ký sinh trùng(Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho biết, theo nghiên cứu năm 2015 của khoa, những mẫu cá hồi và cá ngừ nuôi được mua tại một số siêu thị và chợ ở Hà Nội đều không tìm thấy loài ký sinh trùng nào ký sinh.

Theo ông Dũng, để nuôi được cá hồi phải có nguồn nước phải sạch và nguồn thức ăn đảm bảo thì cá mới sống. Ở nước ta, cá hồi chỉ có thể nuôi ở một số vùng có khí hậu lạnh và nguồn nước sạch như Sapa, Mộc Châu, Đà Lạt…

“Thông tin ăn cá hồi nuôi gây ung thư thì đến nay vẫn chưa có cơ sở khoa học nào để chứng minh. Nhưng tôi khuyên người dân nên chế biến cá hồi chín trước khi ăn sẽ đảm bảo hơn”, ông Dũng khuyến cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN