Chuyện bi hài về nữ "bợm nhậu" miền Tây

Ở ĐBSCL, từ thành thị đến xóm làng, không hiếm cảnh chị em ngồi “tới bến” với cánh đàn ông. Nhiều cô 17-18 tuổi đã là tay nhậu cứng cựa, nhiều bà hàng 50-60 cũng không ngại “zô 100%”.

Mới đây, tối 9/9, Q.H.T (SN 1988, ngụ thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi - Bạc Liêu) nhậu say với bạn bè, khi về nhà bị cha chồng la rầy, T. cãi lại và hai bên xảy ra xô xát. Bất ngờ, cô ta lấy con dao Thái Lan đâm nhiều nhát vào người cha chồng khiến ông tử vong trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu. Ở ĐBSCL, nhiều chuyện bi hài do nữ đệ tử lưu linh gây ra như vậy cũng không phải hiếm.

“Nữ nhi đệ nhất tửu”

Trong một lần đi công tác ở huyện Hồng Dân - Bạc Liêu, tôi được anh bạn là dân địa phương đưa đến tiệc nhậu của một nhà hàng xóm. Hôm ấy, bàn nhậu khoảng 10 người thì có đến 5-6 chị. Sau khi nghe anh bạn giới thiệu, chị chủ nhà tên Thu rót một ly rượu đầy tràn mời khách uống trước. Tôi hớp nửa ly rượu rồi đưa lại. Chủ nhà không nói không rằng rót tiếp vào cho đầy ly rồi đẩy ngược lại tôi, bảo phải uống hết, không được chừa.

“Đàn bà con gái xứ này chúa ghét cái vụ nửa vời. Rượu phải rót đầy ly, “ực” một phát mới đã miệng” - một chị ngồi kế bên chủ nhà nhìn tôi khiêu khích. Thấy tôi còn lần khần, chị ta với tay lấy chai rượu rót đầy ly của mình rồi uống nghe “trót” một tiếng thật kêu. Úp ngược ly xuống lòng bàn tay, chị ta vỗ đùi, phán: “Phải uống như thế mới gọi là biết nhậu!”.

Chuyện bi hài về nữ "bợm nhậu" miền Tây - 1

Phụ nữ miền Tây nhậu không thua kém cánh mày râu

Nhậu một hồi đến lúc cao hứng, có chị còn kêu cả con gái mình đến… tiếp khách. Vậy là mẹ con cùng nhau ngồi bên bàn nhậu “dzô, dzô”. Sau khi hơn 10 người uống vơi tới đáy chiếc can 10 lít rượu, một chị bất ngờ òa khóc bù lu bù loa như trẻ con, kéo ống quần lên khỏi đầu gối lau nước mắt rồi tỉ tê “tố” chồng với bạn nhậu. Anh chồng ngồi bên tím mặt, lôi vợ về nhà nện cho mấy quả đấm. Vậy mà chỉ một lúc sau, cả hai vẫn vui vẻ quay lại tiếp tục “chiến đấu” cho đến tàn cuộc như không có chuyện gì xảy ra!

Một lần khác đến Sóc Trăng, tôi được anh bạn đồng nghiệp chở đến nhà người quen tại một xã nghèo của huyện Kế Sách để bày cuộc nhậu. “Chị em ở đây uống rượu kinh hoàng luôn, nhiều em mới 17-18 tuổi đã thuộc đẳng cấp “nữ nhi đệ nhất tửu”, nhậu cứng cựa nổi tiếng một vùng” - anh bạn khoe đầy vẻ... tự hào.

Chúng tôi ghé nhà bà Xuân, người quen của anh bạn đồng nghiệp. Nghe giới thiệu chúng tôi là bạn thân, đi công tác ghé thăm, người phụ nữ trạc 50 tuổi cười xởi lởi: “Mấy khi các em ghé chơi, cứ ngồi uống trà tự nhiên đi, để chị kêu tụi nhỏ làm mồi nhậu. Khách đến nhà không gà thì vịt, không có gà vịt thì còn cá dưới ao, thiếu gì mồi!”.

Chưa đầy nửa giờ sau, nồi cháo gà và thau gỏi được bày ra. Cô con gái của bà Xuân khệ nệ khuân một can rượu đế to đùng mua ngoài tiệm về. Bà Xuân ra trước sân gọi í ới, thoáng chốc đã tề tựu đầy đủ “chiến hữu”, nào chị Tư, thím Sáu, bà Năm, cô Bảy… Vừa bước vào nhà, cánh phụ nữ đon đả: “Trời, nhà có khách, bày tiệc nhậu sao không kêu tụi tui qua phụ?”, rồi tự nhiên phủi chân sà vào mâm.

Sau màn giới thiệu làm quen, bà Xuân liền rót rượu khai cuộc một ly “100%”. Tiếp đó, chiếc ly lần lượt xoay vòng, kèm theo “quy định nghiệt ngã” của cuộc nhậu ở vùng quê này là không “kê táng” (không được chừa lại giọt nào), không khạc nhổ. Ai vi phạm lần đầu sẽ bị phạt 1 ly, lần 2 “chế tài” 2 ly... và cứ thế, số ly rượu phạt sẽ tương ứng với số lần phạm lỗi.

Mới qua 3 vòng rượu, mỗi người uống chưa được 1 xị nhưng tôi đã toát mồ hôi hột, mặt đỏ bừng. Trong khi đó, các bà, các chị thì tỉnh queo cười nói, nốc rượu tì tì, mặt không đổi sắc. Nồi cháo gà và thau gỏi mới vơi phân nửa thì 5 lít rượu đế hết sạch. Bà Xuân hét cô con gái lấy xe đạp chạy ra tiệm kéo thêm 5 lít nữa...

Đàn ông cũng xanh mặt

Trong lúc chè chén vui vẻ, chồng bà Xuân “than thở”: “Mỗi tháng không dưới 15 ngày, bà con, lối xóm mời đám giỗ, đám cưới, thôi nôi…, gần đây còn thêm sinh nhật con, đầy tháng cháu, chắt. Người ta quý mình nên mới mời đi dự đám, mà đã mời thì không thể không đi, đã đi thì không thể không nhậu. Với những chỗ thân tình, chồng đi đám thì vợ cũng theo và ông nhậu thì bà cũng uống. Từ chỗ vài bà, vài cô biết nhậu, dần dần nhiều phụ nữ trong xóm ham vui nên cũng tự nguyện làm đệ tử lưu linh luôn”.

Bà Xuân tự hào khoe “chiến tích”: “Có lần đi ăn tiệc ở cồn Kế Sách, tui và 8 phụ nữ khác ngồi cù cưa nửa ngày hết sạch 9 két bia khiến cánh đàn ông xanh mặt, phục sát đất. Phụ nữ xóm này nhậu cỡ đó nhưng cũng chưa bằng các chị ở xã bên”.

Bà Xuân cho biết trong một lần đi đám cưới bên xã nọ, bà làm quen với một phụ nữ tên Phi, 29 tuổi, một tay nhậu có “số má” từng hạ gục nhiều gã đàn ông nổi tiếng là “cao thủ ăn nhậu”. “Khi cao hứng, cô ấy và các chiến hữu mỗi người ôm một chai rượu đế 5 xị, uống hết mới được nghỉ, ai không uống hết thì phải trả tiền rượu, tiền mồi” - bà Xuân kể đầy... ngưỡng mộ.

Theo bà Xuân, nhóm của chị Phi toàn là “cao thủ” nên “chiến đấu” bất phân thắng bại, không xác định được ai là người phải trả tiền rượu, tiền mồi. Vì vậy, họ bày ra trò: Với chai rượu 5 xị, ai uống hết sau thì phải trả tiền. “Không riêng gì Phi, mấy người em gái của cô ấy cũng được liệt vào hàng uống rượu sếp sòng trong xã. Có cô mới 17-18 tuổi nhưng mỗi khi nhậu thì không say không về” - bà Xuân nói.

Cứ thế mà chơi “tới bến”

“Ở xứ này, khi có đám tiệc, giỗ chạp…, đàn ông và đàn bà bình đẳng như nhau. Bàn đàn ông có rượu, bia thì bàn đàn bà cũng phải như vậy. Nếu bàn đàn bà không có rượu, bia thì chủ đám khỏi mời, để tụi tui ra quán nhậu cho sướng. Nhập tiệc, bàn này với bàn kia ai thích thì bưng ly qua giao lưu với nhau, ai uống hết nổi thì xin đầu hàng, ai say thì đi ngủ…, cứ thế mà chơi “tới bến” - bà Xuân nói.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Yên Vân (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN