Chuyến bay bi thảm của cựu GĐ IBM lừng danh
Theo nguồn tin từ người thân trong gia đình, Wood đã làm việc tại Bắc Kinh trong 2 năm qua và vừa có chuyến bay trở về nhà trước khi thực hiện đợt công tác tiếp theo tại Kuala Lumpur (Malaysia).
Nỗi đau cho người ở lại
Dù khá nổi tiếng trong giới công nghệ cũng như trong thương hiệu IBM nhưng Philip Wood hoạt động tương đối khép kín. Ông ít khi xuất hiện trước báo giới và nói về mình, có chăng chỉ là đôi lần ông đăng đàn quảng bá cho sản phẩm của “gã khổng lồ” IBM. Thế nhưng, tên tuổi của ông liên tục được nhắc đi nhắc lại trong những ngày qua khi người vợ cũ đăng tải trên mạng xã hội Facebook dòng tâm sự: “Philip Wood là một người đàn ông tuyệt vời. Mặc dù chúng tôi không còn chung sống cùng nhau trong một gia đình nữa nhưng anh ấy vẫn rất quan tâm đến tôi và các con. Các con trai của anh ấy và tôi giờ chỉ cầu mong cho anh ấy được bình yên”.
Ngay sau khi được đăng tải, dòng chia sẻ trên đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng. Dù chưa biết thực hư câu chuyện ra sao nhưng nhiều người đã có những dự cảm không lành về sự an toàn của thiên tài công nghệ này. “Anh ấy cũng là một trong số những hành khách có mặt trên chuyến bay MH370, đây là điều đau đớn nhất mà tôi đã từng trải qua”, một người dân hâm mộ tài năng của ông nói. Nhiều người đã gần như ngất lịm, rất đông bạn bè, đồng nghiệp, những người biết tiếng, thậm chí chỉ nghe tên Philip Wood đã cùng gửi lời chia buồn đến gia đình vị giám đốc điều hành này.
Philip Wood đã làm việc tại Bắc Kinh trong hai năm qua.
Theo lời kể của những người thân trong gia đình, họ vẫn gặp Wood một tuần trước đó khi ông về Texas. “Đây là thông tin đau đớn và không thể tưởng tượng được trong cuộc đời tôi. Chúng tôi chỉ là một gia đình trong khi còn khoảng 240 gia đình khác cũng đang trong tình trạng như chúng tôi. Trái tim của chúng tôi cũng cùng nhịp đập với họ”, anh trai của Philip Wood chia sẻ với báo giới. Mẹ ông - bà Sandra - nói với tờ USA Today: “Sâu trong trái tim tôi, tôi biết Philip đang ở bên Chúa”.
Trong khi đó, ông Aubrey Wood – bố của vị giám đốc điều hành IBM - cũng cho biết, Đại sứ quán Malaysia ở Mỹ đã liên lạc với ông và thông báo về việc con trai ông có mặt trên chuyến bay xấu số đó. Tuy nhiên, ông James cho biết gia đình cũng không hề có thêm thông tin gì ngoài những gì báo chí đăng tải. “Chúng tôi đã rất gắn bó với nhau. Chúng tôi chẳng thể nói gì và làm gì hơn vào lúc này, chỉ cầu mong Philip được bình an”, ông Aubrey nói trên tờ New York Times từ nhà của ông ở Keller (Texas, Hoa Kỳ).
Craig Dahl – một nhân viên của IBM đã nghỉ hưu vào năm ngoái từng có hơn 20 năm công tác cùng Wood - cho biết: “Khi nghe tin dữ, tôi có cảm giác như ai đó đã đấm rất mạnh vào bụng mình. Thật buồn khi nghĩ rằng có thể ông ấy đã thiệt mạng”. Cũng theo lời kể của ông này, Wood đã đến Bắc Kinh khi IBM trao cho nhân viên của mình cơ hội làm việc ở nước ngoài nếu họ thực sự muốn trải nghiệm thế giới. Và ông ấy đã lựa chọn đất nước Trung Quốc. “Wood là mẫu người ưa mạo hiểm và không ngại làm quen với một nền văn hoá xa lạ. Hơn thế nữa, ông ấy cũng rất yêu thích nền văn hoá đó. Ông là một người dũng cảm và rất hài hước”, Dahl kể lại trong đau đớn.
Chuyến bay mang tên... định mệnh
Theo lời kể của Craig Dahl, chuyến bay từ Kuala Lumpur - Bắc Kinh rất có thể là chuyến bay mà Wood thường bay với tư cách là nhân viên của IBM. “Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao, tôi luôn cảm thấy bị ám ảnh bởi suy nghĩ về những gì bạn mình đã trải qua. Tôi có thể tưởng tượng việc mình ngồi trên chiếc máy bay đó và nó chuẩn bị lao xuống biển hoặc bất cứ chuyện gì có thể xảy ra với nó. Tôi có thể tưởng tượng mình ở địa vị của ông ấy vì thế nên điều này khiến tôi rất đau khổ khi biết bạn mình có thể phải trải qua những việc trên”.
Chia sẻ với báo giới, ông Dahl khẳng định: “Tôi biết vận may không mỉm cười với ông ấy nhưng đôi lúc những điều thần kỳ vẫn có thể xảy ra và tôi hy vọng người ta có thể tìm kiếm được một thứ gì. Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ hi vọng rằng sẽ có một cơ hội, chúng tôi sẽ tìm thấy người sống sót, chúng ta sẽ tìm thấy chiếc máy bay”.
Cũng giống như rất nhiều người thân khác, ban đầu họ “bán tín bán nghi” về thông tin máy bay của hãng Malaysia Airline bị mất tích nhưng sau đó, họ đành đối diện với sự thật. “Lúc đầu thật là khó để biết liệu đó có phải một trò lừa bịp hay không bởi các nguồn tin chính thức không hề lên tiếng. Đến khi biết được sự thật thì tôi dường như không thể tin được vào tai mình. Chiếc máy bay mất tích cũng đồng nghĩa với việc Wood không thể trở lại Bắc Kinh để gặp tôi”, người bạn của Wood nói thêm.
Cũng theo lời kể của một người bạn từng sống và làm việc với Wood tại Bắc Kinh, chuyến bay mang số hiệu MH370 mà Wood có mặt trên đó dường như có những điểm không suôn sẻ. “Ban đầu Malaysia Airlines thông báo chuyến bay bị trì hoãn, thế nhưng sự thật không phải như vậy. Nó cất cánh đúng giờ nhưng đã không hạ cánh. Tôi cũng chẳng biết thông tin gì, nhưng sau đó, tôi đọc tin trên báo chí và có người nói rằng chiếc máy bay đã mất tích. Việc thiếu tính nhất quán của thông tin đã khiến tôi vô cùng bực bội”, người này cho biết.