“Chuồng cọp” nhấp nhô, dân Thủ đô đánh cược tính mạng lấy diện tích sống
Những khung sắt mà người dân quen gọi là “chuồng cọp” xuất hiện nhiều khiến các khu tập thể cũ ở Hà Nội phải “gồng mình” chống đỡ, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hiện nay, ở Hà Nội tồn tại rất nhiều các khu tập thể cũ. Đa phần các khu tập thể được xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước nên đã bắt đầu xuống cấp, xập xệ.
Diện tích các căn hộ đều nhỏ, hẹp nên không gian sống chật chội. Chính vì vậy, các “chuồng cọp” bắt đầu mọc tua tủa ra như nấm sau mưa ở các khu tập thể cũ.
Hầu hết khi đến các khu tập thể cũ như Thành Công, Giảng Võ… đều dễ bắt gặp hình ảnh các “chuồng cọp” thò ra từ các căn hộ.
4“Chuồng cọp” làm tăng diện tích sinh hoạt của các căn hộ. Có “chuồng cọp” chỉ rộng vài mét nhưng cũng có khi lên đến cả chục m2, tương đương với một phòng.
Việc xây dựng các “chuồng cọp” hoàn toàn là tự phát. Các hộ gia đình tự khoan tường hoặc hàn sắt lên tường và dựng các tấm gỗ, tấm tôn từ căn hộ của gia đình ra ngoài.
“Chuồng cọp” có thể giúp tăng diện tích sử dụng của gia đình nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn xây dựng và làm nhếch nhác cho bộ mặt của Thủ đô.
Đặc biệt, các “chuồng cọp” đều được xây dựng khá kiên cố và bịt kín mít. Nếu xảy ra hỏa hoạn có thể gây họa cho chính chủ nhân của căn hộ.
Không ít hộ dân bất chấp khu tập thể đã xuống cấp, tường yếu vẫn đua “chuồng cọp” ra ngoài tới 2-3m, rất nguy hiểm.
Mọi sinh hoạt của gia đình như đun nấu, phơi phóng quần áo hay trồng cây cảnh đều có thể gói gọn trong “chuồng cọp”.
Các “lồng sắt” choán toàn bộ phần mặt tiền của khu tập thể D5 Giảng Võ (quận Ba Đình) khiến người ta không còn nhận ra đâu là tường nhà nữa.
Sức nặng từ các khung sắt “chuồng cọp” cộng với sự xuống cấp của các khu tập thể theo thời gian khiến sự an toàn của người dân rất khó được đảm bảo.
Việc treo chậu trồng cây để ở các “chuồng cọp” cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân sống ở dưới khu tập thể hoặc người đi đường.
Sự xuất hiện của các “chuồng cọp” đã có từ hàng chục năm nay, tuy nhiên, nó không hề giảm đi mà ngày càng gia tăng. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để chỉnh trang lại bộ mặt đô thị, đồng thời đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Mới đây, Hà Nội đã công bố đồ án quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử) tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Trong đó, có việc giảm dân số ở khu vực nội đô khoảng trên 215.000 người. Trước đó, từ năm 1998, UBND TP.Hà Nội đã đặt ra chủ trương di dân phố cổ với mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 832 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha, mục tiêu thực hiện đến năm 2020. Mãi đến tháng 1/2013, đề án giãn dân phố cổ mới chính thức được phê duyệt. Tuy nhiên, sau khi hết năm 2020, đề án vẫn chưa được triển khai. Theo đề án giãn dân phố cổ, có 2 đối tượng thuộc diện di dời, gồm đối tượng bắt buộc là cư dân sống ở khu vực di tích, trường học... Đối tượng thứ hai là thực hiện giãn dân tự nguyện, cư dân sống tại các nhà cũ xuống cấp, có diện tích dưới 5m2… |
Nguồn: [Link nguồn]