Chu Vĩnh Khang phạm "tội ác nghiêm trọng nhất" như thế nào?

Hành vi bị coi là "tội ác nghiêm trọng nhất" của Chu Vĩnh Khang đã được các nguồn tin thân cận với cuộc điều tra tiết lộ với tờ Bloomberg.

Chu Vĩnh Khang là nhân vật quyền lực nhất trong chính phủ Trung Quốc kể từ sau Cách mạng Văn hóa bị “ngã ngựa” sau khi bị truy tố với nhiều tội danh như nhận hối lộ, tiết lộ bí mật nhà nước, đổi quyền và tiền lấy tình dục...

Chu Vĩnh Khang cũng bị cáo buộc đã bảo trợ cho hậu bối cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, nhen nhóm các bè phái khác nhau trong hệ thống chính trị Trung Quốc như “bè lũ dầu khí” hay “bè lũ Tứ Xuyên”.

Chu Vĩnh Khang phạm "tội ác nghiêm trọng nhất" như thế nào? - 1
Chu Vĩnh Khang khi còn là Bộ trưởng Công an Trung Quốc

Sau khi Chu Vĩnh Khang bị truy tố và chuẩn bị đưa ra xét xử, những thông tin mới liên quan đến các âm mưu của ông này dần dần được tiết lộ, và “tội ác nghiêm trọng nhất” của Chu Vĩnh Khang đã được tờ Bloomberg của Mỹ tiết lộ mới đây, dẫn nguồn tin từ các quan chức thân cận với cuộc điều tra.

Theo Bloomberg, hành vi nghiêm trọng nhất của Chu Vĩnh Khang là đã âm mưu chống lại Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo đó, người ta đã gọi Chu Vĩnh Khang cùng với Bạc Hy Lai và 2 quan chức cấp cao khác cũng vừa ngã ngựa là Lệnh Kế Hoạch và Từ Tài Hậu là “Bè lũ Bốn tên” mới, ám chỉ tới 4 nhân vật cấp cao từng có âm mưu soán quyền thời kỳ Cách mạng Văn hóa.

Các nguồn tin khẳng định với tờ Bloomberg rằng Chu Vĩnh Khang đã lợi dụng vị trí phụ trách các cơ quan an ninh, tư pháp của mình để thực hiện các hành vi do thám đối với những lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc, trong đó có cả Chủ tịch Tập.

“Chu Vĩnh Khang nghe lén điện thoại và áp dụng các phương pháp do thám khác để thu thập thông tin về tài sản gia đình, cuộc sống riêng tư và lập trường chính trị của các lãnh đạo Trung Quốc”, Bloomberg viết. Một trợ lý của Chu thậm chí còn tiết lộ những thông tin thu thập được cho “các website tiếng Trung hải ngoại”.

Chu Vĩnh Khang phạm "tội ác nghiêm trọng nhất" như thế nào? - 2
Chu Vĩnh Khang (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Bạc Hy Lai cũng từng bị cho là đã do thám cấp trên trước khi ông ta ngã ngựa vào năm 2012. Hồi tháng 4/2012, tờ New York Times cho biết sự nghiệp chính trị của Bạc Hy Lai được định đoạt vào tháng 8/2011, khi ông ta bị phát hiện cho cấp dưới nghe lén cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khi ông này đến thăm Trùng Khánh.

Tuy nhiên, chỉ đến khi giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân chạy trốn vào lãnh sự quán Mỹ để tố cáo các hành vi của Bạc Hy Lai thì quá trình sụp đổ của “ngôi sao đang lên” này mới chính thức bắt đầu.

Theo New York Times, “sự biến Vương Lập Quân” là cái cớ tuyệt vời để giới lãnh đạo Trung Quốc loại bỏ Bạc Hy Lai, bởi họ coi hành vi nghe lén lãnh đạo của ông ta là “sự thách thức trực tiếp đối với chính quyền trung ương”.

Tờ New York Times nhấn mạnh: “Các nguồn tin trong Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết lãnh đạo Đảng coi hành vi nghe lén của Bạc Hy Lai là tội ác nghiêm trọng nhất”. Theo các nguồn tin này, nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc đã bị nghe lén khi đến thăm Trùng Khánh, trong đó có cả Chu Vĩnh Khang, người bảo trợ cho Bạc Hy Lai.

Chu Vĩnh Khang phạm "tội ác nghiêm trọng nhất" như thế nào? - 3
Bạc Hy Lai (phải) được coi là một thân tín của Chu Vĩnh Khang

Trong trường hợp của Chu Vĩnh Khang, có vẻ như hành vi nghe lén Chủ tịch Tập Cận Bình của ông ta cũng bị coi là “tội ác nghiêm trọng nhất”. Trong bản cáo trạng truy tố chính thức đối với Chu Vĩnh Khang, một trong những hành vi của ông ta bị truy tố là “cố tình tiết lộ bí mật nhà nước”, và bị gọi là “hành vi đặc biệt nghiêm trọng”.

Hồi tuần trước, hãng tin Reuters tiết lộ rằng Chu Vĩnh Khang bị truy tố tội danh “tiết lộ bí mật nhà nước” sau khi tìm cách cảnh báo với Bạc Hy Lai rằng ông ta sắp bị khai trừ khỏi Đảng.

Tuy nhiên, nếu như nguồn tin của Bloomberg là chính xác, có thể hành vi tiết lộ các thông tin nhạy cảm về lãnh đạo đất nước của Chu Vĩnh Khang và tay chân ông ta mới là nguồn gốc của cáo buộc này, bởi hành vi này nghiêm trọng hơn rất nhiều so với việc bí mật mở cho Bạc Hy Lai một con đường thoát.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN