TQ lần đầu thừa nhận Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai “câu kết” chống đảng

Truyền thông Trung Quốc vừa lần đầu đưa tin chính thức phơi bày việc cựu Ủy viên thường trực Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang và cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai từng cấu kết với nhau, lập bè phái để chống lại các lãnh đạo đảng Cộng sản.

TQ lần đầu thừa nhận Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai “câu kết” chống đảng - 1

 

 Cựu Ủy viên thường trực Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang (trái) và cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy

Cụ thể, tờ China Daily, một tờ báo chính thống của Trung Quốc vừa đăng bài tiết lộ, ông Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai từng bí mật bàn bạc với nhau và đi đến quyết định sẽ đánh "một ván cờ lớn", thách thức hàng ngũ lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc. Tờ báo này trích nguồn từ tuần báo
Phoenix Weekly (Phượng Hoàng) của Hong Kong còn cho biết, Chu và Bạc đã chủ trương "điều chỉnh" chính sách cải cách và mở cửa của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình vào những năm 1970.

 

Chính sách của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 3 thập kỷ qua và Bộ Chính trị nước này từng nhấn mạnh, "cần phải tiếp tục thực hiện chính sách trên và không bao giờ dừng lại".

Tuy nhiên, ông Chu và Bạc lại muốn "điều chỉnh" mô hình cải cách kinh tế của Trung Quốc sao cho phù hợp với các quan điểm, tư tưởng của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Theo nguồn tin của Phoenix Weekly, hai ông Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai từng tổ chức họp bí mật tại Trùng Khánh - "căn cứ quyền lực" tại thời điểm ông Bạc giữ chức Bí thư Thành ủy. 

Phoenix Weekly còn đưa tin cho rằng, trong năm 2012, chính ông Chu là người "mách nước" cho ông Bạc rằng cánh tay phải của ông là cảnh sát trưởng Trung Khánh, Vương Lập Quân vừa xin tị nạn tại lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô - khởi đầu cho sự bung bét của vụ bê bối liên quan đến ông Bạc Hy Lai.

TQ lần đầu thừa nhận Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai “câu kết” chống đảng - 2

Cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai trước vành móng ngựa.

Đây là lần đầu tiên truyền thông Trung Quốc công khai công bố các thông tin nhạy cảm quan đến 2 nhân vật đầy quyền lực một thời trong đảng Cộng sản và được xem là đồng minh chính trị của nhau.
 
Ông Chu Vĩnh Khang bị bắt và bị loại trừ khỏi đảng cầm quyền hồi tháng trước đồng thời sẽ sớm phải ra tòa án chịu xét xử liên quan đến các tội danh bao gồm tội tham nhũng.

Vụ bắt ông Chu Vĩnh Khang nằm trong chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ngay từ khi lên nắm quyền, ông Tập đã khởi động chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" nhắm mục tiêu vào không chỉ những "con hổ dũng mãnh" mà những "con ruồi" - ám chỉ mọi quan chức tham nhũng các cấp.

Đến nay, ông Chu vẫn là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bị truy tố từ những năm 1980.

Ông Chu Vĩnh Khang từng là người đứng đầu tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) trong những năm 1990 và giữ chức bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên năm 1999 - 2002, sau đó làm bộ trưởng công an trước khi được bầu vào Ban thường vụ Bộ Chính trị. Ông Chu về hưu năm 2012.

Trong khi đó, Bạc Hy Lai từng là một ngôi sao trên chính trường Trung Quốc khi trải qua nhiều chức vụ cao và được dự đoán sẽ nắm giữ vị trí quan trọng hơn trong cuộc chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc năm 2012.

Tuy nhiên, tháng 9.2013, chính trị gia này bị kết án chung thân vì nhận hối lộ, tham nhũng và lạm quyền, đồng thời dính líu đến vụ án giết người của vợ. Bạc Hy Lai đã tạo ra một trong những bê bối chính trị nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc suốt mấy chục năm qua.

Tháng trước, sau một cuộc họp do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ra tuyên bố cảnh báo tư tưởng bè phái.

"Các thành viên của đảng cần ưu tiên thực hiện các nguyên tắc của đảng, và đảng sẽ không khoan nhượng trước những bè phái, phe phái trong nội bộ", tuyên bố nhấn mạnh.

Một bài viết trên truyền thông nhà nước Trung Quốc sau đó liệt kê các bè phái của các quan chức tham nhũng, trong đó có nhóm quan chức trong ngành dầu mỏ quyền lực mà Chu Vĩnh Khang từng đóng vai trò chủ chốt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN