Chống đối thắt lưng buộc bụng, một loạt quan chức Hy Lạp mất chức

Ngày 17.7, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tiến hành cải tổ nội các để thay thế một loạt quan chức chính phủ cấp cao đã bỏ phiếu chống lại kế hoạch thắt lưng buộc bụng hà khắc theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế của Athens.

Chống đối thắt lưng buộc bụng, một loạt quan chức Hy Lạp mất chức - 1

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tranh luận tại Quốc hội về kế hoạch thắt lưng buộc bụng để đổi cứu trợ tài chính ngày 16.7.

Tổng cộng, ông Tsipras đã thay 9 người. Cụ thể, Bộ trưởng năng lượng Panagiotis Lafazanis bị thay bằng cựu Bộ trưởng Lao động Panos Skourletis. Trong khi đó, ông Trifon Alexiadis được bổ nhiệm trở thành Thứ trưởng tài chính sau khi bà Nadia Valavani từ chức hồi đầu tuần này.

Bà Valavani từ chức trước cuộc bỏ phiếu với tuyên bố rằng bà không thể ủng hộ chương trình cứu trợ tài chính mới của các chủ nợ của Athens vì điều này cũng đồng nghĩa với việc trao cho Hy Lạp một "tấm bia mộ".

Ngoài ra, Bộ trưởng cải cách hành chính George Katrougalos được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Lao động, trong khi, ông Christoforos Vernardakis, một học giả, được trở thành Thứ trưởng quốc phòng, thay thế ông Costas Isychos - người đã bỏ phiếu chống đối thắt lưng buộc bụng.

Nghị sĩ Olga Gerovassili được bổ nhiệm làm Phát ngôn viên mới của chính phủ mới, thay cho ông Gavriel Sakellarides và Nghị sĩ Pavlos Haikalis được bổ nhiệm chức Thứ trưởng An ninh Xã hội.

Những quan chức mới được bổ nhiệm dự kiến sẽ nhậm chức ngay vào thứ Bảy (18.7).

Trước đó, các chủ nợ quốc tế đã yêu cầu Quốc hội Hy Lạp thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc để đổi lấy cứu trợ tài chính. Thủ tướng Tsipras đã chấp nhận cắt giảm đáng kể phúc lợi xã hội (bao gồm lương hưu), tăng thuế... để Hy Lạp đủ điều kiện nhận gói cứu trợ kéo dài trong 3 năm trị giá lên tới 86 tỷ Euro (hơn 93 tỷ USD).  Đây là gói cứu nguy thứ ba dành cho Hy Lạp trong 5 năm qua.

Chỉ vài giờ sau khi các nghị sĩ Hy Lạp chấp thuận những cải cách cần có, các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro hôm thứ Năm (17.7) đã nhất trí cấp cho Athens một khoản vay ngắn hạn nhằm giúp Hy Lạp thanh toán những khoản nợ sắp đáo hạn.

Hiện Ngân hàng Trung ương châu Âu đã nâng hạn mức ngân khoản cứu nguy khẩn cấp cho Hy Lạp.

Trong một diễn biến liên quan, Quốc hội Đức hôm qua cũng đã bỏ phiếu với tỉ lệ áp đảo cho phép tiến hành đàm phán với Hy Lạp về gói cứu nguy thứ ba nói trên.

Các nhà lập pháp Hạ viện Đức đã ủng hộ đề nghị của chính phủ với tỉ lệ 439-119 (có 40 phiếu trắng) để khởi động các cuộc đàm phán về chi tiết của kế hoạch giải cứu.

Đức là nước đóng góp lớn nhất cho gói cứu nguy Hy Lạp đã luôn tỏ rõ lập trường cứng rắn khi yêu cầu Athens phải cắt giảm mạnh chi tiêu và tăng thuế để đổi lấy cứu trợ tài chính.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN