Mặc Đức “cứng giọng”, EU sẽ không “buông tay” Hy Lạp?

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble giận dữ cáo buộc giới lãnh đạo Hy Lạp đã "hủy hoại lòng tin bằng những cách không thể hiểu nổi" trong cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro hôm qua (11.7).

Mặc Đức “cứng giọng”, EU sẽ không “buông tay” Hy Lạp? - 1
 Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (đứng giữa) được các nghị sĩ vây quanh trong phiên bỏ phiếu tại Quốc hội nước này ở Athens ngày 11.7.

Đức không muốn nhượng bộ?

Cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro bắt đầu diễn ra tại Brussels hôm 11.7 để thảo luận, xem xét đề xuất mới từ Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras về việc cắt giảm ngân sách và tăng thuế để đổi lấy cứu trợ. Nếu đồng ý với các chính sách cải cách, thắt lưng buộc bụng mới mà Hy Lạp đưa ra, các bộ trưởng tài chính có thể sẽ quyết định bỏ ra 53,2 tỷ euro (59 tỷ USD) để cứu nước này và Hy Lạp có thể ở lại khu vực đồng euro.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang nhấn mạnh: "Chúng tôi chắc chắn sẽ không thể hoàn toàn tin vào những lời hứa hẹn. Trong những tháng gần đây, kể cả vào phút chót, lòng tin đã bị hủy hoại bằng những cách không thể hiểu nổi. Chúng tôi sẽ có những cuộc đàm phán đặc biệt khó khăn. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ đạt được quyết định một cách dễ dàng".

Mặc Đức “cứng giọng”, EU sẽ không “buông tay” Hy Lạp? - 2 Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble

Telegraph bình luận, tuyên bố của ông Wolfgang đã phản ánh, Đức không ủng hộ đề xuất mới của Hy Lạp, được Quốc hội ở Athens thông qua ngày 10.7. Theo tờ Bild, một quan chức Đức thậm chí còn bình luận, đề xuất mới của Hy Lạp "là một trò đùa".

Trong khi đó, ông Yanis Varoufakis, cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp đã cáo buộc Bộ trưởng Tài chính Đức Schäuble đang muốn ép nước này ra khỏi eurozone. Các ngân hàng Hy Lạp đã đóng cửa 2 tuần qua và đang cạn dần tiền mặt. Trước khi cuộc họp ở Brussels diễn ra, các chuyên gia phân tích nhận định, Đức, thành viên có sức nặng nhất đồng thời là nước tài trợ lớn nhất trong khu vực đồng euro, do sức ép từ trong nước nên sẽ khó nhượng bộ hơn nữa với Hy Lạp.

Grexit: Ác mộng không của riêng ai
 

Mặc Đức “cứng giọng”, EU sẽ không “buông tay” Hy Lạp? - 3
Việc Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro sẽ là "ác mộng" cho tất cả các bên.

Lập trường hoài nghi và thận trọng của Bộ trưởng Tài chính Đức lại trái ngược với thái độ của một số lãnh đạo khác trong khu vực euro. Chẳng hạn, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ca ngợi đề xuất mới của Hy Lạo là "đáng tin cậy và nghiêm túc".

Các chủ nợ của Hy Lạp như Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đánh giá tích cực về đề xuất này.

“Chúng tôi rõ ràng đang đạt được tiến triển. Đề xuất của Hy Lạp khá tương đồng với điều kiện của các chủ nợ”, ông Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách đối thoại xã hội và euro, phát biểu chiều qua (11.7).

Hy Lạp đang gánh khoản nợ lên đến 242,8 tỷ euro (tương đương 271 tỷ USD) từ các chủ nợ quốc tế, trong đó bao gồm cả các khoản cho vay nằm trong hai gói cứu trợ do Châu Âu và IMF dành cho Athens từ năm 2010, cùng số trái phiếu chính phủ của Hy Lạp hiện do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương của các quốc gia trong Eurozone nắm giữ.

Trong số ba chủ nợ, còn gọi là “Troika” (bộ tam gồm IMF, ECB và EU), IMF đã cấp cho Athens 32 tỷ euro, còn ECB đang nắm giữ khoảng 18 tỷ euro trái phiếu Hy Lạp, trong đó có đến 6,7 tỷ euro trái phiếu sẽ đáo hạn vào tháng 7 và tháng 8  tới. Những trái phiếu này đang phải đối mặt với nguy cơ mất giá mạnh, gây ra thiệt hại không nhỏ cho ECB nếu thực sự xảy ra kịch bản “Grexit” - nguy cơ Hy Lạp ra khỏi eurozone.
 

Theo giới phân tích, với Hy Lạp, việc ra khỏi eurozone sẽ là thảm họa. Kể từ khi gia nhập Liên minh châu Âu năm 1981 đến nay, Hy Lạp chưa từng “tự xoay xở”. Một đất nước không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhập khẩu cao hơn xuất khẩu, không có đồng tiền riêng, do đó, việc mất đi sự hỗ trợ từ châu Âu chắc chắn sẽ đẩy nước này rơi thẳng xuống vực thẳm.

Bức tranh ảm đạm mô tả Hy Lạp nếu nước này bị loại ra khỏi eurozone sẽ như sau: Suy thoái trầm trọng, thất nghiệp tăng cao, thu nhập giảm mạnh, lạm phát phi mã và thiếu hụt nhu yếu phẩm nhập khẩu, nhất là dầu khí và thuốc men. Hy Lạp sẽ bị gạt ra khỏi các thị trường tín dụng quốc tế, khiến khả năng phục hồi càng trở nên xa vời.

Trong khi đó, các nước eurozone cũng không tránh được tác động dây chuyền bởi kịch bản Grexit khi họ sẽ phải tự áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” thế vào chỗ Hy Lạp.

Theo một báo cáo của Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT), cuộc khủng hoảng của Hy Lạp có thể đẩy nền kinh tế Italy vào tình trạng khó khăn khi nước này vừa thoát khỏi suy thoái kinh tế.

Việc Hy Lạp ngày càng lâm vào thế nguy kịch sẽ làm tăng mức nợ công của Italy, đồng thời giảm tăng trưởng GDP trong năm nay của nước này xuống thấp hơn mức dự đoán 0,6%.

Hiện tại, nợ công của Italy đã lên tới gần 2.200 tỷ euro, tương đương với hơn 130% GDP. Theo ước tính của Standard and Poor's, việc Hy Lạp rời Eurozone có thể khiến nợ công của Italy tăng thêm 11 tỷ euro.

Đặc biệt, sự ra đi của Hy Lạp sẽ giáng một đòn mạnh vào uy tín, sự đoàn kết của eurozone - một liên minh tiền tệ vốn được mệnh danh bền chặt và hiệu quả nhất thế giới.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Anh cũng nhận định cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng tại Hy Lạp có thể gây rủi ro đối với sự ổn định tài chính của Vương quốc Anh - nước vốn không phải thành viên eurozone.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN