"Chợ nhảy" giữa lòng đường dự án trăm tỉ

Gần 3 năm nay, đã thành thông lệ, từ 14h hàng ngày, các phương tiện giao thông lại phải "nhường" lòng đường cho chợ đồ cũ nhộn nhịp người bán, kẻ mua... trên một đoạn đường Hoàng Cầu (Phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội).

Thứ gì cũng có

Đoạn đường Hoàng Cầu từ ngã ba Hoàng Cầu – Võ Văn Dũng đến Quán đảo (hồ Hoàng Cầu) dài khoảng nửa cây số là điểm hẹn quen thuộc vào mỗi buổi chiều những người thích đồ rẻ, đồ cũ. Có lẽ, hiếm có “chợ” nào mà hàng hóa lại phong phú, đa dạng như ở đây, từ những đồ điện tử như sạc pin điện thoại, điều khiển ti vi... đến đồ gia dụng như thiết bị nhà vệ sinh, quần áo, giày dép... Ngay cả những món đồ được coi là xa xỉ như đồ cổ, đồ thờ, thần tài, lư hương... cũng được bày bán. Tuy phong phú đa dạng là thế nhưng xuất xứ của những mặt hàng đều không rõ ràng và đã qua sử dụng nên người Hà Nội thường gọi với các tên là "chợ đồ cũ", "chợ đồng nát", hay “chợ nhảy”.

"Chợ nhảy" giữa lòng đường dự án trăm tỉ - 1

Nơi họp chợ là một đoạn trên phố Hoàng Cầu

Dù là những đồ cũ nhưng giá của nhiều mặt hàng ở đây được “hét” khá cao. Hỏi một đôi giày nâu cũ có logo Lacoste, chị chủ hàng ra giá 600.000 đồng. Người chồng đứng cạnh cũng thêm vào: “Đôi này lúc mới là hơn 2 “củ” (2 triệu đồng) người anh em ạ, mới đi được nửa năm nên còn mới. Bọn em “nhảy” được nên mới có giá bán có 6 “lít” (6 trăm nghìn đồng). Lát nữa có khi lên đến tiền triệu”. Nói rồi anh này cầm đôi giày vặn qua vặn lại để chứng tỏ giày da xịn. Chúng tôi trả bâng quơ 200 nghìn đồng không ngờ chủ hàng gật đầu luôn. Chúng tôi lấy cớ đi xem thêm một lượt rồi quay lại mua sau liền bị chửi bới thậm tệ bằng vô số câu tục tĩu vì cái "tội" hỏi mà không mua.

"Chợ nhảy" giữa lòng đường dự án trăm tỉ - 2

Với 20.000 đồng có thể mua được một chiếc áo hoặc quần cũ

Tiếp tục chen chúc sang khu bán đồ điện tử, hiện ra trước mắt chúng tôi là vô số các món đồ tưởng như bỏ đi như sạc điện thoại, pin điện thoại, đèn pin, điều khiển ti vi, máy tính cầm tay, lò so ấm đun nước điện, vỏ chai nhôm, vung nồi thủy tinh... “Đồ ở gian hàng nhà tôi phần lớn là những đồ thuộc hàng “lướt” (đã qua sử dụng) nên chất lượng còn khá tốt, em có thể yên tâm khi sử dụng”, một người bán hàng cho biết.

"Chợ nhảy" giữa lòng đường dự án trăm tỉ - 3

"Chợ nhảy" giữa lòng đường dự án trăm tỉ - 4

Những đồ điện tử "đồng nát" cũng được bày bán

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các mặt hàng điện tử này được người bán hàng thu mua của những người bán ve chai, sau đó về sơn sửa lại. May mắn, khách mua được hàng tốt về dùng được, không may thì chỉ được vài ngày phải cho vào sọt rác hay đem bán lại cho cửa hàng ve chai. Cầm trong tay 50 nghìn đồng, chúng tôi mua được tới mấy thứ như sạc pin điện thoại, điều khiển ti vi, tai phone... nhưng dùng được hay không thì phải mang về nhà... thử mới biết được.

"Chợ nhảy" giữa lòng đường dự án trăm tỉ - 5

"Chợ nhảy" giữa lòng đường dự án trăm tỉ - 6

Sạc pin điện thoại, điều khiển TV, chuột máy tính cũ, gương xe máy... những thứ tưởng đã bỏ đi vẫn được bày bán và đông khách đến xem

Tiếp tục dạo qua gian hàng bán vật dụng dành cho việc thờ cúng. Gọi là "gian hàng", nhưng thực chất các vật dụng được đặt lên tấm bạt chừng vài mét vuông. Giá cả cho các đồ thờ cũng khá cao, tượng ông thần tài được giới thiệu làm bằng đồng có giá 2 triệu đồng; chiếc ấm pha trà có giá 1,5 triệu đồng; bầu rượu có giá 2,5 triệu đồng... Khi khách chê giá đắt quá thì các chủ hàng cho biết, đây là mức giá “rẻ như cho” vì phần lớn những mặt hàng được bày bán là những đồ do “nhảy” mà có hoặc từ dân nhà giàu không dùng nên bán rẻ.

"Chợ nhảy" giữa lòng đường dự án trăm tỉ - 7

Bên cạnh những món đồ rẻ tiền còn có cả những đồ thờ được "hét" giá hàng triệu đồng

Họp chợ... mất đường

Bà Nguyễn Thị Loan, 52 tuổi, một người bán trà đá ở khu "chợ" này cho biết, "chợ" hoạt động đã gần 3 năm nay. Mới chỉ có khoảng chục người bán đồ ở hai bên vỉa hè nhưng gần đây khi đoạn đường từ ngã ba Hoàng Cầu – Võ Văn Dũng đến quán Đảo được thi công xong một bên thì chợ di chuyển vào phần lòng đường.

Theo quan sát của PV, đoạn đường Hoàng Cầu này sỏi đá, vật liệu thi công dang dở nằm ngổn ngang cộng với khung cảnh nhốn nháo tấp nập của chợ đồ cũ, chợ lại họp đúng vào giờ cao điểm nên tình trạng giao thông ùn tắc thường xuyên xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Thăng, nhà ở khu vực gần chợ cho rằng: Chợ tồn tại đã lâu, lại nằm gọn trong một đoạn đường gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị. Hàng hóa trong chợ cũng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí là nơi tiêu thụ đồ ăn cắp nhưng chúng tôi kêu nhiều mà đâu vẫn đấy”. Chị Nguyễn Thu Phương, nhà ở đường Đặng Tiến Đông, hàng ngày phải đia qua ngã 3, nơi họp chợ để về nhà. Thời điểm chị đi qua thường vào lúc tan tầm nên rất khó khăn. Chị Phương phàn nàn: “Mỗi lần từ cơ quan về qua khu họp chợ khiến tôi thêm mệt mỏi sau ngày làm việc, mong rằng UBND phường thu xếp chỗ mới cho chợ họp, không nên cứ để mỗi buổi chiều khi chợ họp là dân mất đường”.

Theo quan sát của chúng tôi, chợ “nhảy” Hoàng Cầu nằm cách UBND Phường Ô Chợ Dừa khoảng 500m. Khi PV đến UBND cũng như Công an phường Ô Chợ Dừa thì cả Phó chủ tịch phường phụ trách đô thị – xây dựng và phó trưởng công an phụ trách trật tự khu vực đều từ chối tiếp chuyện và đề nghị gặp trưởng công an phường. Khi PV sang gặp trưởng công an phường thì đã đến giờ nghỉ trưa, vị này đã ra về...

Dự án đường Vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu có chiều dài gần 550 mét với tổng mức đầu tư hơn 642 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí GPMB là 527 tỉ đồng, chi phí xây dựng là 54 tỉ đồng…Tuyến đường được thiết kế rộng 50 mét, gồm mặt đường rộng 32 mét, dải phân cách giữa rộng 3 mét, vỉa hè và các công trình phụ trợ. Dự án được khởi công xây dựng tháng 4/2010, do Ban quản lý Các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội (MPMU) làm chủ đầu tư. Đây là dự án có vai trò quan trọng nhằm giải quyết ách tắc giao thông, tạo bộ mặt đô thị, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội thành phố. Ngốn 642 tỉ đồng giải phóng mặt bằng cho 550m đường, đây được người Hà Nội hay nói đùa là con đường đắt nhất hành tinh.

Ngoài ra, đoạn đường Hoàng Cầu còn có dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông chạy qua. Theo thiết kế, Cát Linh – Hà Đông là tuyến đường sắt nhẹ đi trên cao (cầu cạn) phục vụ vận tải hành khách công cộng với chiều dài 13,05km. Nhà thầu là Cty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Tuyến bắt đầu xuất phát từ khu vực nút giao Cát Linh - Giảng Võ sau đó đi dọc theo dải phân cách phố Hào Nam, phố Hoàng Cầu, ngõ Thái Thịnh I tới đường Láng rẽ trái men theo sông Tô Lịch và tiếp tục đi dọc theo dải phân cách đường Nguyễn Trãi về Hà Đông. Điểm cuối của tuyến là bến xe Hà Đông mới cạnh QL6. Đây là tuyến đường sắt được đầu tư từ nguồn vốn vay nước ngoài và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ có mức tổng đầu tư là 8.770 tỷ đồng. Dự án chính thức khởi công ngày 10/10/2011, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014, sẽ cho chạy thử toàn tuyến vào đầu năm 2015 và đưa Dự án vào khai thác sử dụng trong quý II năm 2015. Tuy nhiên dự án bị chậm tiến độ do vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng – Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN