Cầu vòm thép "cánh chim biển" sắp thông xe ở Hải Phòng có gì đặc biệt?
Đây là cây cầu có nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp, tính mỹ thuật cao với kiến trúc được lấy ý tưởng từ “cánh chim biển”.
Vòm chính của cầu Hoàng Văn Thụ có kết cấu ống thép nhồi bê tông nhịp 200m là vòm nhịp lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Ngày mai (15/10), dự án đầu tư xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ (TP.Hải Phòng) sẽ chính thức thông xe, đưa vào khai thác, sử dụng. Đây là cây cầu có nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp, tính mỹ thuật cao với kiến trúc được lấy ý tưởng từ “cánh chim biển”.
Vòm nhịp chính lớn nhất Việt Nam
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nhữ Đình Văn, Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Hoàng Văn Thụ (nhà thầu CIENCO1) cho biết, công trình được khởi công xây dựng vào 6/1/2017, đến nay đã thi công xong, đảm bảo các điều kiện để thông xe, đưa vào khai thác từ 15/10/2019.
Theo ông Văn, điểm nổi bật nhất của cầu Hoàng Văn Thụ là cầu chính có kiến trúc độc đáo được lấy ý tưởng từ “cánh chim biển” với khẩu độ 45+200+45m, bề rộng cầu chính 33,5m, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe tải trọng nhỏ và thô sơ, hệ thống vỉa hè, lan can hoàn chỉnh.
“Vòm chính kết cấu ống thép nhồi bê tông nhịp 200m là vòm nhịp lớn nhất Việt Nam hiện nay, hai vòm biên nhịp 45m kết cấu bê tông cốt thép, với tổng khối lượng vòm thép nặng 2.000 tấn. Cầu vòm được thiết kế xe chạy giữa, cầu dẫn phía Nam thiết kế vòng xoay hai tầng tạo ra một điểm nhấn kiến trúc cho đô thị Hải Phòng”, ông Văn nói và cho biết, liên danh nhà thầu đã hoàn thành công trình đúng tiến độ để bàn giao chủ đầu tư đưa vào khai thác, sử dụng.
Trong quá trình thi công, liên danh nhà thầu đã huy động nhiều thiết bị đặc chủng như: Sà lan 4.700 tấn, cẩu 550 tấn đặt trên sà lan, các bộ kích rút đặc chủng,… Khi xây dựng công trình, nhiều đột phá về công nghệ làm cầu lần đầu tiên được các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện. Đầu tiên là việc nâng và lắp đặt đốt vòm số 5, đốt vòm có kích thước 86m (dài) x 22m (rộng), nặng 527 tấn, được gia công và tổ hợp tại nhà máy LISEMCO cách công trình khoảng 5 km, được hạ xuống sà lan 4.700 tấn và đưa về công trình bằng 5 tầu lai dắt cỡ lớn.
“Chúng tôi đã sử dụng 4 bộ kích rút 180 tấn của Ý để nâng đốt vòm số 5 lên vị trí lắp đặt. Đây là công việc rất khó khăn, lần đầu tiên tại Việt Nam đã nâng thành công một đốt vòm nặng 527 tấn lên chiều cao 50m”, ông Văn nói.
Lắp đặt thành công các đốt vòm tại hiện trường với độ chính xác cho phép chỉ 2mm
Cũng theo ông Văn, tại dự án cầu Hoàng Văn Thụ, lần đầu tiên tại Việt Nam, các nhà thầu đã lắp đặt, tổ hợp thành công kết cấu nhịp là vòm thép nhồi bê tông nhịp lớn 200m từ 9 đoạn vòm. “Việc gia công các đốt vòm tại nhà máy đạt độ chính xác cao đã khó, nhưng khó hơn là việc tổ hợp các đốt vòm tại hiện trường với độ chính xác cho phép chỉ 2mm. Qua công tác thí nghiệm chụp phim, siêu âm màu, các đường hàn ở hiện trường đều đạt chất lượng đúng quy định”, ông Văn chia sẻ.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT CIENCO1 cho biết, công trình cầu Hoàng Văn Thụ hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng là sự cố gắng rất lớn của toàn thể cán bộ, kỹ sư, công nhân nhà thầu CIENCO1 trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn. Cùng đó là sự hợp tác của các nhà thầu khác trong liên danh là Trung Chính và Hồng Hà.
“Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành Giao thông, song CIENCO1 vẫn luôn có đội ngũ cán bộ, kỹ sư giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao để thi công các công trình quy mô lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao như: Cầu Rạch Miễu, cầu Vàm Cống, cầu Trần Thị Lý,…. Mới nhất là cầu Hoàng Văn Thụ, Hải Phòng”, ông Hòa chia sẻ.
Được biết, cầu Hoàng Văn Thụ có chiều dài hơn 1,5km, bắc qua sông Cấm, nối phường Minh Khai (Q.Hồng Bàng) với xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên) và kết nối ra tỉnh lộ 359. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 2.176 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của TP.Hải Phòng và các nguồn vốn khác do Ban Quản lý công trình xây dựng phát triển đô thị làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công tại dự án là liên danh CIENCO1 - Trung Chính - Hồng Hà.
Cây cầu Văn Lang có tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng, cho phép các phương tiện di chuyển hướng Hà Nội – Việt Trì...