Đại tá kể chuyện dẹp loạn giang hồ đất Cảng: Chiến dịch “Cuốn chiếu”

Để có thể “dẹp loạn” các bến xe khách, Đội Án tuyến đã quyết định tập trung lực lượng cả đội để đánh “cuốn chiếu” bến xe Tam Bạc làm thí điểm, từ đó rút ra nhiều kinh nghiệm xử lý chung với các bến xe khách này.

Tuyến đường tuần tra, kiểm soát đường bộ của Đội Án tuyến những năm 90 (Ảnh: Google maps).

Tuyến đường tuần tra, kiểm soát đường bộ của Đội Án tuyến những năm 90 (Ảnh: Google maps).

Tuần tra từ 2h sáng

Nói về công tác của Đội Án tuyến thời kỳ những năm 90 của thế kỷ XX, Đại tá Lê Hồng Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Hải Phòng cho biết để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trên các tuyến giao thông địa bàn mà Đội quản lý, Đội Án tuyến đã chia làm 3 tổ gồm tổ không – sắt (quản lý đường hàng không, đường sắt), tổ đường thủy và tổ đường bộ.

“Dù khối lượng công việc rất nhiều tuy nhiên tôi và các đồng đội trong Đội Án tuyến vẫn phải chia nhỏ lực lượng, thường xuyên đi tuần tra, kiểm soát tuyến giao thông được phân công từ 2 giờ sáng”, Đại tá Thắng kể.

Theo Đại tá Thắng, thời bấy giờ kinh tế khó khăn, lính Án tuyến không có ô tô để di chuyển như bây giờ mà chủ yếu là những chiếc xe máy cũ được tận dụng. Tuyến đường tuần tra, kiểm soát của mỗi tổ khoảng 100 km mỗi đêm.

Cụ thể, tổ tuần tra đường bộ thường xuất phát từ bến xe Lạch Tray đến bến xe Đồ Sơn để kiểm tra dọc tuyến đường 14, sau đó đi sang Kiến Thụy, tới Kiến An để kiểm tra đường 10 (đường đi Thái Bình). Khi đảm bảo tuyến giao thông không có sự việc gì xảy ra, các trinh sát tiếp tục vòng sang đường 200 để đến bến phà Đục (huyện Thủy Nguyên), dọc tuyến bến phà rồi vòng ra đường đi Quảng Ninh để kiểm tra bến phà Rừng.

“Di chuyển liên tục khoảng gần 3 giờ đồng hồ để kiểm tra từng tuyến giao thông, khi tất cả được xác định là không có vấn đề thì chúng tôi tập trung lực lượng tại bến xe Tam Bạc để đánh “cuốn chiếu” thí điểm nơi này.

Khoảng năm 1997 – 1998, cả đội mới có mình tôi có điện thoại di động. Anh em muốn liên lạc với nhau rất khó khăn. Chính vì thế chúng tôi có quy ước chậm nhất 5 phút phải biết sự vụ xảy ra trên tuyến mình quản lý. Để kịp thời báo tin lại cho ban chỉ huy, các thành viên phải hẹn địa điểm, đúng giờ này có mặt ở địa điểm này để báo cáo tình hình lại cho một đầu mối, sau đó đầu mối này tiếp tục báo cáo lại cho ban chỉ huy”, Đại tá Thắng nhớ lại.

Bến xe Tam Bạc, nơi thí điểm phương án đánh “cuốn chiếu” của Đội Án tuyến.

Bến xe Tam Bạc, nơi thí điểm phương án đánh “cuốn chiếu” của Đội Án tuyến.

Đánh thí điểm bến xe Tam Bạc

Để có thể “dẹp loạn” các bến xe khách, Đội Án tuyến đã quyết định tập trung lực lượng cả đội để đánh “cuốn chiếu” bến xe Tam Bạc làm thí điểm, từ đó rút ra nhiều kinh nghiệm xử lý chung với các bến xe khách.

“Ở bến xe Tam Bạc phải kể đến các tay anh chị tầm cỡ ông, bà trùm như Sơn “bình”, Tuấn “voi”, Tuấn “y”, Khải “điên”, Trường “con”, anh em nhà Cường “cận”, Ngân “cận”… Các nhóm lưu manh này chia làm 2 ca cửu vạn, lũng đoạn để kiếm lời bỏ túi.

Trong các địa bàn thì bến xe là nơi tập trung nhiều lượt khách qua lại nhất đồng thời cũng là tụ điểm nhức nhối nhất. Lúc ấy, giới lưu manh ở bến Tam Bạc còn không cần biết ông cán bộ phụ trách địa bàn Đội Án tuyến là ai.

Tức là ông làm gì kệ ông, nó kiếm tiền cứ kiếm, ông ra đấy ngồi đến hớp nước chè nó cũng không mời”, Đại tá Thắng cười kể lại.

Sau khi thống nhất họp bàn với các cơ quan chức năng có thẩm quyền quản lý bến xe Tam Bạc, 14 thành viên Đội Án tuyến đã chia hai mũi, một mũi tìm cách thâm nhập vào nội bộ các băng nhóm lưu manh mang vỏ bọc bốc xếp. Một mũi khác được cử đi về nhà các tiểu thương ở tỉnh, thành phố khác để xác định được giá chung cho một cục hàng.

“Chúng tôi đi từ Hà Nội, lên Bắc Giang, về Nam Định, Thái Bình… để vận động, tiếp xúc với các tiểu thương. Mình hiểu tâm lý của họ, nếu mình làm việc với họ ở Hải Phòng thì bọn lưu manh nó “ngửi hơi” được nó quấy phá, trả thù trong việc làm ăn của họ ngay, khi cần chúng sẵn sàng đánh, chém nếu tiểu thương nào không nghe lời.

Sau một thời gian điều tra, chúng tôi xác định được giá bốc xếp một cục hàng thời điểm đó rơi vào khoảng 5.000 đồng, thực tế các tiểu thương đều bị các đối tượng lưu manh đe dọa, nâng giá lên thành 10.000 đồng/1 cục hàng, hoặc có thể còn hơn nữa”, Đại tá Thắng chia sẻ.

Theo Đại tá Lê Hồng Thắng, dù đã xác định được được giá cả cụ thể nhưng các tay trùm bến xe Tam Bạc rất xảo quyệt. Chúng liên tục thay đổi phương thức hoạt động khiến Đội Án tuyến không thể bắt quả tang hành vi cưỡng đoạt.

Lúc này, quy định giá bốc xếp mỗi cục hàng là 5.000 đồng được cơ quan chức năng TP.Hải Phòng đề ra và chính thức trở thành quy định chung cho tất cả lực lượng bốc xếp trên địa bàn - một quyết định mang tính lịch sử với hoạt động bốc xếp khi đó. Bề ngoài, các nhóm bốc vác vẫn tuân thủ nội quy đặt ra tại bến, tình trạng cưỡng đoạt công khai đã không còn tuy nhiên các tiểu thương vẫn bị chúng đe dọa, o ép sau lưng.

“Đến năm 1997, từ vụ việc một tiểu thương ở chợ Đổ bị chém, chúng tôi đã tìm cách tiếp cận nạn nhân, thành lập chuyên án, giáng một đòn mạnh vào các ông, bà trùm đội lốt bốc xếp này”, Đại tá Thắng cho hay.

-----------------------------

Năm 1997, Đội Án tuyến thuộc phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Hải Phòng đã liên tiếp phát hiện những phi vụ báo khống thu nhập, cưỡng đoạt tài sản của các tiểu thương tại chợ Đổ. Nhóm Chiến “chó” – anh ruột bà trùm Dung Hà đã bị đưa vào tầm ngắm.

Mời quý vị đón đọc kỳ tiếp theo Đại tá kể chuyện dẹp loạn đất Cảng: Đối đầu với Chiến “chó” vào 19h ngày 7/9/2019.

Đại tá kể chuyện dẹp loạn giang hồ đất Cảng: “Ông trùm, bà trùm” làm kinh tế

Lợi dụng những kẽ hở của luật pháp, “ông trùm”, “bà trùm” giang hồ đất Cảng đã lấn sân làm kinh tế sử dụng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Sơn ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN