Cầu treo “treo” mãi, dân vượt sông bằng săm ô tô

Trong chuyến công tác lên các xã huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam), chúng tôi chứng kiến cảnh người dân phải qua con sông Tranh hung dữ bằng những chiếc thuyền nhỏ chông chênh. Đặc biệt, lúc không có thuyền, người dân phải dùng săm xe ô tô cũ bơm đầy hơi rồi tự bơi qua sông.

Cầu treo “treo” mãi, dân vượt sông bằng săm ô tô - 1

Cây cầu treo người dân tự làm ở thôn 5, xã Trà Nam. Ảnh: Hữu Phúc

Qua sông bằng săm ô tô cũ

Nằm cách trung tâm huyện Nam Trà My khoảng 7km, tại xã Trà Mai và xã Trà Tập, người dân muốn qua lại với nhau phải vượt qua sông Tranh đầy hiểm nguy. Hơn một năm về trước, đã có nhiều đoàn đến đây khảo sát để tiến hành xây dựng cầu treo nhằm giúp người dân hai xã đi lại thuận lợi. Vậy nhưng, từ đó đến nay, dự án cầu treo vẫn chưa được tiến hành, hàng trăm hộ dân phải đánh cược mạng sống qua lại trên những chuyến đò nhỏ chông chênh.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hồ Văn Út (45 tuổi, trú tại thôn 4, xã Trà Tập) cho biết, cả thôn có hơn 100 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Ca Dong, Xê Đăng. Hàng chục năm nay, mỗi lần người dân muốn đi lên trung tâm huyện hay xã thì phải dùng thuyền hoặc săm xe ô tô cũ bơm lên đi lại được. “Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa thì nước sông dâng cao, chảy xiết, bà con không ai dám qua sông”, ông Út kể.

Dù làm nghề lái đò nhiều năm nay và đã có dày dặn kinh nghiệm mỗi khi qua sông, nhưng ông Trương Quang Thiều (46 tuổi, trú tại thôn 4, xã Trà Tập) vẫn hãi hùng khi nhiều lần chứng kiến cảnh người dân dùng săm ô tô cũ để qua sông mỗi khi không có thuyền. “Người lớn qua lại đã đành, ở thôn 4 (xã Trà Tập) còn có gần 70 con em học sinh của đồng bào đi học ở trung tâm xã phải qua sông Tranh mới đến trường được. Nhiều lúc các cháu phải dùng săm xe ô tô cũ hay thuyền nhỏ tự chế để qua sông. Mùa nắng thì đỡ chứ mùa mưa thì nguy hiểm lắm, đã có nhiều cái chết thương tâm xảy ra tại bến sông này”, ông Thiều buồn bã cho biết.

Nhớ lại những vụ tai nạn đau lòng, ông Thiều bồi hồi: “Cách đây hơn 2 năm, trong khi vượt sông để đi học, 2 học sinh đang học lớp 8 là Hồ Thị Hưng và Hồ Thị Thơ đã bị chết đuối. Hay như vào khoảng tháng 10/2013, ông Hồ Văn Tiến (49 tuổi) cũng tử vong khi qua sông. Mới đây nhất, vào năm 2015 một giáo viên trong lúc qua sông để đến lớp dạy học, không may bị đuối nước rất thương tâm... Hiểm nguy luôn rình rập người dân mỗi khi phải qua sông, rất mong các cấp chính quyền sớm xây cầu để đồng bào hai bên lưu thông qua lại thuận lợi. Đặc biệt là đối với các em học sinh, mùa khô thì còn có thể đến trường, chứ mùa mưa thì đành chịu”.

Hiểm nguy trên những cây cầu tự chế

Cầu treo “treo” mãi, dân vượt sông bằng săm ô tô - 2

Một số cầu treo người dân tự làm đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm mỗi khi đi qua.

Không thể trông chờ những dự án cầu treo, bà con dân tộc nơi đây tự chế ra những cây cầu treo bắc qua các sông, suối để qua lại. Hiện trên địa bàn huyện Nam Trà My có hàng trăm cây cầu treo người dân tự làm. Tuy nhiên, những cây cầu treo này thường không đảm bảo an toàn, đặc biệt nguy hiểm về mùa mưa lũ. Thế nhưng, vì cuộc sống, họ vẫn phải đi lại dù biết rằng hiểm nguy luôn rình rập bất cứ lúc nào.

Tại thôn 5 (xã Trà Nam), chúng tôi chứng kiến một cây cầu treo do người dân tự làm dài khoảng 20m, rộng khoảng nửa mét bắc qua con suối sâu. Nhìn cây cầu, chúng tôi rùng mình, ớn lạnh, phải định thần mãi mới dám đi qua được. Cầu được làm sơ sài với vài sợi thép và cây gỗ nhỏ đan lại. Do không được tu bổ, nhiều đoạn ở giữa mặt cầu đã hư hỏng nặng, lòi ra một khoảng trống, nếu ai đi không cẩn thận sẽ bị té xuống suối.

Cầu treo “treo” mãi, dân vượt sông bằng săm ô tô - 3

Không có cầu treo, người dân Tắc Rối liều mình qua sông trên những chiếc săm ô tô cũ. Ảnh: Hữu Phúc

Ông Trần Quốc Bảo (cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nam Trà My) cho biết, trên địa bàn xã Trà Nam có hàng chục cây cầu treo người dân tự làm. Mùa này đang là mùa khô nên nước sông, suối xuống thấp nên người dân tự lội suối qua được. Còn về mùa mưa lũ, nước sông, suối dâng cao, người dân đành phải đánh cược số mạng đi trên những cây cầu treo tự làm. “Trên địa bàn huyện Nam Trà My có hàng trăm cây cầu treo lớn nhỏ của người dân tự làm để đi qua sông, qua suối. Huyện chỉ hỗ trợ người dân dây cáp, còn việc bảo dưỡng và sử dụng là do bà con tự quản lý. Nếu một người đi kiểm tra thì chắc cũng vài tháng mới hết các cây cầu trên địa bàn huyện. Nhiều cây cầu ngay cả cán bộ huyện cũng không biết, không rõ là người dân làm ở đoạn suối nào”, ông Bảo nói.

Còn ông Nguyễn Đình Tân, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nam Trà My cho biết, trước đây Bộ GTVT có chương trình cầu treo dân sinh trên cả nước, trong đó tỉnh Quảng Nam được phân bổ 14 cây cầu và huyện Nam Trà My được hưởng 1 cây cầu, dự kiến sẽ nối thôn 1 xã Trà Mai và thôn 4 xã Trà Tập. Cầu treo này dài khoảng 100m, rộng 2m, với số vốn dự kiến khoảng 6 - 7 tỉ đồng. Theo đó, Ban quản lý Công trình 5 (Tổng Cục đường bộ) đã đến tận nơi khảo sát nhiều lần từ năm 2014, sau đó huyện tiến hành giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn để làm đường vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng nhưng đến nay mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.

“Số tiền làm cầu treo quá lớn, huyện không thể lo nổi. Trước tình hình đó, huyện đã gửi văn bản cho Tổng Cục đường bộ nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện. Còn bên Ban quản lý công trình 5 thì họ nói chưa có tiền. Mang tiếng được cầu treo nhưng không biết cầu “treo” đến bao giờ!”, ông Nguyễn Đình Tân cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Hoàng (Báo Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN