Có cầu, dân vẫn liều đu dây

Cầu thì vắng teo, cáp treo lại “ùn ứ”. Người dân cứ thế liều mình đu dây qua sông.

Để giúp người dân thoát cảnh đu dây qua sông ở 2 tỉnh Kon Tum và Đắk Lắk, ít nhất đã có 4 cây cầu được xây dựng với tổng số tiền hàng chục tỉ đồng. Thế nhưng, xem ra mong ước này đã không như ý muốn.

“Đu dây đỡ nguy hiểm hơn”

Có mặt ở địa điểm đặt cáp treo ngay sau lưng UBND xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, chắc hẳn ai cũng phải thót tim trước cảnh hàng chục lượt người treo mình trên dây cáp để qua sông. Bởi theo quan sát của chúng tôi, hai bên bờ sông cách nhau cả trăm mét trong khi hai đầu sợi dây cáp được buộc vào hai gốc cây đã khô mục, một bên cao và một bên thấp.

Có cầu, dân vẫn liều đu dây - 1

Người dân đu cáp treo qua sông tại làng Cà Nhảy, xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum trước khi bị tháo dỡ

Có cầu, dân vẫn liều đu dây - 2

Đi qua những cây cầu treo nguy hiểm không kém đu dây. Ảnh: Hoàng Thanh

Cáp treo nhìn “ớn lạnh” như vậy nhưng người dân ở đây cho biết mỗi ngày có hàng trăm lượt người đu dây cáp qua sông để đi làm hoặc vận chuyển nông sản. Đáng nói, mỗi lần qua sông, cáp treo phải chở đến 2 người hoặc 2 bao nông sản để tránh ùn ứ.

Ông Nguyễn Hữu Nông, Chủ tịch UBND xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, thừa nhận việc bà con dùng dây cáp để vượt sông là hết sức nguy hiểm, chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, khuyến cáo không sử dụng cáp treo mà đi vòng qua cầu để tránh nguy hiểm nhưng người dân không nghe.

Trong khi đó, ông Un Với (75 tuổi, làng Cà Nhảy, xã Đắk Nông) - người thường xuyên đu cáp treo qua sông, cho rằng việc đi qua cầu treo vừa xây tại làng Tà Pooc cũng không kém phần nguy hiểm bởi chiếc cầu dài cả trăm mét nhưng chỉ được nối bằng những dây cáp, sàn cầu ghép bằng những mảnh gỗ nhỏ đã khô, đinh nhô lởm chởm.

Còn theo anh Blong Khôi (làng Tà Pooc, xã Đắk Nông), đi qua cầu treo bằng xe máy rất nguy hiểm vì độ rung lắc mạnh, muốn qua phải đi từng người một, không cẩn thận sẽ ngã cả người và xe xuống sông. “Đến chiều mọi người đi làm về đông phải chờ từng xe một qua cầu rất lâu nên chỉ ai đi xe máy mới chờ, còn những người đi bộ chọn cách đu cáp treo” - anh Khôi nói.

Không chỉ cầu treo làng Tà Pooc, cầu treo làng Nông Nội, xã Đắk Nông phục vụ cho hàng chục hộ dân cũng trong tình trạng xuống cấp. Trong 5 dây sắt đỡ dưới sàn cầu thì có 4 dây đã bị đứt và được người dân nối tạm lại. Ngay ở đầu cầu, chính quyền địa phương phải cắm biển cảnh báo: “Cầu tạm nguy hiểm qua từng người một. Không được vận chuyển hàng hóa nặng qua cầu”. Tại cây cầu treo này, vào năm 2009 đã bị đứt làm 7 người rơi xuống sông. Rất may là không có trường hợp thương vong nặng. “Nhiều khi đu dây không nguy hiểm bằng đi qua cầu” - anh Blong Khôi so sánh.

Bất tiện

Trước tình trạng hàng trăm người dân trong xã hằng ngày phải đu dây, chèo thuyền qua sông để đi làm, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đầu tư xây 2 cây cầu bắc qua sông Krông Bông và sông Krông Ana (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk). Hiện cả 2 cây cầu đã được xây xong. Tuy nhiên, hằng ngày, rất nhiều người dân xã Hòa Lễ vẫn liều mình đu dây hoặc chèo ghe qua sông để đi làm… cho tiện.

Anh Trần Đình Lễ (35 tuổi, ngụ thôn 5, xã Hòa Lễ) cho biết: Nếu đi cầu, mỗi ngày 2 lượt tính ra phải mất khoảng 10 km trong khi đi ghe hay đu dây qua sông chỉ mất vài cây số. Vì vậy, đa số người dân thôn 5 vẫn qua sông bằng đu dây cho đỡ mất thời gian. Mùa này, ngoài qua sông bằng ghe thì có thể bơi hoặc cưỡi trâu qua, ai không muốn ướt quần áo thì đu dây.

Ông Trương Công Lý (56 tuổi, ngụ cùng thôn) thừa nhận nguy hiểm vẫn còn chực chờ vì đi ghe chòng chành dễ lật nhưng vẫn phải đi vì tiện lợi đủ đường.

Theo lãnh đạo xã Hòa Lễ, trong quá trình đo đạc để làm cầu, các chuyên gia cho biết khoảng cách giữa 2 cầu tính theo đường chim bay chỉ có 2 km, trong khi theo quy định thì khoảng cách giữa hai cây cầu phải cách nhau ít nhất 5 km nên đã quyết định xây dựng tại thôn 2 và thôn 6.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đoàn Hữu, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Lễ, cho hay việc nhà nước đầu tư xây được 2 cây cầu qua sông Krông Bông và sông Krông Ana là như mong đợi của người dân và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, từ đầu đến cuối xã có hơn 12 km đường sông nên mặc dù có cầu, về mùa khô vẫn còn nhiều điểm người dân qua sông bằng ghe, đu dây...

Theo ông Tô Quang Dịnh, Phó Trưởng Phòng Quản lý giao thông - Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, trong đợt này, Bộ GTVT đầu tư xây tổng cộng 9 cây cầu dân sinh cho người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong đó có 2 cây cầu ở xã Hòa Lễ. Hai cầu này có tổng đầu tư hơn 9 tỉ đồng bằng nguồn ngân sách trung ương.

Tháo cáp buộc dân đi cầu

Ngày 29-1, UBND xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum thông tin xã này đã tiến hành tháo dỡ hệ thống cáp treo tại địa bàn thôn Cà Nhảy, xã Đắk Nông. UBND huyện Ngọc Hồi cũng đang tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các hệ thống cáp treo người dân tự chế trên địa bàn và sẽ cho tháo dỡ toàn bộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh - Cao Nguyên (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN