Cầu cửa ngõ TPHCM tái khởi công sau 6 năm đình trệ

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Sau 6 năm đình trệ, dự án xây mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý đã chính thức tái khởi công khi TPHCM hoàn thành thủ tục chuyển đổi từ hình thức đầu tư BOT sang đầu tư công theo đúng quy định pháp luật.

Sáng 21/6, Sở GTVT TPHCM phối hợp với Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) tổ chức tái khởi công cầu Tân Kỳ - Tân Quý, quận Bình Tân. Công trình nằm ở cửa ngõ phía Tây của TPHCM bắc qua kênh Tham Lương, được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại trên các tuyến đường Mã Lò, Tân Kỳ - Tân Quý ra quốc lộ 1, kết nối sân bay Tân Sơn Nhất.

Lãnh đạo TPHCM cùng các sở, ngành, chủ đầu tư bấm nút tái khởi công dự án xây mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý. Ảnh: T.K.

Lãnh đạo TPHCM cùng các sở, ngành, chủ đầu tư bấm nút tái khởi công dự án xây mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý. Ảnh: T.K.

Ông Lương Minh Phúc- Giám đốc Ban Giao thông TPHCM cho biết, dự án xây mới cầu Tân Kỳ- Tân Quý là dự án đầu tiên thành phố áp dụng cơ chế chuyển từ hình thức PPP (hợp đồng BOT: xây dựng - kinh doanh  chuyển giao) trước đây sang hình thức đầu tư công từ vốn ngân sách TPHCM.

Công trình có tổng mức đầu tư 491 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 44 tỷ đồng, chí phí bồi thường hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật là 190 tỷ đồng, chi phí thanh toán cho nhà đầu tư trước đây là 230 tỷ đồng, cùng các chi phí tư vấn, quản lý dự án, chi phí dự phòng và các chi phí khác.

Tổng diện tích sử dụng đất cho dự án phải thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư là 1,5ha, với 43 hộ dân phải bàn giao một phần diện tích nhà hiện hữu để thi công dự án.

Giám đốc Ban Giao thông TPHCM cho biết, dự án có mục tiêu xây dựng mới cầu Tân Kỳ Tân Quý bằng bê tông cốt thép với tổng chiều dài 385m, trong đó phần cầu dài 83m; mặt cắt ngang 4 làn xe ô tô cùng 2 lề đi bộ, đường gom 2 bên cầu dài 367m, cùng 86m kè bê tông cốt thép dự ứng lực dọc 2 bên bờ kênh Tham Lương tại vị trí cầu, cùng hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng và tổ chức giao thông phù hợp với quy mô dự án.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung cao độ, kiểm tra đôn đốc Tư vấn giám sát, Nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành, thông xe cầu Tân Kỳ Tân Quý mới vào ngày 31/12/2024 như một món quà đặc biệt kính tặng người dân quận Bình Tân và phục vụ người dân thành phố”, ông Phúc chia sẻ.

Cầu Tân Kỳ - Tân Quý tái khởi công sau 6 năm đình trệ. Ảnh: T.K.

Cầu Tân Kỳ - Tân Quý tái khởi công sau 6 năm đình trệ. Ảnh: T.K.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho rằng, dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý khởi công lại là quá trình các sở ngành liên quan đã nỗ lực cao, hoàn thành các thủ tục chuyển đổi mô hình đầu tư theo hình thức BOT sang hình thức công đúng quy định của pháp luật.

“Thay mặt lãnh đạo UBND TP, tôi đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ sớm đưa dự án vào khai thác. Đồng thời, các dự án xung quanh cũng đẩy tiến độ hoàn thành để sớm hoàn chỉnh, đồng bộ mạng lưới giao thông, chỉnh trang đô thị khu vực phía Tây, giúp kết nối thuận lợi với nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất...”, ông Cường nhấn mạnh.

Hồi tháng 8/2016, cầu Tân Kỳ - Tân Quý bị sự cố, không thể tiếp tục khai thác. Trong bối cảnh ngân sách TPHCM hạn hẹp, dự án xây mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý được bổ sung vào dự án BOT cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc. 

Đến cuối năm 2018 dự án đã thực hiện khoảng 70% khối lượng, nhưng đình trệ do vướng mặt bằng. Sau đó, quận Bình Tân đã hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng dự án vẫn chưa thể tiếp tục do vướng mắc liên quan hợp đồng BOT đã ký bởi dự án không phù hợp Nghị quyết 437 của Quốc hội (không được làm trên đường hiện hữu).

Để sớm hoàn thành công trình dang dở, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, cuối năm 2022, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết chấp thuận chi 491 tỷ đồng để hoàn thành cầu, chuyển từ hợp đồng BOT sang đầu tư công.

Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) làm chủ đầu tư. Sau đó, TPHCM đã thực hiện các bước để thương thảo, chấm dứt hợp đồng BOT với nhà đầu tư cũ là Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO).

Nguồn: [Link nguồn]

Cầu Trần Hoàng Na và cầu Cờ Đỏ ở TP Cần Thơ có tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng, dự kiến được khánh thành vào cuối tháng 4-2024.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Kiệt ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN