Câu chuyện thú vị về cặp song sinh giấu gia đình đi bộ đội

Sự kiện: Thời sự Hải Dương

"Chúng em quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ và có ước nguyện được phục vụ lâu dài trong quân đội", Thế Anh tâm sự.

Chúng tôi về thôn Cáy, xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc (Hải Dương) được nghe câu chuyện về hai anh em song sinh Mai Thế Anh và Mai Ngọc Anh (SN 1998) tình nguyện viết đơn lên đường bảo vệ Tổ quốc trong đợt nhập ngũ năm 2017.

Khi PV Báo Gia đình & Xã hội có mặt tại gia đình cũng là lúc họ hàng nội tộc, bạn bè và hàng xóm đến chung vui, động viên và tiễn chân hai anh em lên đường tòng quân.

Ông Mai Văn Xuân (SN 1965, bố đẻ) phấn khởi cho hay, đây là lần đầu tiên gia đình có đại sự và được nhiều người đến nên ai xúc động, tự hào.

Câu chuyện thú vị về cặp song sinh giấu gia đình đi bộ đội - 1

Vợ chồng ông Xuân căn dặn hai người con song sinh trước giờ tòng quân. Ảnh: Đ.Tuỳ

Theo lời kể của ông, sau khi tốt nghiệp THPT vào tháng 6/2016, Thế Anh và Ngọc Anh đăng ký thi vào trường Cao đẳng nghề hàng hải (TP. Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, vì còn khó khăn kinh tế và nơi học xa gia đình nên vợ chồng ông động viên hai con không theo học.

“Tôi biết, các con buồn vì không được tiếp tục đi học nhưng cả hai đều thương bố mẹ nên ngoan ngoãn nghe lời. Tuy nhiên, đến khi gia đình tôi cầm giấy báo nhập ngũ của hai anh em thì ai cũng bất ngờ”, ông Xuân cho biết.

Câu chuyện thú vị về cặp song sinh giấu gia đình đi bộ đội - 2

Hai anh em Thế Anh (trái), Ngọc Anh (phải) trò chuyện với PV Báo Gia đình & Xã hội. Ảnh: Đ.Tuỳ

Em Ngọc Anh kể, hồi còn nhỏ cả hai anh em đều có ước mơ trở thành người lính khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cho nên, khi biết gia đình không có điều kiện cho đi học, cả hai đã đã giấu bố mẹ viết đơn tình nguyện đăng ký lên đường nhập ngũ.

Lý giải vấn đề này, Thế Anh cho hay, nếu tính tuổi thì đều đủ tuổi 18 nhưng thiếu tháng. Cho nên, nếu không làm đơn tình nguyện thì chưa chắc Hội đồng tuyển quân đã nhận và cũng sợ bố mẹ không đồng ý, vì vậy hai anh em đã làm đơn.

Nói về việc làm của hai con, ông Xuân cho biết: “Thực sự, vợ chồng tôi không biết chuyện con mình làm đơn xin đi bộ đội. Tôi không giận các con mà thấy tự hào, hãnh diện vì hai đứa đã lớn và biết suy nghĩ khi thấy trách nhiệm của mình trước nhiệm vụ của Tổ quốc”.

Câu chuyện thú vị về cặp song sinh giấu gia đình đi bộ đội - 3

Trước giờ lên đường tòng quân, hai anh em thắp hương trước bàn thờ gia tiên. Ảnh: Đ.Tuỳ

Lúc đầu, tin hai con trai của ông Xuân làm đơn nhiều người trong thôn xóm cũng xì xào to nhỏ. Có người còn cho ông là dại khi để cho con mình đi bộ đội mà không cho đi học hay làm công nhân. Tuy nhiên, những lời đó không khiến cho vợ chồng ông buồn vì ông biết các con của ông đã lựa chọn đúng đắn.

Theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Xuân là con thứ 2 trong gia đình có 5 anh em. Hồi còn trẻ, bố ông từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Còn 4 anh em trai của ông ai đều đi bộ đội bảo vệ biên giới phía Bắc.

Riêng ông Xuân từng là Tiểu đội trưởng Trạm sửa chữa ô tô của Cục Hậu cần (Quân đoàn 14). Đặc biệt, bản thân ông và người em trai Mai Xuân Tươi cũng là cặp đôi song sinh.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ vào tháng 6/1998, ông về quê và xây dựng gia đình với bà Trần Thị Ngần (SN 1970, cùng thôn). Thời điểm này, ông làm nhiều nghề khác nhau để có tiền sinh sống và nuôi con.

Câu chuyện thú vị về cặp song sinh giấu gia đình đi bộ đội - 4

Thế Anh căn dặn người em út ở nhà. Ảnh: Đ.Tuỳ

Nhớ lại ngày vợ sinh Thế Anh, Ngọc Anh, ông Xuân kể, ngày đó chưa có máy móc siêu âm nên gia đình không biết vợ mang song thai, nhưng cách ngày sinh khoảng một tuần thì gia đình mới biết.

“Lúc đó, vợ chồng tôi lo lắng vì sợ sinh ra các cháu nhỏ khó nuôi, vả lại kinh tế gia đình khó khăn sẽ không biết lấy gì để nuôi con. Tuy nhiên, khi chào đời thấy các con khoẻ mạnh vợ chồng tôi mừng rơi nước mắt và tiếp thêm động lực gia đình vượt khó nuôi các con ăn học”, bà Ngần tâm sự.

Không chỉ sinh ra cùng ngày giờ và năm mà Thế Anh, Ngọc Anh còn có nhiều điểm giống nhau từ học hành đến tính cách. Bình thường cả hai anh em đều ít nói và làm gì, đi đâu cũng có nhau. Cho nên, sau khi học xong THPT cả hai làm công nhân cho một xưởng gạch và lúc đi nghĩa vụ quân sự thì cùng đăng ký.

“Chúng em đều biết nhiệm vụ trước mắt sẽ khó khăn và đầy thử thách, vất vả, nhưng cả hai sẽ quyết tâm phấn đấu noi gương cha anh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ và ước nguyện được phục vụ lâu dài trong quân đội", Thế Anh tâm sự.

Câu chuyện thú vị về cặp song sinh giấu gia đình đi bộ đội - 5

Rất nhiều bạn bè đến chung vui và tiễn chân hai anh em lên đường tòng quân. Ảnh: Đ.Tuỳ

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, Vũ Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch HĐNVQS xã Đoàn Thượng cho hay, năm 2016, xã có trường hợp viết đơn tình nguyện tham gia quân đội, nhưng anh em song sinh Thế Anh, Ngọc Anh là lần đầu tiên của địa phương.

“Tôi cho rằng, việc làm này của hai anh em không chỉ thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện sẵn sàng cống hiến tuổi trẻ với quê hương mà còn là nghĩa vụ của công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đây là hành động đẹp cần được tuyên dương và nhân rộng”, ông Sơn cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Tuỳ (Gia đình xã hội)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN