“Cậu bé napalm” và cô vợ Thụy Sĩ về làng

Bị bom napalm dội xuống, người mẹ chết còn Đoàn Sơn bị cháy sém, thịt da tan chảy. “Phép màu” đã đưa Sơn đi châu Âu chữa bệnh và sống sót. Sau 39 năm sống ở xứ người, Đoàn Sơn đem theo người vợ Thụy Sĩ về Việt Nam để thỏa nỗi nhớ quê hương và phụng dưỡng người dì ruột đơn thân.

Một ngày đầu tháng năm, chúng tôi về làng Truyền Nam (xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và chứng kiến cảnh một người đàn ông với khuôn mặt, tay chân gồ ghề bởi những vết sẹo, đang cùng một phụ nữ nước ngoài hì hục nhặt rác quanh làng. Dân làng cho biết đó là ông Đoàn Sơn (SN 1957), người thoát chết sau loạt bom napalm trong chiến tranh và vợ tên Sissi đến từ Thụy Sĩ.

Một buổi chiều năm 1968, lúc Sơn 11 tuổi, máy bay Mỹ ném bom napalm rơi trúng nhà khiến người mẹ chết thảm. Trước đó, cha của Sơn cũng chết vì bom. Sơn bị ảnh hưởng của chất napalm nên bị cháy sém. Thấy mẹ bất tỉnh, Sơn gào thét kinh hoàng rồi vụt chạy qua nhà người dì ruột Đoàn Thị Thân. Vừa đến nơi, Sơn ngất xỉu. Dì Thân hái lá cây đắp vào người Sơn cầm máu. Ba ngày sau, Sơn được đưa lên nhà thương Huế băng bó và một tuần sau thì về nhà.

“Cậu bé napalm” và cô vợ Thụy Sĩ về làng - 1

Vợ chồng Đoàn Sơn hạnh phúc khi sống ở Việt Nam

Tưởng chừng Sơn sẽ chết mòn với cơ thể tàn phế thì xuất hiện “vị cứu tinh”. Ba tháng sau, nhà văn Edmond Kaiser (SN 1917, Pháp), người sáng lập Terre des Hommes (tổ chức từ thiện của Thụy Sĩ chuyên giúp đỡ những nạn nhân chiến tranh) đã gặp và đưa Sơn đến CHLB Đức chữa trị. Hơn một tháng sau, Sơn được đưa sang Thụy Sĩ để cấy da...

Vết thương của Sơn lành dần và sức khỏe hồi phục. Sơn được bà Els Goldstein (nhân viên của Terre des Hommes) nhận làm con nuôi và đem về Zurich (Thụy Sĩ) chăm sóc. Bà Els có ba người con gái, một người là Anjuska Weil sau này trở thành Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ - VN, có nhiều hoạt động đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở VN. Bà Els thuê thầy giáo về dạy học cho Sơn. Hai năm sau, Sơn được học tại trường ở Zurich. Biết con là người VN thuần nông, mẹ nuôi hướng Sơn học nghề nông nghiệp.

Chăm chỉ tập luyện, vận động nên Sơn đã lo được cho bản thân và làm được việc nặng nhọc. Năm 20 tuổi, Sơn vào làm việc cho một công ty chuyên trồng rau, hoa quả. Lúc rảnh rỗi, anh đi dọn vệ sinh, lau cửa tại các trường học, cửa hàng.

“Cậu bé napalm” và cô vợ Thụy Sĩ về làng - 2

Đoàn Sơn vận hành chiếc máy xới đất mang từ Thụy Sĩ về

Đem hạnh phúc và "mầm" thiện trở về

Ở nhà mẹ nuôi, Sơn gặp Sissi (SN 1957), cô gái người Thụy Sĩ xinh đẹp làm nội trợ cho nhà bà Els. Họ mến rồi yêu nhau. Khi được hỏi vì sao lại yêu một người xa lạ và tàn tật như Đoàn Sơn, Sissi nói: “Mình không nhìn vào những khiếm khuyết đó mà nhìn vào mắt Sơn. Đôi mắt yêu thương, chân thành và đầy tin tưởng”. Họ cưới nhau và sinh được ba người con (một trai, hai gái). Năm 1988, Đoàn Sơn trở về thăm quê. Ký ức tuổi thơ, người thân, bom đạn dày xéo hiện lên khiến Sơn nghĩ đến việc sẽ về ở hẳn quê nhà. Và quan trọng hơn là anh được chăm sóc, phụng dưỡng dì Thân.

Đoàn Sơn vừa làm việc vừa đi học tiếng Việt. Năm 1996 khi các con đã trưởng thành, có việc làm ổn định, Đoàn Sơn đưa vợ về quê mình sống. Vốn có sẵn nghề nghiệp lúc ở Thụy Sĩ, Đoàn Sơn bắt tay vào trồng cây, chăn nuôi... Sissi phụ chồng và sản phẩm chủ yếu để tặng người thân, người dân và được nhiều thì đem bán để chi tiêu. Một số hàng xóm tốt bụng giúp Sissi học nấu món ăn Việt.

Dì Thân sống đơn độc, đã già yếu được vợ chồng Đoàn Sơn hàng ngày chăm sóc, nuôi dưỡng. Bà rất tự hào vì cháu dâu là dân Tây nhưng có tấm lòng thơm thảo, đã quen với lối sống, tập quán ở quê. Sissi rất hạnh phúc. Chị chỉ thấy khó chịu do thời tiết thất thường ở Huế và mỗi lần đi chợ đều bị... hét giá.

“Cậu bé napalm” và cô vợ Thụy Sĩ về làng - 3

Đoàn Sơn chăm sóc cây cà chua và cắt sắt để làm vườn

Sống chật vật bằng đồng lương hưu ít ỏi và còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng Đoàn Sơn tiết kiệm, bớt chút chi tiêu để giúp người khốn khó ở địa phương. Họ tặng gạo, tiền, thức ăn cho người nghèo, ốm đau, tàn tật... Đoàn Sơn mua xe đạp tặng cậu học sinh nhà nghèo; tặng gà, chim bồ câu, thỏ giống để các hộ dân chăn nuôi; cùng với người em nuôi hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng cho anh Phục trong thôn bị tai nạn nằm liệt giường... Nhiều lúc làm từ thiện “sạch túi”, họ lại vận động người thân, bạn bè ở Thụy Sĩ chung tay giúp đỡ.

Không chỉ bỏ tiền túi giúp người dân, họ còn cặm cụi khắp các đường làng, xó chợ để nhặt rác. Sissi nói: “Mình làm như thế để môi trường sạch sẽ, ngăn chặn động vật, côn trùng gây bệnh”. Ban đầu dân địa phương còn ngỡ ngàng, chỉ trỏ nhưng trước việc làm đầy ý nghĩa, thiết thực và hiệu quả của vợ chồng Đoàn Sơn, mọi người chung tay làm sạch môi trường hoặc có ý thức hơn trong sinh hoạt.

Sissi và chồng đã hòa nhập với cuộc sống quê chồng. Họ vui mừng bởi ba người con thỉnh thoảng sang thăm cha mẹ. Cả hai cho biết đã quyết định sống hẳn ở Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Quân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN