Cảnh sát Hong Kong đánh mất danh tiếng trong 1 đêm

Cảnh sát Hong Kong từng được coi là "tốt nhất châu Á", nhưng danh tiếng đó đang bị chính họ hủy hoại.

Trước đây, cảnh sát Hong Kong luôn tự hào rằng mình là lực lượng “tốt nhất châu Á” với chính sách công bằng, vô tư đối với công dân.

Cảnh sát Hong Kong đánh mất danh tiếng trong 1 đêm - 1

Cảnh sát Hong Kong đang đánh mất danh tiếng "tốt nhất châu Á" của mình

Thế nhưng, giờ đây danh tiếng mà họ dày công xây dựng ấy đang có nguy cơ đổ sông đổ bể sau những cáo buộc về cách hành xử bạo lực và tiêu chuẩn kép của họ trong các vụ đụng độ với người biểu tình đòi dân chủ.

Hôm thứ Tư, dư luận Hong Kong đã vô cùng sốc và phẫn nộ khi chứng kiến cảnh 7 cảnh sát mặc thường phục còng tay và khiêng một người biểu tình vào góc tối để thay nhau đánh đập suốt 4 phút.

Người biểu tình cũng cáo buộc rằng cảnh sát đã làm ngơ để các thành viên xã hội đen liên tiếp tấn công, lăng mạ và hành hung người biểu tình ngay trên đường phố.

Ông Surya Deva, giáo sư luật tại Đại học Hong Kong nhận định: “Niềm tin vào cảnh sát mà người biểu tình vừa lấy lại được sau vụ bắn hơi cay cách đây 2 tuần giờ đây đã tan biến. Gốc rễ của vấn đề ở đây là chính quyền đã sử dụng bạo lực của cảnh sát để đối phó với một vấn đề chính trị”.

Cảnh sát Hong Kong đánh mất danh tiếng trong 1 đêm - 2

Cảnh sát Hong Kong xịt hơi cay vào người biểu tình

Lực lượng cảnh sát Hong Kong được thành lập vào năm 1844, sau khi Anh kiểm soát vùng lãnh thổ này từ tay Trung Quốc. Tuy nhiên đến thập niên 1960, cảnh sát Hong Kong khét tiếng với những vụ nhận hối lộ đình đám, thậm chí là thông đồng với các băng đảng thuộc hội Tam Hoàng.

Hình ảnh của cảnh sát Hong Kong chỉ được gột sửa sau khi thành phố thành lập một cơ quan giám sát chống tham nhũng vào năm 1974, và cơ quan này đã đưa các cảnh sát nhận hối lộ vào “sổ đen”, đồng thời buộc một loạt cảnh sát biến chất phải nghỉ hưu sớm.

Kể từ đó, cảnh sát Hong Kong nổi tiếng khắp châu Á là một lực lượng cảnh sát “sạch” và công bằng, hiệu quả, hơn hẳn so với nhiều lực lượng tương đương trong khu vực. Tỉ lệ tội phạm bạo lực và trộm cắp ở Hong Kong được giữ ở mức thấp, mặc dù sự phân hóa giàu nghèo ở thành phố này rất rõ rệt.

Cảnh sát Hong Kong đánh mất danh tiếng trong 1 đêm - 3

7 cảnh sát bị đình chỉ sau khi đánh đập thậm tệ một người biểu tình

Theo số liệu thống kê của chính quyền, Hong Kong chỉ có 8,6 vụ cướp trên 100.000 dân vào năm 2012, so với con số 243,7 vụ của New York và 789,8 vụ của Paris.

Báo chí Hong Kong thường gọi đội ngũ cảnh sát của họ là “lực lượng tốt nhất châu Á”, một thuật ngữ từng được đưa ra trong một cuốn sách về cảnh sát Hong Kong năm 1983.

Thế nhưng danh tiếng trong suốt những năm qua đang có nguy cơ sụp đổ bởi cách cảnh sát xử lý cuộc biểu tình đòi dân chủ kéo dài suốt 3 tuần qua ở Hong Kong.

Trong thời gian gần đây, tình trạng giá bất động sản tăng vọt cùng với sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nhân giàu có đến từ đại lục cũng như tình trạng chính trị thao túng kinh tế đã khiến đông đảo người dân Hong Kong cảm thấy bất an về tương lai.

Cảnh sát Hong Kong đánh mất danh tiếng trong 1 đêm - 4

Một người biểu tình ngồi trước hàng rào cảnh sát Hong Kong

Thế nhưng chính những hành động bạo lực và làm ngơ cho xã hội đen hoành hành của cảnh sát là “giọt nước tràn ly” khiến người dân, đặc biệt là người biểu tình, đánh mất niềm tin cuối cùng vào lực lượng thực thi pháp luật Hong Kong.

Những tiếng hô phản đối “cớm bẩn” giờ đây trở nên phổ biến trong người biểu tình mỗi khi đối đầu với cảnh sát nhằm tố cáo sự “thông đồng” của cảnh sát với các thành viên xã hội đen để pá biểu tình.

Claudia Mo, một chính trị gia thuộc đảng Nhân dân nói: “Chúng ta phải thừa nhận rằng Hong Kong luôn được coi là một trong những thành phố lớn an toàn và đảm bảo nhất thế giới. Thế nhưng niềm tin đó đang suy giảm. Nếu bạn không còn tin vào cảnh sát, tình trạng hỗn loạn sẽ càng hoành hành”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Skynews) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN