Campuchia: Biểu tình rã đám

Sự kiên quyết trấn áp của lực lượng an ninh đã khiến người biểu tình phải tháo chạy khỏi thủ đô và không thể thực hiện kế hoạch như đã định.

Ngày 4/1, đông đảo lực lượng an ninh Campuchia được trang bị dùi cui và khiên đã tràn vào căn cứ địa biểu tình ở trung tâm thủ đô Phnom Penh buộc người biểu tình phải bỏ chạy tán loạn và đập tan ý định tổ chức các cuộc biểu tình sắp tới của phe đối lập.

Người phát ngôn lực lượng quân cảnh Campuchia Kheng Tito tuyên bố: “Họ sẽ không được phép tuần hành, biểu tình hay tổ chức bất cứ hoạt động chính trị nào tại công viên này nữa.” Ông Tito khẳng định cảnh sát đã không sử dụng vũ lực, bất chấp những cáo buộc của phe đối lập.

Campuchia: Biểu tình rã đám - 1

Cảnh sát dùng dùi cui giải tán căn cứ địa biểu tình

Vụ giải tán biểu tình trên diễn ra chỉ một ngày sau khi lực lượng quân cảnh Campuchia sử dụng AK bắn thẳng vào người biểu tình khiến ít nhất 3 người thiệt mạng, đánh dấu vụ bạo lực tồi tệ nhất tại Campuchia trong hơn một thập kỷ qua.

Thủ tướng Hun Sen đang  phải đối mặt với một thử thách lớn sau khi hàng trăm ngàn công nhân dệt may ở Campuchia đổ ra đường theo lời kêu gọi của đảng Cứu quốc Dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập để biểu tình đòi tăng lương và đòi tổ chức bầu cử lại.

Thống đốc Phnom Penh Pa Socheatvong tuyên bố đảng CNRP sẽ không được phép tổ chức các cuộc tuần hành hay biểu dương lực lượng “cho đến khi tình hình an ninh và trật tự công cộng trở lại bình thường.”

Biện pháp mạnh tay này của cảnh sát và quân cảnh đã phá hủy kế hoạch tổ chức cuộc biểu tình lớn kéo dài 3 ngày của phe đối lập bắt đầu từ ngày Chủ nhật, và buộc lãnh đạo đảng CNRP phải vắt óc tìm ra chiến lược đối phó.

Campuchia: Biểu tình rã đám - 2

Người biểu tình tháo chạy khỏi thủ đô Phnom Penh

Hôm thứ Sáu, Mỹ cũng đã thể hiện sự quan tâm tới tình hình Campuchia khi lên tiếng kêu gọi tổ chức các cuộc đối thoại hòa bình và chỉ trích việc sử dụng bạo lực, đồng thời kêu gọi các bên hết sức kiềm chế.

Ở Campuchia, những bất đồng về mức lương và điều kiện làm việc giữa giới công nhân và giới chủ nước ngoài rất phổ biến, bởi lực lượng lao động chi phí rẻ của Campuchia đã thu hút rất nhiều ông lớn trong ngành dệt may nước ngoài như Gap, Nike hay H&M. Ngành dệt may tạo ra 650.000 công ăn việc làm ở Campuchia và là nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất của đất nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo WP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN