"Cái chết của báo in": Con đường hồi sinh

Trước sự cạnh tranh khốc liệt của thông tin mạng cũng như những yếu tố khác, các tờ báo in phải làm gì để tự cứu lấy mình trong cơn bão thông tin?

Các ông trùm ngành truyền thông Mỹ từng nhận định: Cách duy nhất để cứu lấy báo giấy là chấm dứt việc đọc tin miễn phí trên mạng. Họ khẳng định: Xây dựng mô hình đọc tin trả tiền trên mạng là một bước đi đúng đắn và cần thiết, và trong tương lai các cơ quan thông tấn nghiêm túc đều sẽ thực hiện việc thu phí đọc tin.

Điển hình như ở nước Anh, ông trùm truyền thông Rupert Mudoch đã cho thu phí độc giả trên phiên bản điện tử của tờ Nhật báo Phố Wall (The Wall Street Journal). Rupert Mudoch cho rằng, tương lai của báo chí phụ thuộc vào các thiết bị số hóa, nhưng việc phát triển các sản phẩm tương ứng cần có thời gian, đồng thời độc giả cũng cần một quá trình để thích nghi với phương thức đọc tin trả tiền trên website.

"Cái chết của báo in": Con đường hồi sinh - 1

Ông trùm truyền thông Rupert Mudoch

Mới đây nhất, nhật báo lớn nhất nước Đức là Bild sẽ bắt đầu thu phí đọc báo điện tử từ tháng 6 năm nay, đánh dấu một xu hướng chung đang hình thành rõ tại châu Âu. Theo đó, độc giả của nhật báo này sẽ phải trả tiền để có thể đọc được một số nội dung đặc biệt trên phiên bản điện tử, nghĩa là chấm dứt thời kỳ "đọc báo miễn phí".

Về cơ bản, các tin tức chung vẫn sẽ được miễn phí nhưng nếu độc giả muốn đọc các bài viết, phỏng vấn, điều tra hay hình ảnh độc quyền thì phải trả tiền. Bild gọi mô hình thu phí này là "freemium"(miễn phí chất lượng cao). Điều này khác với mô hình của báo New York Times ở Mỹ là giới hạn số bài viết mà độc giả được đọc miễn phí trong tháng.

Các nhà phân tích nói rằng làng báo châu Âu đang theo dõi sát sao mức độ thành công trong mô hình của Bild trong khi nhiều tờ báo đang hi vọng sẽ đi theo mô hình này. Cách làm của Bild được đánh giá là một nỗ lực đáng kể để buộc độc giả ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu này phải trả phí đọc báo trực tuyến.

Nhưng, liệu việc chấm dứt đọc báo mạng miễn phí có giúp giải quyết triệt để những khó khăn hiện nay của báo giấy? Điều này không ai dám chắc. Chỉ chắc rằng, trước mắt việc thu phí đọc tin trên mạng có thể hỗ trợ báo giấy tồn tại, song không thể xem đây là cách thức giải quyết triệt để.

"Cái chết của báo in": Con đường hồi sinh - 2

Liệu mô hình của Bild có thành công

Tuy nhiên, “cái chết” của báo in mà nhiều người đề cập ở đây không hẳn là cái chết của những tờ báo truyền thống, đó chỉ là cái chết của lối làm báo cũ, lối tư duy cũ. Các tờ báo hiện nay đang bắt đầu gượng dậy để thích ứng với đòi hỏi ngày càng cao của độc giả và bắt kịp với xu thế của thời đại.

Tiêu biểu trong đó là tờ The Guardian, tờ báo lâu đời và rất nổi tiếng ở Anh khi họ tung ra ứng dụng đọc báo trên Facebook của mình, và ứng dụng này đã được tải về 4 triệu lượt chỉ sau 2 tháng phát hành, và con số đó đang ngày càng tăng lên.

Có lẽ "cái chết của báo in" chỉ là một lời cảnh báo cho các tòa soạn, những người làm báo về kết cục không thể tránh khỏi nếu vẫn giữ tư duy cũ, cách làm cũ. Trong xã hội loài người, nhu cầu thông tin vẫn luôn luôn tồn tại, và chúng ta vẫn còn mong chờ được cầm trên tay những tờ báo giấy, không phải để gói hàng hay bọc thức ăn mà để tiếp nhận thông tin.

Rõ ràng báo điện tử có nhiều ưu thế hơn báo giấy, tuy nhiên để đáp ứng được nhu cầu ngày càng “tham lam” của độc giả, báo điện tử vẫn thường chạy đua để đưa ra thông tin nhanh nhất, nóng bỏng nhất, cập nhật nhất mà thiếu đi tính chọn lọc và mức độ tin cậy đáng lẽ ra phải có như ở các tờ báo in.

"Cái chết của báo in": Con đường hồi sinh - 3

Báo giấy vẫn là nhu cầu không thể thiếu của nhiều người

Đây chính là lý do để báo in tiếp tục tồn tại và phát triển, tiếp tục chiếm được cảm tình của độc giả. Nhưng để làm được điều đó, hơn ai hết mỗi tờ báo giấy cần thay đổi tư duy làm báo truyền thống, tự làm mới mình nhằm đáp ứng được nhu cầu thông tin ngày càng khắt khe của độc giả, xây dựng cho mình một phong cách riêng biệt, độc đáo và đáng tin cậy.

Đồng thời các tờ báo cũng phải chú trọng đào tạo đội ngũ nhân sự có đủ năng lực cần thiết trong cuộc cạnh tranh với Internet khi những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế qua đi, để chúng ta lại tiếp tục hy vọng về một sự hồi sinh thần kỳ của báo in.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Thành (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN