Cái chết của báo in TG: Rõ mặt thủ phạm
Ngành công nghiệp báo in lừng lẫy một thời đang chết dần chết mòn trước sức ép của cơn bão thông tin, vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến kết cục thảm thương đó?
Lý giải cho động thái sa thải toàn bộ phóng viên ảnh của mình, ban quản lý tờ Chicago Sun-Times cho hay: “Độc giả của chúng tôi khi đọc tin tức thường tìm kiếm nội dung video nhiều hơn. Chúng tôi đã đạt được bước tiến lớn nhằm đáp ứng nhu cầu này của độc giả và tập trung phát triển khả năng thông tin bằng hình ảnh video và các yếu tố đa phương tiện khác. Chicago Sun-Times tiếp tục phát triển với các khách hàng kỹ thuật số đầy hiểu biết, thế nên chúng tôi buộc phải tái cấu trúc cách thức quản lý đa phương tiện trên mạng lưới, trong đó có cả nội dung ảnh.”
Quả thật, những năm tháng báo in tung hoành trên khắp các kệ báo, các quán cà-phê hay trên bàn ăn sáng của các gia đình bắt đầu chững lại khi có sự xuất hiện của Internet và sự ra đời của các tờ báo mạng cùng với nhu cầu thông tin đòi hỏi ngày càng nhanh, ngày càng phong phú hơn của độc giả. Sự đổ bộ ào ạt của các tờ báo điện tử đã khiến báo in bắt đầu bước vào vòng xoáy và dần dần mất kiểm soát.
Báo in từng là món ăn tinh thần không thể thiếu của rất nhiều người
Chẳng hạn như với tờ Newsweek, số lượng phát hành của tờ báo này giảm mất một nửa kể từ năm 2005 tới nay, xuống chỉ còn 1,5 triệu ấn bản một kỳ so với lượng phát hành 3,14 triệu bản năm 2000. Số các trang quảng cáo của báo sụt mất hơn 80% và con số thua lỗ thường niên của báo có lúc đã chạm ngưỡng 40 triệu USD.
Rõ ràng là ngành công nghiệp báo in đang phải đối mặt với thời gian đầy thử thách khi các tờ báo đang phải vật lộn để thích ứng và bắt kịp với thời đại kỹ thuật số.
Cũng giống như nhiều ngành công nghiệp “truyền thống” khác, các tờ báo in đã bị công nghệ kỹ thuật số giáng một đòn nặng nề, một đòn quá đau mà nhiều người cho rằng nó báo hiệu cho cái chết của những tờ báo in, thậm chí một số người còn tin rằng thời đại của báo in đã chấm dứt để nhường chỗ cho công nghệ kỹ thuật số mà tiêu biểu là các tờ báo điện tử.
Tuy chỉ mới xuất hiện gần đây nhưng sự phổ biến của Internet đã giúp các tờ báo điện tử phá vỡ vị trí độc tôn của báo giấy. Một kết quả điều tra mới đây cho thấy, với giả thuyết nếu một ngày nào đó báo giấy đột nhiên biến mất, thì chỉ có 1/3 người Mỹ cảm thấy luyến tiếc. Rõ ràng, Interrnet đã đem lại cho báo điện tử những lợi thế không thể phủ nhận.
Báo điện tử có những lợi thế không thể phủ nhận trước báo in
Cũng theo kết quả điều tra này, những người nuối tiếc báo giấy truyền thống thường là những người đã có tuổi, trong khi thế hệ trẻ có xu thế sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin và tham gia các mạng xã hội như Twitter, Facebook… Những tiện ích mà các thiết bị công nghệ cao trong một môi trường tương tác rộng rãi và phong phú khiến giới trẻ không còn nhiều hứng thú với việc đọc báo giấy nữa.
Đúng như nhận định của ban quản lý tờ Chicago Sun-Times, giờ đây độc giả ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các nội dung số, đó là những hình ảnh rực rỡ, sinh động, những đoạn video nóng hổi thay vì những bức hình cố định trên những tờ báo giấy. Các dữ liệu trên mạng Internet được cập nhật liên tục, bám sát hơi thở cuộc sống với hình thức trình bày đẹp mắt nhất, sinh động nhất, hấp dẫn nhất nhằm lôi cuốn người đọc ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Giờ đây độc giả không còn thói quen ngồi chờ những tờ báo được giao mỗi sáng, hay ghé sạp báo đường đi làm, thay vào đó họ mở điện thoại, máy tính ra với vô vàn những trang báo điện tử, những mạng xã hội, những blog cá nhân, những truyền hình trực tuyến... với những nguồn thông tin liên tục được cập nhật nóng bỏng hơn, đa chiều hơn so với báo giấy.
Những người còn gắn bó với báo giấy ở Mỹ đa phần là người lớn tuổi
Một trong những nguyên nhân nữa khiến báo mạng điện tử và các nguồn thông tin trên Internet có thể chiếm thế thượng phong và đè bẹp báo in, đó chính là khả năng tương tác với độc giả. Trước đây, khi đọc một bài viết nào đó trên báo giấy và muốn bày tỏ ý kiến của mình, độc giả thường phải viết thư gửi tới tòa soạn và chờ đợi một thời gian để nhận được phản hồi.
Còn ngày nay, mỗi khi muốn trình bày quan điểm của mình về một bài báo, một câu chuyện nào đó, người đọc có thể bình luận, chia sẻ ngay lập tức, đồng thời nhận được nhiều luồng ý kiến đa chiều khác nhau không chỉ từ tòa soạn mà còn từ các độc giả có cùng mối quan tâm khác. Chính khả năng tương tác cao này càng nâng cao sức cuốn hút của báo mạng điện tử so với báo giấy.
Nắm bắt được xu thế này, nhiều tờ báo đã sử dụng các ứng dụng tin tức điện tử, và đây là một trong những lý do khiến lợi nhuận thu được từ việc phát hành báo giấy giảm hẳn. Thay vì phải trả tiền để chờ đợi những số báo được giao đến nhà mỗi ngày, độc giả ngày nay dễ dàng lựa chọn cách tìm kiếm nguồn thông tin miễn phí và phong phú hơn trên mạng.
Một thủ phạm khác góp phần bóp nghẹt báo in chính là suy thoái kinh tế toàn cầu. Ngay từ đầu thập niên 2000, các nhà quảng cáo đã bắt đầu hướng sự chú ý của mình sang báo mạng, và xu hướng này ngày càng phổ biến khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2008, tiếp đó là khủng hoảng nợ công trong khối Eurozone. Theo số liệu của Hiệp hội Quảng cáo Đức, doanh thu quảng cáo của các tờ nhật báo trong năm 2011 là 3,6 tỷ Euro, giảm 45% so với cách đây 12 năm.
Tranh biếm họa về cái chết đang chờ đợi báo in
Doanh thu quảng cáo lẫn bán báo giảm sút khiến cho các tòa báo ngày càng lâm vào cảnh khốn đốn và không thể kiểm soát được tình hình. Các chủ tòa soạn đã tìm mọi cách có thể để cứu vãn tình thế, từ việc cho ra đời những ấn bản trình bày đẹp hơn, bắt mắt hơn cho tới cắt giảm nhân sự, cắt giảm số lượng tin bài…, thế nhưng họ vẫn không thể nào tránh được cái kết cục thê thảm đang từ từ kéo đến với tờ báo của mình.
_______________________
Với những nguyên nhân chủ quan và khách quan trên, các tờ báo phải làm gì để tự cứu vớt mình khỏi vòng xoáy khủng khiếp của cơn bão thông tin Internet? Mời bạn đón đọc kỳ 3 "Cái chết của báo in: Con đường hồi sinh" vào sáng 22/6/2013.