"Cái chết của báo in" TG: Thực tế phũ phàng
Sau một loạt thông tin về những vụ cắt giảm nhân sự, sa thải phóng viên, đóng cửa tờ báo, có vẻ như các tờ báo in trên thế giới đang phải đối mặt với thực tế phũ phàng.
Ngày 30/5/2013, giới báo chí ở Mỹ chấn động trước thông tin tờ Chicago Sun-Times, tờ báo lâu đời nhất còn hoạt động ở thành phố Chicago, Mỹ đã quyết định “sa thải toàn bộ đội ngũ phóng viên ảnh” của mình, đồng thời huy động đội ngũ cộng tác viên ảnh và động viên các phóng viên chụp ảnh bằng điện thoại.
Số nhân viên bị ảnh hưởng bởi quyết định sa thải của một trong những tờ báo lớn nhất Chicago này có thể lên tới 30 người, bao gồm các nhân viên toàn thời gian, bán thời gian và cộng tác viên, trong đó có cả phóng viên ảnh kỳ cựu từng đoạt giải Pulitzer John H. White.
Phóng viên ảnh kỳ cựu John H. White vừa bị tờ Chicago Sun-Times sa thải
Phản ứng trước quyết định này của tờ Chicago Sun-Times, Nghiệp đoàn Báo chí Chicago đại diện cho quyền lợi của các phóng viên ảnh này ngay lập tức đe dọa sẽ có hành động chống lại động thái cắt giảm nhân sự của tờ báo, đồng thời thương lượng hợp đồng mới với các hội viên là phóng viên, phóng viên ảnh và nhân viên khác.
Các nguồn tin thân cận với Chicago Sun-Times cho hay động cơ của việc cắt giảm nhân sự này là các lợi ích kinh tế trong bối cảnh tờ báo này đang nỗ lực thu lại lợi nhuận. Hồi tháng 3, tờ Sun-Times cũng đã sa thải một số biên tập viên sau khi có thông tin tờ báo đang phải xoay xở thanh toán 70 triệu đô-la hợp đồng in ấn và phân phối với tờ Chicago Tribune.
Trên phạm vi toàn thế giới, từ Mỹ tới châu Âu, châu Á, những cái tên lừng lẫy trong làng báo như The New York Times, Financial Times Deutschland đang lâm vào cảnh lao đao khốn đốn, thậm chí tờ báo lâu đời như Newsweek cũng đã phải ngừng xuất bản.
Cũng giống như Chicago Sun-Times, những tờ báo này đang lâm vào tình trạng thua lỗ trầm trọng, không còn khả năng tự cứu vãn và để mọi việc “cuốn theo chiều gió”. Đó là lúc người ta nhắc tới một cụm từ đầy chua xót nhưng cũng rất thực tế: “Cái chết của báo in”.
Cuối năm 2012, bộ phận xuất bản tạp chí G+J của Công ty Bertelsmann tuyên bố đình bản tờ Financial Times tại Đức (Financial Times Deutschland). Trước đó, một tờ báo in khác là Frankfurter Rundschau cũng đệ đơn xin phá sản.
Những tin dữ đến liên tiếp khiến cho làng báo in Đức trong cơn khốn quẫn càng thêm choáng váng và tuyệt vọng. Tình hình thê thảm đến mức Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải lên tiếng kêu gọi các tờ báo in giữ vững tinh thần để vượt qua cơn bão kinh hoàng đang quét qua không chỉ làng báo in nước Đức mà còn ở khắp các quốc gia khác trên thế giới.
Phải chăng thời khắc "cái chết của báo in" đã điểm?
Còn ở nước Mỹ, tình hình còn u ám hơn khi đội ngũ phóng viên ảnh ở các tờ báo đang ngày càng co lại, trong đó có cả tờ USA Today và The Washington Times, và nhiều tờ báo in cũng đang tồn tại trong tình trạng lay lắt, thậm chí có những tờ báo đang đứng trước nguy cơ đóng cửa, điển hình như Philadelphia Daily News, Miami Herald, Philadelphia Daily News…
Theo một số nghiên cứu, tổng doanh thu của toàn ngành báo nước Mỹ năm 2009 (gồm cả báo in và báo điện tử) giảm 26% và vẫn tiếp tục giảm. Nguồn lợi nhuận thu về từ ngân sách quảng cáo trong 3 năm qua cũng giảm 43%. Tình trạng đó đã kéo theo hệ quả là các tòa soạn đã phải cắt giảm 1/4 số nhân viên của mình khiến hơn 13.500 người làm báo bị mất việc.
Đỉnh điểm của cơn khủng hoảng này là việc tạp chí Newsweek (vốn là đối thủ nổi tiếng ngang ngửa với tạp chí Time), đã phải chính thức ngừng phát hành báo in vào cuối năm 2012 và tuyên bố trở thành một tờ báo điện tử hoàn toàn sau 80 năm tung hoành trong làng báo nước Mỹ.
Trang bìa số cuối cùng của tạp chí Newsweek
Trong một hội thảo tại London ngày 10/9/2012, Chủ tịch Arthur Sulzberger của đại gia làng báo Mỹ The New York Times cũng đã tuyên bố sẽ xem xét ngừng phát hành báo giấy trong tương lai gần, vấn đề chỉ là vào lúc nào mà thôi. The New York Times ra đời năm 1851, là một trong những tờ báo hàng đầu nước Mỹ và có tầm ảnh hưởng rộng lớn trên phạm vi toàn cầu. Vào những năm 80 thế kỷ trước, The New York Times có lượng phát hành luôn giữ ở mức trên 1 triệu bản. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính, The New York Times cũng lâm vào tình cảnh lao đao, lượng phát hành giảm, công ty buộc phải cắt giảm một lượng lớn nhân sự.
Tuy nhiên giới phân tích cho rằng những nỗ lực cắt giảm nhân sự, giảm thiểu chi phí hay thu hẹp phạm vi hoạt động trên sẽ không đủ để cứu vớt con tàu sắp chìm của các tờ báo in, và trong tương lai, chắc chắn sẽ có thêm nhiều con thuyền nữa sẽ chìm nghỉm trong thế giới thông tin đầy phức tạp và biến động này.
___________________
Vì sao nhiều tờ báo in một thời lừng lẫy bị đẩy vào tình trạng gần như “chết lâm sàng”? Và có phải đã đến lúc hồi chuông báo tử của báo in vang lên trên khắp toàn cầu hay không? Mời bạn đón đọc bài "Cái chết của báo in: Vì đâu nên nỗi?" vào sáng 21/6/2013.