Ca nhiễm Covid-19 tăng không ngừng, vì sao?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Từ chỗ ca nhiễm Covid-19 chỉ vài nghìn ca mỗi ngày, tới nay con số này đã lên tới 15.000- 16.000 ca, riêng Hà Nội có ngày ghi nhận hơn 1.700 ca.

Số bệnh nhân tử vong do Covid-19 cũng còn cao, trung bình hơn 200 ca/ngày. Vì sao tỷ lệ ca nhiễm tăng không ngừng khi tỷ lệ phủ vaccine đã tương đối lớn? Làm thế nào để hạn chế được ca nhiễm và các ca tử vong?

Đây cũng là yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra đối với Bộ Y tế khi ông yêu cầu tổ chức ngay một hội nghị trong tháng 12 này để bàn giải pháp.

Cửa hàng cháo lòng trên phố Đào Tấn, Hà Nội dù rất đông khách vào ăn uống nhưng không có tấm chắn, vách ngăn theo quy định

Cửa hàng cháo lòng trên phố Đào Tấn, Hà Nội dù rất đông khách vào ăn uống nhưng không có tấm chắn, vách ngăn theo quy định

Nhiều người dân vẫn chủ quan, thờ ơ

Chiều 20/12, không khí ngày Noel đến gần, số lượng người đổ về khu vực Nhà thờ Lớn (phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) rất đông.

Trong đó, chủ yếu là du khách từ nhiều địa phương trong cả nước, nhất là giới trẻ đến đây để chụp ảnh. Dù dịch tại Hà Nội dịch đang diễn biến phức tạp, song khá nhiều người tỏ ra thờ ơ, không hề đeo khẩu trang khi xuất hiện chỗ đông người.

Khi còn đang mải chụp ảnh “check in” cùng bạn, Đinh Thụy Thiên T. (SN 1992, trú tỉnh Đồng Tháp) bị tổ công tác Công an phường Hàng Trống mời về trụ sở làm việc. Sau đó, chị T. bị lập biên bản và xử phạt với số tiền 2 triệu đồng.

Thiếu tá Nguyễn Tài Nghĩa, Phó trưởng Công an phường Hàng Trống cho biết, thực tế cho thấy, hiện nay vẫn còn rất nhiều người dân chủ quan, không thực hiện quy tắc 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, dù đã có quy định về việc các hộ kinh doanh trên địa bàn đều phải dán mã QR để cho khách hàng quét mã phục vụ công tác truy vết cũng như bố trí bàn ghế có vách ngăn, song không ít hộ vẫn vi phạm.

“Những ngày qua, chúng tôi đã xử phạt 18 trường hợp không đeo khẩu trang và cơ sở kinh doanh không đảm bảo quy định phòng dịch. Thậm chí, có những quán sau 21h muốn đóng cửa nhưng khách vẫn không chịu ra về, buộc chủ quán phải gọi điện nhờ công an”, Thiếu tá Nghĩa thông tin.

Công an phường Hàng Trống xử phạt chị T. 2 triệu đồng do chụp ảnh tại nơi công cộng nhưng không đeo khẩu trang

Công an phường Hàng Trống xử phạt chị T. 2 triệu đồng do chụp ảnh tại nơi công cộng nhưng không đeo khẩu trang

Trong khi đó, theo ghi nhận của PV, tại nhiều địa bàn khác của Hà Nội, tình trạng người dân thờ ơ, chủ quan trước nguy cơ lây nhiễm dịch cũng diễn ra phổ biến, dù báo chí liên tục thông tin ca nhiễm tăng lên từng ngày.

Sáng 21/12, có mặt tại tuyến phố Đào Tấn, quận Ba Đình, Hà Nội), PV vẫn ghi nhận hàng quán trà đá bày bán trên vỉa hè với rất đông người tụ tập.

Cũng trên tuyến phố này, một số quán ăn dù đông khách nhưng chưa đảm bảo quy định của ngành y tế.

Điển hình, tại cửa hàng “Cháo Lòng”, địa chỉ 113 phố Đào Tấn, dù có rất đông người ra vào ăn uống nhưng trong quán không hề có vách ngăn, tấm chắn.

Khảo sát một số quán ăn, cà phê trên phố Đội Cấn (phường Đội Cấn, quận Ba Đình) cũng cho thấy, các quán đều có dán mã QR code, song nếu khách quên không quét mã thì nhân viên vẫn phục vụ bình thường.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên địa bàn các phường Xuân Đỉnh, Xuân La, quận Tây Hồ khi nhiều nhà hàng, quán xá có đặt bảng mã QR code nhưng khách vào có người quẹt, có người không. Nếu không may trong số khách hàng vào những quán này có F0, không hiểu cơ quan chức năng sẽ truy vết thế nào?

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, trên địa bàn quận có 664 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đăng ký và cam kết thực hiện các phương án phòng, chống dịch.

Thời gian qua, các đoàn kiểm tra liên ngành của quận, phường đã liên tục kiểm tra với các trường hợp vi phạm đều được xử lý nghiêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND phường Xuân La cho biết, phường vẫn duy trì thường xuyên, liên tục 2 tổ công tác kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở người dân.

Tuy nhiên, cơ bản việc phòng dịch muốn hiệu quả thì vẫn phụ thuộc vào ý thức của người dân và các hộ kinh doanh, vì lực lượng chức năng cũng không thể túc trực 24/24h.

“Kể từ khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, phường đã phạt hàng chục trường hợp vi phạm với số tiền 160 triệu đồng”, ông Hà thông tin.

Theo một chuyên gia y tế, với việc nhiều người dân còn thờ ơ, bất chấp quy định phòng dịch, việc các ca nhiễm tại Hà Nội liên tục tăng cao thời gian qua không khó để lý giải.

Hạn chế ca mắc, ca tử vong cách nào?

Công an phường Hàng Trống nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, thực hiện quy định phòng dịch tại khu vực Nhà thờ Lớn

Công an phường Hàng Trống nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, thực hiện quy định phòng dịch tại khu vực Nhà thờ Lớn

Lý giải về số ca nhiễm Covid-19 tăng cao trong thời gian gần đây, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM cho rằng, sự cảnh giác và chấp hành phòng chống dịch của người dân đã giảm so với trước.

Tâm lý chủ quan của người dân còn phổ biến, nhất là tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện 5K trong tổ chức lễ, đám, ăn uống ở hàng, quán... diễn ra nhiều nơi.

Bên cạnh đó, dù tỷ lệ phủ vaccine khá lớn song hiệu quả vaccine không còn tối ưu vì đã qua thời gian 2 tháng đầu tiên miễn dịch tốt nhất (sau tiêm), những người mới tiêm thì cần có thời gian để sinh miễn dịch.

Ngoài ra, khuynh hướng chung chủng Delta lây lan nhanh, rất khó kiềm chế và đã lan ra nhiều địa phương, cộng với mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng từ lâu…

Để giải quyết bài toán này, ông Dũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, trong tổng thể chiến lược phòng chống dịch cần lưu ý tới 2 giải pháp cốt lõi.

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thực hiện tốt 5K. Đi đôi với đó, việc kiểm tra nhắc nhở, xử phạt vi phạm phòng chống dịch của chính quyền, lực lượng chức năng cần được tăng cường hơn.

Thứ hai là tiêm chủng, cần chú trọng tiêm cho người cao tuổi để giảm số bệnh nhân nặng, giảm tử vong. Điều đó giúp giảm tải cho hệ thống y tế, giúp ngành y tế dồn lực đối phó với dịch tốt hơn.

“Với những địa phương có số ca mắc tăng quá cao thì cần thực hiện cách ly, điều trị F0, F1 tại nhà. Bởi nếu để quá tải khu cách ly tập trung, nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn nhiều”, ông Dũng góp ý.

Nhận định về số ca tử vong Covid-19 tăng trong thời gian gần đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hầu hết các ca Covid-19 tử vong là các bệnh nhân cao tuổi, mang một hoặc nhiều bệnh lý nền và chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do phân loại tình trạng bệnh lý của F0 từ y tế cơ sở chưa tốt, không phát hiện sớm dấu hiệu chuyển nặng, hoặc không can thiệp kịp thời, người bệnh dùng thuốc chưa đúng; việc điều phối chuyển viện, chuyển tầng cho bệnh nhân chưa hợp lý, năng lực điều trị chưa đáp ứng.

Ông Sơn cho rằng, trước số lượng ca tử vong do Covid-19 gia tăng như hiện nay, các địa phương cần quản lý chặt chẽ F0, song song với việc duy trì, nâng cao năng lực của các trung tâm hồi sức điều trị.

Tăng cường quản lý người trên 50 tuổi có bệnh nền để chủ động giám sát, tiêm vaccine, có thể tiêm tại nhà với trường hợp không thể đi lại.

Trong công tác điều trị, các địa phương lưu ý đến việc triển khai phân tầng hợp lý, phối hợp nhịp nhàng, riêng tại tầng 3 điều trị phải tiến hành giám sát các trường hợp tử vong, đánh giá nguyên nhân để có khuyến cáo phù hợp với các bệnh viện.

Tăng cường đội y tế lưu động, huy động tổ dân phố, tình nguyện viên, khoảng 10.000 dân có một trạm y tế lưu động.

“Bộ Y tế đã phân công 16 bệnh viện Trung ương hỗ trợ cho 11 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam về công tác điều trị. Các đơn vị hỗ trợ triển khai đánh giá tình hình, phối hợp với địa phương rà soát phương án thu dung điều trị, tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trực tiếp kết hợp hỗ trợ từ xa, tham gia điều trị người bệnh.

Đồng thời đề xuất các phương án phù hợp trong phân tầng điều trị, phân loại nguy cơ và quản lý F0 tại nhà. Các đoàn hỗ trợ cử bác sĩ, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn và cán bộ quản lý có kinh nghiệm chống dịch nhằm đạt mục tiêu kéo giảm ca nặng và tử vong”, ông Sơn thông tin.

Bệnh nhân tử vong đa phần là cao tuổi, có bệnh nền

Tại TP.HCM, hiện có 10.463 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị, trong đó, có 313 trẻ em dưới 16 tuổi, 462 bệnh nhân nặng đang thở máy, 16 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trung bình mỗi ngày vẫn có hàng chục bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Đến nay, tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1/2021 là 19.438 trường hợp.

Tính đến ngày 19/12 đã có 7.962.280 người tiêm mũi 1; 6.967.823 tiêm mũi 2.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, qua phân tích các trường hợp tử vong trong bệnh viện cho thấy đa phần là người từ 65 tuổi trở lên và có bệnh nền.

Phân tích 151 trường hợp ghi nhận 51% trường hợp chưa tiêm mũi nào; có 24% trường hợp đã tiêm mũi 1 và 24% trường hợp đã tiêm mũi 2.

Tuy nhiên, bà Mai cũng cho biết qua phân tích những trường hợp tử vong mà đã tiêm 2 mũi vaccine thì ghi nhận 28 trường hợp đã có bệnh nền.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, hiện có 4 cách để phát hiện F0: Thứ nhất là người dân tự xét nghiệm, tự sàng lọc khi thấy các triệu chứng hoặc khi tiếp xúc với F0, nếu phát hiện dương tính thì họ báo cho chính quyền địa phương.

Thứ 2, khi người dân đến bệnh viện để khám bệnh và có triệu chứng, bệnh viện sẽ sàng lọc.

Thứ 3, nếu là F1 thì trong quá trình kiểm soát dịch, cơ sở y tế sẽ lấy mẫu và xét nghiệm.

Thứ 4, có thể là trường hợp xét nghiệm ngẫu nhiên, tầm soát hay định kỳ.

Theo ghi nhận, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP.HCM gần như đã trở lại bình thường. Các trung tâm thương mại, siêu thị, quán ăn đều tấp nập khách ra vào.

Tại những nơi này, chủ cơ sở thực hiện khá nghiêm các quy định về quét mã QR, yêu cầu khách thực hiện 5K. Tại các trumg tâm thương mại còn hạn chế trẻ em ra vào, vì đối tượng trẻ em hiện vẫn chưa được tiêm vaccine.

Nguồn: [Link nguồn]

Đi chơi Noel sớm, nhiều người ”quên” mang khẩu trang giữa mùa dịch

Thành phố đang khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch COVID-19 nhưng càng gần lễ Giáng sinh, người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhóm phóng viên ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN