Cả hệ thống vào cuộc làm rõ vụ ông Trịnh Xuân Thanh

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều nay 31-8 đã có những thông tin mới liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

18:03 ngày 31/08/2016

Vì sao từ chối cho ngư dân vay đóng tàu?

Về câu hỏi mấy ngày gần đây có thông tin một số ngân hàng từ chối cho ngư dân vay đóng tàu. Thực hư việc này ra sao?, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết một số chủ tàu bị từ chối cho vay là vì trong quá trình đánh giá, thẩm tra vay vốn thấy do thiệt hại, tác động của môi trường biển nên khả năng thu hồi vốn của người vay không khả thi nên ngân hàng từ chối. “Trong thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức báo cáo cụ thể. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương” - bà Hồng nói

Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế chính sách để hỗ trợ người dân ra khơi.

17:57 ngày 31/08/2016

Gần 4.000 tấn hải sản trong kho: Đủ tiêu chuẩn mới đưa ra thị trường

Cả hệ thống vào cuộc làm rõ vụ ông Trịnh Xuân Thanh - 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động liên quan vụ Formosa, hiện còn gần 4.000 tấn hải sản miền Trung ở kho đông lạnh, đã có chỉ đạo Bộ Y tế sớm có công bố để bà con yên tâm. Khi nào việc này thực hiện?, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT để thực hiện việc này. “Chúng tôi đã ban hành hướng dẫn cho 4 tỉnh miền Trung. Bộ Y tế đặt sức khoẻ của người dân lên hàng đầu”  - ông Long nói.

Bộ Y tế đã phân lô kho cá tại 4 tỉnh miền Trung, lấy mẫu tất cả các lô đưa về 2 trung tâm kiểm nghiệm quốc gia xét nghiệm. Chỉ những lô được chứng nhận đủ tiêu chuẩn mới được đưa ra thị trường.

17:56 ngày 31/08/2016

Công khai, minh bạch việc bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra

Trả lời câu hỏi liên quan về Formosa như công tác kiểm đếm, bồi thường có khó khăn, vướng mắc gì? Dự kiến khoảng thời gian nào thì người dân có thể tiếp cận được bồi thường này?, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết Bộ NN-PTNT đang hướng dẫn các địa phương tính toán, kê khai thiệt hại để bồi thường. Ngày 12-8, Bộ NN-PTNT đã có công văn xuống các địa phương để hướng dẫn các cơ sở thực hiện việc kê khai, niêm yết. Mới đây, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị để lắng nghe ý kiến của các địa phương. Việc triển khai các bước tiến hành, đặc biệt là tập huấn cho dân, các tổ chức bị thiệt hại rất nhiều thủ tục. Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã yêu cầu các địa phương báo cáo vào ngày 10-9 để Chính phủ phân bổ kinh phí bồi thường nhưng không kịp nên tại hội nghị các địa phương đề nghị kéo dài đến 15-9 các tỉnh mới báo cáo được.

Bộ NN-PTNT đã báo cáo Phó Thủ tướng và Phó Thủ tướng đã có kết luận, thống nhất đồng ý lùi thời gian cho các địa phương tới 15-9; giao cho Bộ Tài chính tổng hợp để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ kiến nghị thiệt hại của các địa phương để vào cuối tháng 9, Thủ tướng Chính phủ có thể ký quyết định phân bổ bồi thường cho các địa phương. Còn việc phân bổ cho các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại sẽ tiến hành sau đó. Tuy nhiên, còn rất nhiều thủ tục liên quan tính toán đơn giá, liên quan tới cục thống kê, các sở ngành tính toán được định mức của địa phương mình kiến nghị lên Chính phủ. Từ đó các Bộ mới tính toán để có thông báo ngược trở lại.

Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, các địa phương, Bộ ngành cũng quyết liệt nhưng quá nhiều thủ tục. Việc quan trọng là không được sót đối tượng và bồi thường đảm bảo công khai, minh bạch.

17:54 ngày 31/08/2016

Cả hệ thống vào cuộc làm rõ vụ ông Trịnh Xuân Thanh

Trả lời câu hỏi về trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, đến thời điểm này đã báo cáo trách nhiệm việc luân chuyển cán bộ thế nào?, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết tại phiên họp báo Chính phủ tháng 7 đã thông báo với các cơ quan báo chí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cơ quan điều tra, làm rõ việc thua lỗ tại PVC do ông Thanh lúc đó làm Tổng giám đốc.

Liên quan đến đề bạt, thuyên chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, hiện Thủ tướng đã giao cho Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ làm rõ việc thuyên chuyển với ông Trịnh Xuân Thanh. Bộ Nội vụ được Thủ tướng giao rà soát toàn bộ công việc, hiện vẫn đang tiến hành, chưa có báo cáo chính thức.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ các cơ quan của Đảng, cơ quan pháp luật đã vào cuộc hết sức đồng bộ. Việc chỉ đạo của Tổng Bí thư thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của người đứng đầu Đảng ta là chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, ngay cả vấn đề lợi ích nhóm trong việc đề bạt, thuyên chuyển; ngay cả trong việc sử dụng tài sản của nhân dân. Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư đã có sự vào cuộc của cả hệ thống.

17:27 ngày 31/08/2016

Sabeco và Habeco phải niêm yết trước khi cổ phần hoá

Cả hệ thống vào cuộc làm rõ vụ ông Trịnh Xuân Thanh - 2

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà (thứ hai từ phải qua) và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (thứ hai từ trái sang) tại buổi họp báo

Trả lời câu hỏi việc thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) có bắt buộc phải niêm yết trên sàn chứng khoán, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho hay việc cổ phần hoá và bán vốn của nhà nước đang được quan tâm. Việc cổ phần hoá là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Trước khi cổ phần hoá thì yêu cầu tất cả các DN phải niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, Habeco và Sabeco hiện chưa niêm yết. Thủ tướng đã yêu cầu 2 công ty này phải niêm yết trên sàn chứng khoán ngay để minh bạch về tài chính. Việc này để dẫn chiếu, xem xét thêm, công khai minh bạch tài chính và khả năng bán cũng như sức mua của DN. Đây là việc bắt buộc phải niêm yết chứ không phải có hay không.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời thêm Habeco là DN đã cổ phần hoá nhưng Nhà nước nắm giữ gần 82% vốn còn Sabeco Nhà nước nắm giữ 89,5% vốn. Theo lộ trình thoái vốn, do vốn có khác nhau, đối với Habeco, thoái vốn toàn bộ 9.000 tỉ đồng trong năm 2016; còn Sabeco thoái vốn thành 2 đợt trong năm 2016 tương đương 16.000 tỉ đồng. Phương thức bán theo quy định hiện hành của pháp luật.

Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Công Thương sẽ tiến hành thực hiện thoái vốn.

17:16 ngày 31/08/2016

Đang xem xét kỹ việc xử lý rác của Đa Phước

Trước câu hỏi công nghệ xử lý rác tại Công ty môi trường Đa Phước có gây ô nhiễm tại TP HCM, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết Sở TN-MT TP HCM đã kiểm tra và nhận định toàn bộ Khu liên hiệp xử lý rác tại Đa Phước gây ra việc đó, ngoài ra đơn vị xử lý bùn cũng gây ra ô nhiễm về không khí. Sở TN-MT TP HCM đang xem xét và đánh giá rất kỹ.

Việc xử lý rác ở đây hiện vẫn chủ yếu là chôn lấp với tiêu chuẩn công nghệ và quy chuẩn đã được áp dụng tại Mỹ. Tuy nhiên, qua thanh kiểm tra, thấy có nhiều hạng mục liên quan tới xử lý nước rác phải có bể chứa. Xử lý nước rác hiện chưa hoàn thành. Điều này liên quan tới quy trình nhận rác, các chế phẩm sinh học chưa hợp lý. Đặc biệt ở đây phải thu được khí phân huỷ từ rác và nước rác để xử lý.

Trên thế giới hiện nay, việc xử lý bằng chôn lấp ở nhiều nước vẫn phải chấp nhận. Tuy nhiên, công nghệ không triệt để. Sau khi chôn lấp thì vấn đề quản lý khí rất lớn. Do đất đai không có nhiều nên giải pháp chôn lấp là giải pháp trước mắt. Cần kiểm tra thật kỹ công ty Đa Phước đã kiểm tra rõ chưa.

Nếu như với tốc độ phát triển như ở TP HCM hiện nay thì bài toán phát triển, bài toán xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại cần phải quy hoạch theo vùng, tính toán trên góc độ của TP này với địa phương khác để có tầm nhìn quy hoạch dài hạn. Khi xử lý chôn lấp rồi thì việc bố trí các khu dân cư, đô thị thì luôn có xung đột trong thực tế.

17:11 ngày 31/08/2016

Chưa tìm ra nguyên nhân vụ nổ súng ở Yên Bái

Trả lời câu hỏi về việc xảy ra vụ dùng súng giết người được dư luận quan tâm tại cơ quan Tỉnh ủy Yên Bái khiến Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái tử vong, Chính phủ đánh giá về việc này thế nào? Kết quả điều tra ban đầu như thế nào?, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết sau khi sự việc xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã lên trực tiếp tới tỉnh Yên Bái, đã làm việc với lãnh đạo tỉnh, Ban thường vụ Tỉnh uỷ Yên Bái cũng như thị sát tình hình.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cũng đã ra thông báo, trước hết là ổn định tình hình; thứ 2, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, giao cho Bộ Công an tiến hành khởi tố vụ án để điều tra nguyên nhân cấp dưới dùng súng sát hại cấp trên. Việc này Thủ tướng đã chỉ đạo và Phó Thủ tướng cũng thông báo chủ trương như thế.

Hiện Bộ Công an đã khởi tố vụ án nhưng đang trong quá trình điều tra. Kết quả sẽ thông báo sau cho cơ quan báo chí. Thời gian rất ngắn nên cũng chưa tìm ra nguyên nhân vụ án.

17:03 ngày 31/08/2016

"Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa"

Cả hệ thống vào cuộc làm rõ vụ ông Trịnh Xuân Thanh - 3

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng báo cáo nội dung cuộc họp Chính phủ

Báo cáo nội dung cuộc họp Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng cho biết về công tác xây dựng thể chế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành 1 ngày rưỡi để bàn về xây dựng thể chế nhằm xây dựng một chính phủ kiến tạo, nói cách khác không có khoảng trống trong pháp luật.

Về vấn đề đặt ra trong cuộc họp, có ý kiến cho rằng chúng ta họp nhiều vậy thì phải xác định trách nhiệm về việc họp nhiều, xử lý công việc theo đúng thẩm quyền, không đùn đẩy lên chính phủ.

Khắc phục tình trạng như đại biểu Quốc hội đã nêu: khoảng cách xa nhất của chúng ta là khoảng cách từ lời nói tới hành động. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận xem bộ máy có hướng về người dân và doanh nghiệp hay không. Tinh thần của Thủ tướng là muốn truyền tải tư tưởng này tới tất cả hệ thống chính quyền chứ không chỉ là các thành viên Chính phủ để tạo chuyển động mạnh mẽ.

Thủ tướng yêu cầu sắp tới đôn đốc các địa phương và kiểm tra ngay tại văn phòng Chính phủ, khuyến khích những nơi làm tốt, phê bình những nơi chậm trễ.

Về luật sửa đổi bổ sung một số điều luật đầu tư kinh doanh, làm sao để người dân tin tưởng vào Thủ tướng và Chính phủ, người ta yên tâm đầu tư kinh doanh với một nền tảng pháp luật trước sau như một.

Chính phủ dành thời gian thảo luận tình hình kinh tế xã hội 8 tháng đầu năm 2016, đi đến nhận định: Tình hình Kinh tế - xã hội ổn định. Trong 8 tháng, số doanh nghiệp (DN) đăng ký, số vốn đăng ký tăng so với cùng kỳ rất nhiều trong đó có vốn của DN nước ngoài FDI, ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt 5,4%, nhập khẩu có xu hướng tăng lên thể hiện cầu cho sản xuất tăng.

Chủ trương của Chính phủ là không điều chỉnh giảm các mục tiêu của năm 2016, quyết tâm thực hiện một cách tích cực nhất.

Thủ tướng chỉ rõ trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2016 khó khăn, tuy nhiên Thủ tướng nhấn mạnh cả chính phủ phải có khát vọng để giữ vững tăng trưởng.

Đi làm việc với các địa phương, Thủ tướng đều nói rằng, nhân dân các địa phương đều phải có khát vọng tăng trưởng. Nếu người lãnh đạo không có khát vọng thì không thể phát triển được. Phải có khát vọng thì mới đầu tư suy nghĩ, sáng tạo trong vận hành được. Trong tư tưởng rất quan trọng với lãnh đoạ địa phương.

Thủ tướng nhấn mạnh chính phủ sẽ sử dụng tài sản công, xe công, Thủ tướng yêu cầu thời gian tới phải có chính sách đột phá lĩnh vực này để người dân thấy được Chính phủ sử dụng tiết kiệm tài sản công vì đây là mồ hôi, công sức của người dân.

Chủ đề tháng 8 là tiết kiệm tài sản công, sử dụng xe công. Sẽ có những chỉ thị, văn bản quy định siết chặt sử dụng xe công, xe đưa đón. Không dùng xe công vào việc riêng như đi lễ hội, đền chùa. Trên tinh thần là rất công khai.

Thường trực Chính phủ cũng nghe vấn đề thoái vốn một số DN nhà nước. Thủ tướng nói rằng, chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa. Những việc đó DN tư nhân làm tốt hơn thì để DN tư nhân làm, còn tiền đó Nhà nước dùng vào việc then chốt, phát triển đất nước tốt hơn. Phải niêm yết trên sàn chứng khoán, phải đấu thầu tư vấn, phải đấu giá công khai. Dựa trên đó, sẽ minh bạch dưới sự giám sát của người dân. Chúng ta chỉ cần làm sao thu được hiệu quả cao nhất về mặt nhà nước.

-----------------------------

Chiều 31-8, Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 8 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì sau phiên họp của Chính phủ trong 2 ngày 30 và 31-8.

Tham dự cuộc họp báo có Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Vũ Thị Hồng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Cả hệ thống vào cuộc làm rõ vụ ông Trịnh Xuân Thanh - 4

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (thứ 4 từ trái qua) chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8-2016

Liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, thông cáo báo chí đưa ra buổi họp báo đã trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết các cơ quan đã có báo cáo về việc xác minh làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến những thua lỗ của Tổng Công ty Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVC, thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) trong vụ ông Trịnh Xuân Thanh theo Chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng chưa? Nội dung như thế nào?

Thông cáo cho biết về vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ (TTCP), Bộ Nội vụ theo chức năng và nhiệm vụ được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên qian điều tra làm rõ các vi phạm dẫn đến thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013) tại PVC, thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doạn của PVC giai đoạn 2008-2013, trọng tâm là việc đầu tư, thực hiện các dự án, kiểm tra, kết luận rõ đúng sai việc thực hiện quy định Đảng và pháp luậ của nhà nước về thuyên chuyển, tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Hiện nay, các bộ cơ quan đang triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Quyết - B.Trân - T.Huỳnh (Người lao động)
Vụ Trịnh Xuân Thanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN