Buýt nhanh di chuyển chậm chạp trong ngày lăn bánh chính thức
Mặc dù không phải vào khung giờ cao điểm, nhưng hàng loạt phương tiện từ xe đạp tới ô tô vẫn vô tư đi vào đường ưu tiên dành riêng cho xe buýt nhanh, khiến xe di chuyển chậm, không phát huy được tác dụng.
Sáng ngày 29/12, hơn 20 chiếc xe buýt nhanh BRT đã chính thức lăn bánh, đón khách miễn phí. Tuyến buýt nhanh có hai điểm đầu cuối là Bến xe Yên Nghĩa và bến Kim Mã, với 20 điểm nhà chờ trên toàn lộ trình dài 14,77 km.
Theo phương án tổ chức giao thông vận hành, tuyến xe buýt BRT sẽ chạy trên làn riêng tại các đoạn: Ba La - Quang Trung (Hà Đông) - Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - đường trục Bắc Hà Đông - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - nút giao Giang Văn Minh với Cát Linh.
Các đoạn không bố trí làn riêng thì xe buýt nhanh sẽ chạy chung với các phương tiện khác bao gồm: đoạn Yên Nghĩa - Ba La; Giang Văn Minh - Kim Mã và Kim Mã - Giảng Võ.
Theo ông Vũ Hà (Giám đốc BQL Dự án trọng điểm Hà Nội), tại làn đường dành cho xe buýt nhanh BRT đều có biển cảnh báo cho phương tiện biết, phía dưới có vạch sơn kẻ đường. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc, người điều khiển giao thông có quyền cho các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh để giải tỏa ùn tắc, giảm áp lực giao thông.
“Tuy nhiên, nếu mà hai làn bên cạnh làn xe buýt nhanh thông thoáng mà các phương tiện vẫn cố tình đi vào làn xe buýt nhanh thì sẽ bị lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt. Tại các nút giao, nhà chờ đều có lắp đặt hệ thống camera giám sát, lực lượng chức năng sẽ căn cứ vào hình ảnh xử phạt nguội”, ông Hà nói.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, trong ngày đầu chạy thử nghiệm tuyến buýt nhanh BRT, mặc dù không phải vào khung giờ cao điểm nhưng các phương tiện khác như ô tô, xe máy thậm chí xe đạp vẫn vô tư đi vào làn dành riêng cho xe buýt BRT, khiến buýt nhanh di chuyển chậm, không phát huy được tác dụng.
Vào thời điểm 10 giờ sáng ngày 29/12, dù đã hết khung giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện di chuyển qua tuyến đường Giảng Võ cũng không quá đông, thế nhưng hàng loạt ô tô, xe máy vẫn vô tư đi vào làn dành cho xe buýt BRT.
Buýt nhanh BRT di chuyển chậm chạp, bằng tốc độ của xe máy.
Thậm chí là cả xe đạp, nếu phải đi sau phương tiện xe thô sơ thế này liệu buýt nhanh có còn nhanh?
Hàng loạt phương tiện dừng đỗ đèn đỏ trên làn đường dành cho xe buýt nhanh BRT.
Chỉ cần một khe hở nhỏ là các phương tiện xe máy sẵn sàng len lỏi bất chấp đó có phải làn đường dành cho xe buýt BRT.
Theo ghi nhận của PV, tại phía bên trong khu vực nhà chờ xe buýt nhanh BRT trên đường Giảng Võ, chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ đã có tới hàng trăm lượt phương tiện không phải buýt nhanh BRT đi vào làn đường ưu tiên.
Trao đổi với PV, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 (PC67 Công an TP.Hà Nội) cho biết, theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính giao thông, nếu người điều khiển ô tô chạy vào đường cấm, đường ngược chiều, chạy sai làn, trên vỉa hè sẽ bị phạt từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Đối với xe máy, xe máy điện sẽ bị phạt từ 300-400 nghìn đồng.