Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trải lòng trước khi rời ghế bộ trưởng

Sự kiện: Thời sự

Trước ngày rời cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế, nữ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chia sẻ những tâm tư của mình với Báo Người Lao Động.

Phóng viên: Trong 8 năm làm bộ trưởng Bộ Y tế, bà cảm thấy vừa lòng nhất là gì?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: 8 năm qua, điều tôi vui là nhiều chính sách đổi mới toàn diện, sự hài lòng của người dân và chất lượng dịch vụ tăng lên, BHYT lo cho cả người nghèo, thái độ của cán bộ y tế có nhiều thay đổi, tình trạng nằm ghép ở bệnh viện cải thiện rõ, hầu hết bệnh viện tuyến trung ương đã cam kết không để bệnh nhân nằm ghép sau 24-48 giờ nhập viện. Nhiều bệnh viện, khoa điều trị được đầu tư xây mới, đầu tư trang thiết bị hiện đại không kém so với các nước trong khu vực.

Một trong những thành công của ngành y tế là đổi mới cơ chế tài chính. Từ năm 2012, giá dịch vụ y tế từ bao cấp chuyển dần sang y tế thị trường khi giá viện phí theo hướng tiến tới tính đúng, tính đủ. Trước kia, giá khám chữa bệnh chỉ 2.000-3.000 đồng/lượt, trong khi giá giường là 12.000-13.000 đồng/ngày. Với mức giá này thì chỉ đủ mua xà bông và chi tiền điện nước. Khi thay đổi giá dịch vụ y tế, bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn, hưởng các dịch vụ tốt hơn, trong khi không phải bỏ thêm viện phí vì BHYT đã chi trả. Cùng đó, cán bộ y tế có thu nhập tốt hơn, bệnh viện có đủ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ người bệnh. Nhân viên y tế được học kỹ năng giao tiếp, ứng xử các tình huống khi tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, đồng thời, thay đổi từ thái độ "ban ơn" sang thái độ "khách hàng là thượng đế". Từ bộ, các sở đến các bệnh viện đều có đường dây nóng, hộp thư để người bệnh phản ánh ý kiến nhằm xử lý kịp thời. Nhiều khi tôi cũng không tin đã có sự thay đổi nhiều như thế.

Theo đánh giá độc lập của Tổ chức Sáng kiến Việt Nam, mức độ hài lòng của người dân với ngành y tế đều trên 80%. So với những năm 2011-2012, mức độ hài lòng của người bệnh đã tăng rõ rệt. Trước đây, đi thăm bệnh viện, đến đâu cũng nghe thấy búc xúc của người bệnh và thân nhân họ từ thái độ, khám bệnh thì "thế nọ thế kia", cò bệnh viện.... còn bây giờ gặp họ dành không ít lời khen cho nhân viên y tế, sự "thay da đổi thịt" của bệnh viện.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trò chuyện với người bệnh trong một lần thị sát y tế cơ sở tại tỉnh Thái Nguyên mới đây. Ảnh: Ngọc Dung

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trò chuyện với người bệnh trong một lần thị sát y tế cơ sở tại tỉnh Thái Nguyên mới đây. Ảnh: Ngọc Dung

Có khi nào bộ trưởng cảm thấy áp lực vì "búa rìu" dư luận?

Thời gian đầu khi tôi mới nhận nhiệm vụ, có thể truyền thông của ngành y tế lúc đó hạn chế nên dư luận có cái nhìn thiếu thiện cảm với ngành. Đơn cử những "sóng gió" trước các tai biến y khoa như: vụ thẩm mỹ viện Cát Tường; tiêm nhầm hay ăn bớt vắc-xin ở Hà Nội, tai biến vắc- xin Quine, viêm gan B; "nhân bản" xét nghiệm Hoài Đức; vụ VN Pharma và nạn "phong bì"... Đau xót nhất là hình ảnh trên chương trình "Gặp nhau cuối năm" khi người nhà bệnh nhân đút tiền vào máy khám bệnh. Xem cảnh này tôi rất chua xót, nhiều cán bộ điều dưỡng đã khóc, nhiều lãnh đạo quản lý trăn trở.

Tôi đã chia sẻ với anh em rằng từ những sự việc này thì mới đánh thức lòng tự trọng của cán bộ y tế. Do đó, cần phải thay đổi toàn bộ suy nghĩ và hành động của ngành y. Bây giờ nghĩ lại, mình phải cảm ơn những lời khen chê vì đã giúp ngành y thay đổi tích cực.

Vậy bộ trưởng còn những ấp ủ muốn làm cho ngành y và kỳ vọng người kế nhiệm sẽ thực hiện?

Nghề y liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người nên luôn được người dân quan tâm. Những thứ phải lo cho dân thì rất nhiều mà giải quyết mâu thuẫn này lại phát sinh mâu thuẫn khác. Cái tôi thấy chưa làm tốt và cần phải tiếp tục đó là đầu tư và đẩy mạnh chất lượng các hoạt động về dịch vụ y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe cho người dân, người nghèo. Vấn đề là nhận thức của người dân về phòng bệnh hơn chữa bệnh chưa thay đổi nhiều, phải lo phòng bệnh trước, kiểm tra sức khỏe, phát hiện, điều trị bệnh sớm để giảm biến chứng, tử vong. Y tế cơ sở được coi là nơi chăm sức khỏe ban đầu và là người gác cổng nhưng chưa tạo được niềm tin của người dân, hệ thống y tế cơ sở kể cả tư nhân và công lập đều chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Chúng ta đã có Chương trình Sức khỏe Việt Nam nhưng để nâng cao sức khỏe cho người dân, tôi cũng mong đưa yoga, thiền, tâm lý trị liệu... vào cơ sở y tế và bước cao hơn là phát hiện bệnh sớm bằng sàng lọc và tăng cường sức khỏe, nâng cao sức khỏe nhân dân. 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến sinh năm 1959, quê Hà Tĩnh. Trình độ chuyên môn: Phó giáo sư - tiến sĩ y khoa. Bà là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI; đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII. Từ tháng 8-2011 đến nay là Bộ trưởng Bộ Y tế. Đầu tháng 7-2019, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhận quyết định của Bộ Chính trị bổ nhiệm làm Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương.

Nguồn: [Link nguồn]

Hôm nay 22/11, Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Ngày 22/11, theo chương trình kỳ họp 8, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình miễn nhiệm Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN