Bí thư Đinh Tiến Dũng: "Tôi trăn trở về câu Hà Nội không vội được đâu"

Sự kiện: Thời sự

Tiếp xúc cử tri sáng 12-10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đề cập nhiều vấn đề "nóng" của thành phố

Sáng 12-10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, tiếp xúc cử tri tại huyện Gia Lâm trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Kỳ họp này dự kiến khai mạc ngày 20-10 tới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 12-10

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 12-10

Tại buổi tiếp xúc cử tri, các cử tri tại huyện Gia Lâm đã nêu nhiều vấn đề trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng các ý kiến phát biểu của cử tri là rất tâm huyết, cởi mở, các ý kiến nêu lên vấn đề mang tầm quốc gia, tầm thành phố.

Về vấn đề quỹ đất 20% xây dựng nhà xã hội trong các dự án đấu giá, Bí thư Đinh Tiến Dũng cho biết thành phố đã báo cáo Chính phủ về vấn đề này. "Chúng ta đang điều chỉnh quy hoạch chung trên địa bàn thành phố, nếu cứ mỗi dự án 2 ha trở lên dành ra 20% làm nhà ở xã hội là rất bất cập, không thể có đô thị mới, đô thị đẹp được. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ xây dựng nhà xã hội trên địa bàn thành phố theo hướng các khu tập trung. Các dự án nhà ở thương mại ra thương mại, xã hội ra xã hội" - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, vành đai 4 là dự án trọng điểm quốc gia, dự án có ý nghĩa rất quan trọng góp phần phát triển cho thủ đô và các tỉnh lân cận. Hiện thủ đô có nhiều bất cập, phát triển rất mạnh nhưng bất cập rất lớn, như: Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, cháy nổ, hạ tầng... Trường học cũng thiếu, bệnh viện cũng thiếu. Có phường ở quận hoàng Mai có đến hơn 9 vạn dân. Nếu thành phố không mở rộng vành đai, phát triển thủ đô thì những vấn đề về hạ tầng xã hội, vấn đề về ô nhiễm môi trường rất khó giải quyết.

Nói về một số dự án quan trọng của thành phố, Bí thư Đinh Tiến Dũng cho rằng "đường Lê Văn Lương tắc như thế, tuần trước đã khánh thành hầm chui rồi nhưng vẫn còn tắc"; thành phố vừa khởi công hầm chui nối vành đai 2,5 đoạn từ Định Công hướng Kim Đồng; thành phố cũng quyết định nhiều chủ trương như ra nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hoá; ban hành chương trình triển khai tập trung vào 3 lĩnh vực…

So sánh một xã 5 ngàn dân ở huyện Gia Lâm với một phường hơn 9 vạn dân ở quận Hoàng Mai, Bí thư Đinh Tiến Dũng cũng cho biết y tế của Hà Nội hiện thuộc hạng nhất cả nước, nhưng qua đợt dịch vừa qua mới thấy là "vô cùng mong manh". Phường Hoàng Liệt của quận Hoàng Mai có hơn 9 vạn dân nhưng theo quy định chỉ có 1 trạm y tế chỉ với 5 đến 10 biên chế. Phường 9 vạn dân mà 5 đến 10 nhân viên y tế thì "sao tải được"... Ngoài y tế, vấn đề trường học cũng còn nhiều bất cập, cần phải xem xét lại.

Theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, thành phố đang tập trung chỉ đạo thúc đẩy các dự án trọng điểm. Lấy ví dụ về dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Bí thư Đinh Tiến Dũng cho biết nếu không quyết tâm, không quyết liệt thì không thể đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành trong năm 2021 được. Một dự án lớn khác là dự án đường sắt tuyến Nhổn - ga Hà Nội, hiện phần trên cao hơn 10 km có thể đưa vào hoạt động cuối năm nay, còn phần ngầm khoảng 4 km chậm nhiều năm nay nhưng vừa rồi mới giải quyết được một số vấn đề. Đây là dự án quan trọng, trong khi không làm đường sắt đô thị thì không giải quyết được vấn đề giao thông, khói bụi, ô nhiễm.

Về thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết có hơn 1.900 thủ tục hành chính từ cấp thành phố, HĐND, UBND, các sở ngành, quận huyện xuống đến xã phường. "Người ta nói Hà Nội không vội được đâu. Tôi trăn trở với câu này, nghĩa đen cũng có, nghĩa bóng cũng có. Vừa rồi thống kê ra là làm từ dưới lên trên. Trong hơn 1.900 thủ tục hành chính thì có hơn 1.100 là thủ tục của các sở, ngành. Bước đầu đã phân loại được 634 thủ tục từ trên xuống dưới. Ngay Gia Lâm đây, huyện xin là bỏ tiền ra xây một trường cấp 3 nhưng vì thủ tục lằng nhằng ở trên sở ngành, 3 năm nay chưa xong. Không thể chấp nhận được. Tới đây huyện cứ thế mà làm" - Bí thư Đinh Tiến Dũng nêu.

Nêu một số vấn đề của huyện Gia Lâm, Bí thư Hà Nội cho rằng nhìn chung 9 tháng đầu năm 2022, huyện đã triển khai tốt về kinh tế xã hội và ngân sách. Gia Lâm là 1 trong 2 huyện được thành phố ưu tiên. Tinh thần chung là cố gắng phấn đấu cho Đông Anh, Gia Lâm lên quận trong năm 2023.

Nguồn: [Link nguồn]

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Mỗi ô tô cần một thẻ định danh, có số dư trong tài khoản

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, nên xem xét quy định trong luật, mỗi ô tô phải có một thẻ định danh và có số dư trong tài khoản. Như thế sẽ “làm được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo B.H.Thanh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN