Bi kịch người phụ nữ điên cô độc giữa rừng

Cách cánh rừng heo hút, nơi người phụ nữ điên đang ở đến cả cây số, hàng đêm, những người dân tại khu 7, xã Phương Thịnh (Tam Nông, Phú Thọ) vẫn nghe tiếng gào thét, chửi bới văng vẳng bên tai...

Từ một cán bộ tham gia công tác phụ nữ tại xã, nay cô trở thành nỗi khiếp sợ hàng đêm của thôn xóm. Ám ảnh về chuyện tình yêu và 10 năm chung thủy với người chồng vô sinh đã biến cô gái xinh đẹp ngày nào thành người vô thức...

Bi kịch người phụ nữ điên cô độc giữa rừng - 1

Người phụ nữ điên hồ hởi trước đống sách vở chuẩn bị cho năm học mới của cậu con trai 10 tuổi. Ảnh: T.G

Chuyện tình của người đàn bà điên

Vốn là một cán bộ phụ nữ năng nổ lại có nhan sắc, là ước mơ của biết bao chàng trai trong thôn xóm, nhưng có lẽ do duyên trời, cô gái Lê Thị Sinh (người phụ nữ điên bị cô lập nơi xó rừng – PV) đã phải lòng anh chàng thợ hồ tên Thành, người cùng xã. Sau thời gian dài tìm hiểu, họ quyết định trở thành người một nhà. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân ấy chỉ kéo dài được 10 năm. Sau khi lấy nhau về, cô Sinh bị chồng và gia đình chồng hắt hủi. Họ nói rằng, cô không biết sinh con. Thường xuyên bị khủng bố tinh thần, quá uất ức, cô Sinh bỗng chốc hóa bệnh, trở thành một người điên, hàng đêm gào thét, chửi bới như để giải tỏa đi những uất nghẹn trong lòng.

Quay trở lại chuyện tình yêu của người đàn bà điên này. Trước đây, cô gái trẻ tên Sinh là niềm ao ước của biết bao chàng trai làng trên xóm dưới. Việc cô Sinh chọn anh Thân, một chàng thợ hồ cùng xã khiến nhiều người cảm thấy ngạc nhiên. Tuy nhiên chuyện tình cảm nhiều khi không thể giải thích theo lẽ bình thường. “Từ lúc yêu nhau cho tới khi về sống cùng một nhà, đi đâu họ cũng có đôi có lứa. Thằng Thân là một người đàn ông chăm chỉ, lại yêu thương vợ. Vợ chồng chúng nó khéo bảo nhau làm ăn nên cuộc sống kinh tế cũng thuộc vào hàng khá giả. Tuy nhiên, thời gian cứ trôi mà đôi vợ chồng trẻ không có một mụn con. Họ chẳng đi bệnh viện kiểm tra nguyên nhân do đâu. Dần dà, cuộc sống vợ chồng xảy ra xích mích”, một người hàng xóm của anh Thân chia sẻ.

Sau này, nói chuyện với phóng viên, bác Lê Quang Hiệu (anh trai cô Sinh) xót xa khi kể lại chuyện tình và cuộc sống gia đình dang dở của em gái mình: “Thời trẻ, em gái tôi cũng có nhiều người theo đuổi lắm, nhưng chỉ ưng mỗi chú Thân. Sau một thời gian đi lại tìm hiểu, thấy chú Thân và gia đình bên ấy tốt nên bố mẹ tôi đồng ý chuyện cưới xin. Hai năm đầu, cuộc sống của vợ chồng nó hạnh phúc lắm. Chỉ tại gia đình bên kia không đưa đi khám để xác định nguyên nhân không thể có con là do ai mà vội trút lên đầu em gái tôi nên xảy ra cơ sự này”.

Cuộc sống khốn khổ của hai mẹ con “người rừng” 

Không chỉ người thân của cô Sinh bức xúc về chuyện phụ bạc của gia đình Thân mà ngay đến hàng xóm láng giềng ai cũng xót thương cho số phận  hẩm hiu của người con gái một thời khiến bao chàng trai yêu mến. “Cứ không đẻ được con là mọi chuyện lại trút hết lên đầu người phụ nữ. Chẳng nhẽ đàn ông không bị mắc vô sinh à? Bây giờ cô Sinh có con rồi đấy. Gia đình nhà thằng Thân sẽ phải hối hận suốt đời. Khổ thân cái Sinh, ngày nào còn tinh nhanh, hoạt bát, một tay lo việc nhà chồng mà giờ đây lại thành người điên”, bà L, một người trong xã Phương Thịnh bức xúc bình phẩm.

Được biết, sau khi gia đình nhà chồng ruồng bỏ, cô Sinh trở về nhà người anh trai ruột với dấu hiệu của căn bệnh thần kinh. Thương em, nhưng vì hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi vợ đang bị bệnh tim nên bác Hiệu đã cất công xin cho em gái đến ở nhờ tại một trại bỏ hoang phía bên kia đồi. Cuộc sống một mình, lại đang mang sẵn căn bệnh thần kinh, đêm đến cô bắt đầu gào thét và chửi bới... Cũng trong thời gian này, bỗng nhiên cô Sinh có bầu.

Chuyện cô Sinh từ chỗ bị gia đình chồng phụ bạc nay lại mang bầu khiến người dân trong xã sửng sốt. Sau này, tin đồn đó cũng đến tai gia đình nhà anh Thân. Không biết vì sĩ diện hay vì lý do nào đó, họ quyết định lôi cô ra tòa cắt đứt mọi quan hệ. Cũng chính vì thế, căn bệnh trầm cảm của cô thêm trầm trọng. Thấy vậy, bác Hiệu vội vàng xin đổi với hàng xóm một mảnh đất để đưa cô vào ở khuất hẳn sâu bên trong làng. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và công sức của một số đoàn thể, bác Hiệu cất cho em gái một căn nhà cấp 4, làm nơi che nắng che mưa  cho cả hai mẹ con.

Sau này, đứa con trai người phụ nữ điên được sinh ra trong sự cảm thông của người dân trong làng. Khi cháu đến tuổi đi học, bác Hiệu phải chạy vạy lo toan cho cháu mình được đến lớp tìm cái chữ. “Tôi vui mừng lắm vì cô giáo bảo nó thông minh và học giỏi. Năm nào cháu tôi cũng được giấy khen. Mặc dù ít tuổi nhưng nó là thằng bé có chí. Ăn cơm bữa đói bữa no nhưng chưa bao giờ tôi thấy nó than phiền, kêu ca gì”. Nói đến đây, bác Hiệu dừng lại ngửa mặt nhìn lên mái nhà như không muốn cho dòng nước mắt chảy ra.

Bi kịch người phụ nữ điên cô độc giữa rừng - 2

Đường vào nhà nơi người phụ nữ điên và đứa con trai 10 tuổi đang cư ngụ. Ảnh: T.G

Vượt qua chặng đường gập ghềnh, khó đi, chúng tôi mới có thể đến được nơi hai mẹ con cô Sinh đang cư ngụ. Vừa đến nơi, chúng tôi nghe tiếng một người phụ nữ đang mắng con về chuyện học hành. Thấy chúng tôi và người anh trai lại gần, bà im bặt.

Bên ngoài bờ rào, cậu con trai 10 tuổi vẫn đứng đó như bức tượng. Khi chúng tôi lại gần đứa nhỏ trò chuyện, em cho biết: “Trời nắng, mẹ lại đổ bệnh nên nói lớn tiếng. Cháu sợ mẹ phải chạy ra đây đứng. Nhưng không dám chạy xa bởi mẹ không nhìn thấy cháu, bệnh sẽ nặng hơn. Mấy hôm nay, nhà hết gạo, hai mẹ con cháu chỉ ăn rau. Cháu thương mẹ lắm, muốn  học thật giỏi và lớn thật nhanh để kiếm được tiền chữa bệnh cho mẹ”. Mặc dù năm nay đã 10 tuổi nhưng em cao chưa đầy 1m, chân tay khẳng khiu, gầy còm, ốm yếu. Cậu bé tên Nhu, đang học lớp 5 tại trường tiểu học Phương Thịnh.

Hàng ngày, buổi sáng cậu được mẹ đưa đi học, học xong về chỉ quanh quẩn ở nhà trông mẹ, không được đi đâu xa. Hai mẹ con không trồng lúa, mọi chi tiêu đều chờ tiền hỗ trợ hàng tháng của nhà nước. Mỗi tháng cô Sinh được nhận 180.000 đồng. Những ngày hết gạo, cô Sinh thường đi xin rau ở xung quanh rồi hai mẹ con nấu canh ăn qua bữa. Cả ngôi nhà, vật đáng giá nhất của hai mẹ con cô Sinh chính là chiếc giường và cái xe đạp cà tàng. Đó là phương tiện để ngày ngày người mẹ đưa đứa con đến trường.

 Rời xã Phương Thịnh, những hình ảnh về cảnh sống của hai mẹ con người phụ nữ điên vẫn ám ảnh chúng tôi. Ước mơ của họ chỉ là một bữa cơm có thịt và không còn chịu cảnh đói khát nữa. Trước đó, nói chuyện với chúng tôi, cậu bé Nhu bảo rằng, ở lớp, mỗi mình em không có sách giáo khoa. Mỗi hôm đi học, cậu phải nhìn nhờ sách của các bạn. Từ trong đáy lòng, chúng tôi luôn mong rằng các nhà hảo tâm sẽ giúp đỡ cuộc sống của mẹ con cô Nhu, để ước mơ của cậu bé này không dang dở như chính bi kịch mà mẹ cậu phải gánh chịu.    

*Tên một số nhân vật đã được thay đổi

Bà điên” đáng được trân trọng

Để tìm hiểu về người phụ nữ này, chúng tôi vào căn nhà mà bao năm qua cô bị cách ly. Nói chuyện với chúng tôi, người đàn bà này tỏ ra rất tỉnh táo, không có dấu hiệu gì của người mắc bệnh tâm thần. Đã từ lâu, ai cũng gọi cô là “bà điên” nhưng hàng ngày, thấy người phụ nữ quấn quýt với đứa con, lo toan chuyện sách vở, ăn uống và đưa con đi học như những bà mẹ bình thường khiến không ít người cảm động. “Người điên ư? Một người điên mà vẫn ý thức được việc làm mẹ và chăm sóc, nuôi con thì quả thật còn đáng trân trọng gấp ngàn lần những kẻ bình thường nhưng chỉ biết đổ lỗi lên đầu người khác. Khi con đói, cô Sinh biết đi xin nắm rau, bát gạo, lo toan chuyện mua sách vở và dạy con học”, một người dân nói với phóng viên như vậy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Nguyễn (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN