25 năm sống trong rừng làm "Rôbinsơn"

Ngày lão dắt vợ cùng mấy đứa con lẽo đẽo ra Rú Chá dựng chòi để ở, tài sản mang theo chỉ vài cái bát sứt, 2 cái xoong méo mó cùng ít cọc tre.

Người dân hò nhau gắn biệt hiệu cho lão là “điên”, “khùng”, “gàn”, “dở hơi”, bởi lão cũng có nhà, có đất đai ruộng vườn mà không chịu ở, lại ra Rú Chá sống, rừng thiêng nước độc, không chết đói thì cũng bệnh tật, rắn rết... Để rồi 25 năm làm “Rôbinsơn”, kỳ tích của lão là đã phủ lên một màu xanh bạt ngàn, biến cánh rừng hoang tàn năm nào lùi vào quá khứ.

Người rừng” ấy có tên là Nguyễn Ngọc Đáp, 67 tuổi, ở thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tình nguyện làm Rôbinsơn

Phải băng qua những con rạch ngập ngụa bùn, vòng vèo mãi dưới những tán cây rừng mới tìm được căn chòi của lão Đáp. Đúng như người dân bảo, đi đâu làm gì lão chỉ mặc mỗi quần đùi thôi. Người dân chưa ai thấy lão mang áo bao giờ, dù là đêm hay ngày. Thấy khách đến thăm, vợ lão tất tả vào chòi thay áo quần mới, bởi như lời bà nói đàn ông ăn mang kiểu gì cũng được chứ đàn bà con gái phải ăn mặc cho dễ nhìn tí. 

25 năm sống trong rừng làm "Rôbinsơn" - 1

Căn nhà của lão Đáp nằm lọt thỏm giữa Rú Chá.

25 năm sống giữa rừng, tính hoang dã đã ngấm vào máu thịt lão Đáp. Cơ thể vạm vỡ, da đỏ như đồng, lưng cong, tướng đi về phía trước y như gấu, giọng nói ồ ồ, nhát gừng và đặc biệt lão rất kiệm lời. Đôi bàn tay gân guốc, chai sạm, cầm cán dao rừng chẻ lạt một cách thuần thục, miệng tu ực một hơi hết cốc nước lá rừng, lão kể về quá trình ra Rú Chá sống.

25 năm sống trong rừng làm "Rôbinsơn" - 2

Con đường vào nhà lão Đáp.

"Sau giải phóng, cuộc sống người dân Thuận Hòa ni cực khổ và nghèo đói lắm. Thấy người dân không có gỗ để xây nhà, không có củi làm chất đốt, ông Hỷ - trưởng thôn thời ấy ký công văn, đồng ý cho người dân trong thôn vào Rú Chá chặt cây lấy gỗ, khu rừng bị đốn hạ không thương tiếc, hoang tàn lắm, thấy mà xót lắm” - lão Đáp nhớ lại. Rồi người người đua nhau đánh bắt chim thú, cá tôm, tận diệt thủy sinh. Hơn ai hết lão hiểu được giá trị đích thực của Rú Chá, bởi ngoài cho con tôm, con cá, cua rạm, chim chóc, nó chính là bức bình phong ngăn sóng đê biển, chắn lại sự sụt lở đất đai.

Lão Đáp kể rằng không biết Rú Chá có từ khi nào, chỉ biết đời ông cha mình đã có rồi. Cây cối rậm rạp, có cây cỡ 3 - 4 người ôm. Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Rú Chá trở thành tấm bia đỡ đạn cho lực lượng cách mạng khi giặc điên cuồng bắn phá, nhả đạn. Với địa bàn rộng lớn, sự hoang vu của mình, biết bao thế hệ cán bộ cách mạng đã được an toàn dưới những căn hầm bí mật được xây ngầm dưới Rú Chá.

25 năm sống trong rừng làm "Rôbinsơn" - 3

Cặp vợ chồng Robinson giữa căn nhà tồi tàn của mình.

“Hồi đó, mỗi lần quân Pháp tràn về bao vây tìm cộng sản, cả làng Thuận Hòa của tui lại kéo nhau ra đây để trốn giặc. Nó như một người cha, người mẹ ưỡn tấm ngực lớn chở che, đùm bọc dân làng. Nó có ơn với mình, sao mình lại bạc đãi nó được” - lão Đáp tâm sự. Nói như lão, bởi sau khi hiểu được tầm quan trọng của Rú Chá, nên không thể mất Rú Chá. Thôn có chính sách phục hồi, bảo vệ khu rừng ngập mặn, lão hăng hái ra rừng ở để canh nó, chăm sóc nó.

25 năm làm “người rừng”


Ngày lão Đáp dắt vợ cùng mấy đứa con lẽo đẽo ra Rú Chá dựng chòi để ở, tài sản mang theo chỉ vài cái bát sứt, 2 cái soong méo mó cùng ít cọc tre. Người dân hò nhau gắn biệt hiệu cho lão là “điên”, “khùng”, “gàn”, “dở hơi”, bởi lão cũng có nhà, có đất đai ruộng vườn, không chịu ở lại ra Rú Chá sống, rừng thiêng nước độc, không chết đói thì cũng bệnh tật, rắn rết... Mặc, ai nói gì cũng vậy, lòng lão đã quyết thì dù trời long đất lở, lão vẫn không thay lòng.

Nghe chồng nói chuyện với khách, bà Hồng (66 tuổi, vợ lão Đáp) nhớ lại: “Nghe ông có ý định ra Rú Chá sống, tui gạt phắt đi, bảo ra rừng ra rú biết làm gì mà sống ông ơi, không khéo bỏ mạng ấy chứ, rồi con cái nữa lấy gì cho chúng ăn uống?”. Rồi ông ấy thuyết phục: “Chẳng lẽ không có rau rừng, không còn con tôm, con cá nào cho mình, thế là tui đành miễn cưỡng theo ông ấy mà lòng thì rối như tơ vò”.

Mấy cha con lão Đáp vắt bùn đắp nền làm nhà, “căn nhà” được dựng lên với cọc tre làm trụ, mái được quây bằng tranh, lá rừng. Ban ngày cả nhà đi bắt ốc, đơm cá, hái rau rừng thay cơm, cũng qua được bữa.

25 năm sống trong rừng làm "Rôbinsơn" - 4

Nước mưa được lão hứng vào những chiếc lu này để sinh hoạt.

Ngày lão Đáp ra Rú Chá, 3 đứa con đầu đã có gia đình. Khiếp cảnh hoang vắng, u ám, nhiều muỗi, vắt, đi lại chỉ bằng cách lội bùn, trụ lại được tuần chẵn 5 đứa sau bỏ vào làng sống cùng anh chị em nó. Thế là 2 vợ chồng lão bấm bụng đói no, đau ốm có nhau trụ lại với rừng để bảo vệ Rú Chá. Ngày ấy, Rú Chá cây cối bị chặt phá tan hoang, cây cao nhất cũng chỉ được 2m, vậy là ngày ngày lão nhặt hạt chá, đước, vẹt ươm cây con trồng dặm.

Ươm rồi dặm, lại trồng cứ ngày nay qua tháng khác, không nề hà mọi lúc mọi nơi. Dưới bàn tay cần mẫn của vợ chồng lão Đáp, Rú Chá đã phủ một màu xanh ngát trở lại. Chính quyền thôn thấy khu rừng hồi sinh kỳ diệu thì sung sướng lắm, hỗ trợ cho lão một năm 3 tạ lúa để động viên. Nhưng lão tâm sự rằng, lão đã cúng lại cho làng 1 tạ để hương hỏa coi như chuộc lỗi vì đã bỏ đất, bỏ làng mà đi.

Nhưng cái ăn chỉ là cầm chừng, lão Đáp liều một phen, bày tỏ với chính quyền cho đấu ít mét vuông đất làm ao hồ, nuôi cá, gà vịt hỗ trợ thêm. Thấy vợ chồng lão có công lớn với Rú Chá, với lại bao năm ở rừng ở rú, cám cảnh vợ chồng lão đen đúa, ốm nhếch như 2 con khỉ, thế là xã gật đầu đồng ý. Ngày ngày đắp đập be bờ, nạo vét, dưới nước thì nuôi cá, trên bờ thì nuôi gà, vịt.

Cái ăn cái mặc đã được giải quyết trước mắt, thời gian còn lại 2 vợ chồng lão chăm nom Rú Chá. Cây chá, sú, đước đua nhau bén rễ sinh sôi phát triển, chim muông đua nhau tìm về, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày ngang… Người dân lại kéo nhau vào rừng đốn gỗ làm củi và đem bán, mặc dù có lệnh cấm của chính quyền nhưng họ vẫn lén lút cả ngày lẫn đêm. Lão Đáp nói: “Để bảo vệ rừng mình phải đi tuần bất kể ngày đêm, bắt gặp thì khuyên nhủ, giảng giải, ngoan cố tái phạm thì báo với chính quyền để phạt. Mấy năm trước, mỗi năm già này bắt đến 30 tên “lâm tặc” ấy, nhưng bữa nay cũng hết rồi”.

Chuyện “lâm tặc” chưa hết thì “chim tặc” hoành hành làm náo động cả khu rừng. Số là Rú Chá sinh sôi, yên tĩnh thì chim chóc lại bay về trú ngụ, kiếm ăn, làm tổ. Hàng đàn chim cò, vạc, diệc, vịt nước… quần tụ đã trở thành “mồi ngon” của “chim tặc”.


25 năm sống trong rừng làm "Rôbinsơn" - 5

Tài sản giá trị nhất của lão là chiếc Radio để dò tin tức.

Ngày cũng như đêm, lão Đáp xăm xăm đi từng ngõ ngách, con lạch, bụi cây để tháo gỡ hàng trăm cái bẫy, rồi cũng chiêu khuyên nhủ, báo với chính quyền. Ban đầu, có người bực mình ném bùn đất vào chòi, đục thủng ghe của lão để trả thù, để rồi khi lão mượn cái loa của xã, nói ra rả lợi ích, tầm quan trọng của Rú Chá thì người dân mới hiểu tấm lòng và khâm phục lão. Chuyện “lâm tặc”, “chim tặc” vì thế cũng lùi vào quá khứ.

Nói về cuộc sống hiện tại, lão Đáp bảo rằng cái ăn cái mặc cũng đã đỡ hơn xưa, nhưng cái nước uống, sinh hoạt thì khổ hơn cả. Nói rồi, lão chỉ vào những cái lu đại và nói: “Ở đây phải hứng nước mưa để sinh hoạt, hạn hán thì vào làng gánh nước ra dùng, gì chứ không có nước là khổ lắm”.

“Căn nhà” của lão Đáp nằm lọt thỏm, cô độc giữa rừng Rú Chá, không điện đóm, không hàng xóm, láng giềng. Như lời lão, “căn nhà”cũng sập lên sập xuống không dưới 5 lần vì mưa bão, mỗi năm phải thay mới các cọc tre để tránh mối mọt. Mấy đứa con cũng không ít lần khuyên nhủ vợ chồng lão vào làng ở, cơm nước chúng lo tất, nhưng lão cương quyết không vào. Chỉ khi nào Tết, giỗ kỵ vợ chồng lão mới vào làng. Tài sản lớn nhất lão có được là cái radio mà đứa con gái mua cho để nghe tin tức.

“Ở đây quen rồi, vào làng ồn ào, không chịu được. Gì chứ đời lão gắn với Rú Chá này cho đến khi xanh cỏ thì thôi” - lão Đáp tâm sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Văn (Lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN