Bi kịch của những khách hàng mua dự án “ma ” từ Công ty Alibaba

Ngày 19/12, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Luyện mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vợ Luyện, Võ Thị Thanh Mai và Nguyễn Thái Lực (em ruột Luyện) bị đề nghị mức án 30 năm tù về 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.

Nguyễn Thái Lĩnh (người em trai khác của Luyện) bị đề nghị 15-16 năm tù. Các bị cáo khác bị đề nghị 5 đến 20 năm tù về một trong hai tội danh trên. Bằng cách vẽ ra các dự án “ma”, Công ty Alibaba đã lừa đảo chiếm đoạt của hàng ngàn khách hàng với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng, khiến nhiều gia đình bị hại lâm vào cảnh anh em ly tán, vợ chồng ly hôn…

Bị hại xếp hàng trước cổng tòa để chờ đến lượt vào kê khai

Bị hại xếp hàng trước cổng tòa để chờ đến lượt vào kê khai

Sự cả tin đến khó hiểu của các nạn nhân

Mặc dù tại tòa, ngoại trừ Luyện không thừa nhận hành vi của mình còn tất cả các bị cáo còn lại, ngay cả vợ và em trai Luyện cũng đã thừa nhận hành vi lừa đảo. Tuy nhiên, trình bày với HĐXX, không ít bị hại vẫn xin được nhận đất, đồng thời xin được giảm án cho các bị cáo vì… tin vào khả năng khắc phục hậu quả của Nguyễn Thái Luyện.

Bị hại Đào Văn C. (ngụ TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), có mặt tại tòa suốt tuần qua, cho biết các anh em trong gia đình ông đã đầu tư hơn 7 tỉ đồng để mua 9 lô đất của Alibaba. Ông kể rằng, thấy cảnh nhà chật, người đông, mẹ ông quyết định bán căn nhà, chia tiền cho các con ra ở riêng. Trong thời gian tìm mua đất xây nhà, ông được nhân viên của Alibaba mời chào, lôi kéo… và đến tận nhà đón tới trụ sở công ty rồi bày ra sổ đỏ cùng những giấy tờ liên quan, kèm theo các cam kết về lãi suất cũng như GCNQSDĐ “chắc như đinh đóng cột” của Alibaba, ông đã tin và chở hơn 7 tỉ đồng đến trụ sở của Alibaba, được Nguyễn Thái Luyện trực tiếp đón từ cửa công ty. Nhưng… đất chưa có, nhà chưa kịp xây thì Nguyễn Thái Luyện bị bắt.

Đại diện Viện Kiểm sát luận tội

Đại diện Viện Kiểm sát luận tội

Sau những lời cam kết của Alibaba, gia đình ông C. mất trắng. “Anh em cũng không trách tôi, chỉ trách số gia đình mình xui rủi dính vào vụ lừa đảo này. Các anh em ly tán, vợ chồng ly hôn, con cháu mỗi đứa một nơi…”, ông C. ngậm ngùi kể. Nhưng ông vẫn xin HĐXX xem xét cho ông nhận đất, nếu có thể, và xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Nhưng ngoài ông C, còn rất nhiều khách hàng đã đổ tiền tỉ vào các dự án “ma” của Alibaba. Từ Quảng Bình vào dự phiên tòa, một nạn nhân cho biết đã tham gia nhiều dự án của Alibaba với số tiền lên đến 8 tỉ đồng; ngoài ra anh này còn cùng cô ruột tham gia các dự án của Alibaba với số tiền hơn  11 tỉ đồng, tổng số tiền bị hại và người thân đầu tư vào các dự án của Công ty Aibaba lến tới gần 20 tỉ đồng.

Bà T.H, một khách hàng khác của Alibaba, ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết, ban đầu bà có đứng tên cho một người thân đầu tư vào một lô của Alibaba, và bà cũng đã nhận được một số lợi nhuận theo đúng cam kết đã ký trong hợp đồng. Sau lần đầu tư đó, bà trở thành khách “VIP” của Alibaba. Hợp đồng của bà với Alibaba đã kết thúc, nhưng bà vẫn được nhân viên bán hàng của Alibaba “quan tâm, chăm sóc” rất chu đáo. Hàng ngày nhân viên bán hàng đến tận nhà bà để tư vấn. Bà bảo không có tiền, nhân viên Alibaba tư vấn cho bà vay ngân hàng lấy tiền đầu tư vào dự án của Alibaba, với cam kết sẽ mua lại sản phẩm bà đã đầu tư với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/ tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.

Các bị hại nghe đại diện Viện Kiểm sát luận tội

Các bị hại nghe đại diện Viện Kiểm sát luận tội

Với cam kết như vậy chẳng mấy chốc bà thu hồi được cả vốn lẫn lời. Không cưỡng lại được “lực hấp dẫn” của Nguyễn Thái Luyện và Alibaba, bà H đã đồng ý vay ngân hàng 3 tỉ đồng để đầu tư 36 lô đất thuộc các dự án của Alibaba. Khi làm thủ tục vay ngân hàng, bà được nhân viên của Alibaba hộ tống đến tận ngân hàng và khi nhận được tiền, họ đưa bà về thẳng trụ sở của công ty làm thủ tục ký kết hợp đồng.

Sau khi xuống tiền đầu tư vào các dự án của Alibaba, bà H. mơ đến ngày “đếm tiền”. Chỉ còn 2 ngày nữa bà sẽ được nhận lợi nhuận từ số tiền mình đã đầu tư thì Nguyễn Thái Luyện bị bắt giữ. Vậy là lợi nhuận chưa được nhận còn lãi suất bà vẫn phải gồng mình trả nợ. Tính đến nay bà đã phải trả 1,6 tỉ đồng tiền lãi ngân hàng. Nợ nần như vậy nhưng chỉ mình bà âm thầm gồng gánh, không dám chia sẻ cùng ai, đặc biệt là với người mẹ già ngoài 90 tuổi của bà.

Có lẽ họ mong rằng (một bị hại từng nói với Hội đồng xét xử) với giá đất hiện tại, thì nhận đất bán lại vẫn có lời, nên họ muốn nhận đất. Họ biết, hoặc cố tình không biết các dự án của Alibaba là những dự án “ma”. “Tòa lấy đâu ra đất mà trả cho bị hại”, như lời đại diện Viện Kiểm sát đã giải thích cho các bị hại.

Cần một bản án nghiêm khắc

Tại tòa, suốt quá trình xét hỏi, Luyện luôn cho rằng mình không lừa đảo. Tuy nhiên, trong phần luận tội vào ngày 19/12, đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh giữ quyền công tố đã làm rõ hành vi của Luyện và từng bị cáo. Theo đại diện VKS, trong vụ án, bị cáo Nguyễn Thái Luyện là người chủ mưu, chỉ đạo xuyên suốt mọi hoạt động của Công ty Alibaba cùng các pháp nhân khác. Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, Luyện đã đưa ra hàng loạt thông tin không có thật, tự vẽ ra các dự án không có thật để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng ngàn khách hàng.

Theo Viện Kiểm sát, Luyện là người hiểu biết pháp luật hơn các bị cáo trong vụ án, biết và buộc phải biết các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản. “Dự án trước khi đi vào kinh doanh phải được cơ quan Nhà nước phê duyệt, cấp phép. Chủ đầu tư trước khi bán sản phẩm cho khách hàng phải hoàn thành thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, những gì mà Luyện và đồng phạm thực hiện trước khi bán sản phẩm cho khách hàng chỉ mới đáp ứng các điều kiện cần mà chưa đủ”, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định. Tính đến ngày bị khởi tố, chưa có dự án nào được cấp phép, chưa có pháp nhân nào thực hiện nghĩa vụ với cơ quan Nhà nước trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Bi kịch của những khách hàng mua dự án “ma ” từ Công ty Alibaba - 4

Nguyễn Thái Luyện (đeo kính) và em trai - Nguyễn Thái Lực bên cạnh

Nguyễn Thái Luyện (đeo kính) và em trai - Nguyễn Thái Lực bên cạnh

Đại diện Viện Kiểm sát đã chứng minh về việc công ty của Nguyễn Thái Luyện từng bị UBND huyện Long Thành, Đồng Nai xử phạt hành chính về hành vi tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp. Mặc dù, bị cơ quan chức năng nhắc nhở nhưng Luyện và đồng phạm bất chấp pháp luật, phạm tội tới cùng…

Về nguồn vốn kinh doanh của công ty, Luyện khai do bị cáo tích lũy và vay mượn gia đình. Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát xác định lời khai này không có căn cứ, mâu thuẫn với hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo trong vụ án.

Đại diện Viện Kiểm sát cũng cho rằng hành vi của Nguyễn Thái Luyện rất tinh vi, khai thác triệt để sự non trẻ, thiếu sự trải nghiệm của các bị cáo khác để giúp sức cho mình trong hành vi phạm tội. Đối tượng khách hàng Luyện hướng tới là những người có thu nhập thấp, hiểu biết pháp luật hạn chế. Luyện đã đưa ra các thông tin gian dối, bán đất nền với giá rẻ hoặc cho trả góp 2-3 triệu/tháng. Từ đó, Luyện và đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng ngàn bị hại.

Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định việc Luyện khẳng định tiền mua đất là của cá nhân, vay mượn người thân... là mâu thuẫn với lời khai của vợ, em trai và nhiều bị cáo khác; mâu thuẫn với chính lời khai của mình trong các đơn khiếu nại trước đó. Do đó, có đủ cơ sở xác định hầu hết nguồn tiền của Alibaba là chiếm đoạt từ khách hàng.

Quá trình điều tra và xét hỏi, Luyện ngoan cố, không thừa nhận hành vi sai phạm; nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại tòa, Viện Kiểm sát xác định cáo trạng truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan sai. Hành vi của bị cáo Luyện rất tinh vi, phạm tội bằng cách huy động vốn dưới bình phong công ty mua bán bất động sản…

Trong 23 bị cáo ra tòa, ngoài Luyện còn có Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) và hai người em ruột của Luyện là Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực. Võ Thị Thanh Mai thừa nhận hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng không thừa nhận về tội “Rửa tiền”. Nữ bị cáo khai mình rút số tiền ra khỏi tài khoản của công ty để trả nợ và không thể nói ra tên chủ nợ vì nếu khai ra, tính mạng của mình và các con bị đe dọa. Tuy nhiên, căn cứ hồ sơ vụ án và diễn biến tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát xác định lời khai của Mai không có căn cứ, cáo trạng truy tố người này là không oan sai.

Em trai Luyện - Nguyễn Thái Lực cũng vậy, thừa nhận hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản, còn về hành vi rửa tiền, Lực nói không biết mà chỉ làm theo chỉ đạo của chị dâu Võ Thị Thanh Mai.

Đối với hành vi của các bị cáo còn lại, đại diện VKS xác định, cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội. Những người này phạm tội với vai trò đồng phạm, giúp sức cho Luyện.

Về trách nhiệm dân sự, Viện Kiểm sát đề nghị tòa buộc bị cáo Luyện và Mai liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho hơn 4.000 bị hại số tiền gần 2.400 tỷ đồng. Riêng bị cáo Mai phải trả lại 13 tỉ đồng của Alibaba. Tiếp tục kê biên hơn 260 thỏi vàng; 23 ôtô, xe máy do các bị cáo sử dụng; hơn 1,6 tỉ đồng tiền đặt cọc thuê nhà; phong tỏa hơn 45 tỉ trong 49 tài khoản của cá nhân, công ty do Luyện và đồng phạm lập ra... cùng 650 thửa đất (tổng diện tích hơn 447 ha) để thực hiện nghĩa vụ thi hành án của các bị cáo. Còn về 20 thỏi kim loại màu vàng, nặng hơn 7kg, do đây là hợp kim, không có giá trị sử dụng nên đại diện VKS đề nghị tuyên tịch thu, tiêu hủy.

Nguồn: [Link nguồn]

Những kỷ lục ở phiên tòa xét xử Công ty địa ốc Alibaba

Ngày 8/12/2022, TAND Tp Hồ Chí Minh đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án liên quan đến các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền do Nguyễn Thái Luyện, chủ tịch Công...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Hà ([Tên nguồn])
Xét xử Giám đốc Công ty địa ốc Alibaba Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN