Bị khởi tố vì không cứu người gặp tai nạn, nữ tài xế lái ô tô đối diện với khung hình phạt nào?

Sự kiện: Tin nóng

Theo luật sư, thấy nạn nhân gặp tai nạn giao thông trong tình trạng nguy hiểm nhưng vẫn bỏ đi, tài xế có thể ngồi tù.

Gây tai nạn giao thông hoặc thấy nạn nhân gặp tai nạn trong tình trạng nguy hiểm nhưng vẫn bỏ đi, tài xế có thể ngồi tù. (Ảnh minh họa)

Gây tai nạn giao thông hoặc thấy nạn nhân gặp tai nạn trong tình trạng nguy hiểm nhưng vẫn bỏ đi, tài xế có thể ngồi tù. (Ảnh minh họa)

Cổng thông tin điện tử Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh mới đây thông tin, Viện kiểm sát nhân dân huyện Can Lộc đã ra Quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hằng (SN năm 1991, trú ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) về tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo quy định tại khoản 1, điều 132, Bộ luật Hình sự.

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 22h ngày 02/10/2022, trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn chạy qua thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Hằng điều khiển ô tô (trên xe có 1 người lớn và 2 trẻ nhỏ) dừng lại bên lề đường để xuống đi vệ sinh. Lúc này, anh P (SN 1991, trú tại huyện Quang Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) điều khiển xe mô tô chạy hướng TP.Hà Tĩnh đi TP.Vinh (Nghệ An) thì va chạm với ô tô do Hằng điều khiển.

Va chạm khiến 3 người ngồi trên ô tô tỉnh giấc. Chứng kiến xe mô tô và anh P ngã ra giữa đường, nằm trên làn xe cơ giới, sát với giải phân cách cứng, Hằng lên xe ô tô điều khiển xe đi tiếp, để mặc nạn nhân P và xe mô tô tại hiện trường vụ tai nạn.

Ngày sau đó, xe ô tô tải đông lạnh do Tưởng Văn Danh (SN 1993, ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) điều khiển lưu thông trên Quốc lộ 1A theo hướng Nam - Bắc chạy tới, do thiếu chú ý quan sát và không làm chủ tốc độ nên đã cán qua người của anh P và va chạm với xe mô tô. Anh P được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong trên đường đi cấp cứu.

Liên quan tới vụ án trên, trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Can Lộc sau đó quyết định khởi tố bị can đối với Danh, về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại khoản 1, Điều 260, Bộ luật Hình sự.

Từ vụ án trên, nhiều độc giả thắc mắc, hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ sẽ bị xử lý như thế nào?

Trao đổi với PV về thắc mắc trên, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết, tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” (điều 132, Bộ luật Hình sự) có hình phạt thấp nhất là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm, khung cao nhất là 3-7 năm tùy theo mức độ, tính chất của hành vi phạm tội.

“Khoản 1, điều 132, Bộ luật Hình sự nêu rõ, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Như vậy, trong trường hợp bị cơ quan tố tụng truy tố ở khoản 1, điều 132, Bộ luật Hình sự, nữ tài xế điều khiển ô tô trong vụ án liên quan tới cái chết của anh P sẽ đối mặt với mức án cao nhất là phạt tù đến 2 năm”, luật sư Kiên nói.

Theo luật sư Kiên, thấy người gặp nạn mà không cứu giúp là hành vi cần phải lên án. Chưa kể, thấy người gặp tai nạn giao thông đang trong tình trạng nguy hiểm mà cố ý làm ngơ, không cứu giúp thì không chỉ phê phán, lên án mà phải xử lý nghiêm để giáo dục, làm gương cho mọi người.

“Với trường hợp của anh P, giả sử, sau khi gặp tai nạn, anh P được người chứng kiến hoặc thấy anh gặp nạn đưa vào lề đường hoặc có biện pháp cảnh báo với các phương tiện đang lưu thông trên quốc lộ biết có người đang gặp nạn nằm trên đường thì hoàn toàn giúp anh P tránh được tai nạn thương tâm sau đó”, luật sư Kiên nói.

Với trường hợp lái xe tải đông lạnh Tưởng Văn Danh, luật sư Kiên cho biết, trường hợp bị cơ quan tố tụng truy tố ở khoản 1, điều 260 (Tội phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ), Bộ luật Hình sự, tài xế sẽ đối mặt với mức phạt cao nhất là 5 năm tù.

“Khoản 1, điều 260 (Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ), Bộ luật Hình sự nêu rõ, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp như làm chết người (điểm a) thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”. – luật sư Kiên cho hay.

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ khởi tố nữ tài xế không cứu người gặp tai nạn: Cơ quan công an nói gì?

Theo công an, tài xế Nguyễn Thị Hằng dù biết xe máy của nạn nhân va chạm với ô tô của mình rồi ngã ra giữa đường nhưng do sợ hãi và thiếu lương tâm nên đã vô tình đẩy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN