Bí ẩn làng mỹ nhân nổi danh đất Cảng

Sự kiện: 24h vạn dặm

Ngôi làng Trà Phương ở Hải Phòng nổi tiếng là vùng đất sản sinh ra những cô gái vừa đẹp người lại đẹp nết, được mệnh danh "làng công chúa".

Câu ca dao “Cổ Trai Đế vương, Trà Phương Công chúa” vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác bởi làng Trà Phương của xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng nổi tiếng là vùng đất sản sinh ra con gái vừa đẹp người, lại đẹp nết, được mệnh danh là “làng công chúa”.

Vùng đất “công chúa”

Cụ Vũ Thị Trang mặc dù đã 90 tuổi nhưng làn da vẫn trắng, môi đỏ

Cụ Vũ Thị Trang mặc dù đã 90 tuổi nhưng làn da vẫn trắng, môi đỏ

Những ngày cuối tháng 10, PV Báo Giao thông tìm về làng Trà Phương, nằm cách trung tâm TP Hải Phòng khoảng 20km. Nơi này nổi tiếng là vùng đất sản sinh ra những người con gái đẹp.

Là địa phương được xây dựng nông thôn mới nên làng Trà Phương có những tuyến đường to, rộng với bề mặt bê tông phẳng phiu, sạch đẹp. Từ đầu làng, nhiều cửa hàng tạp hóa, kinh doanh tấp nập cùng những ngôi nhà được xây dựng khang trang, đẹp đẽ.

Ông Nguyễn Văn Kiệm, Trưởng thôn Trà Phương, xã Thụy Hương cho biết: “Làng Trà Phương được gọi là “làng công chúa” bởi nơi đây sản sinh ra nhiều người con gái xinh đẹp, nết na.

Nơi này cũng là quê hương của Hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ vua Mạc Đăng Dung, sau được tấn phong Thái Hoàng Thái Hậu”.

Là một trong nhiều người con gái đẹp của làng, đến nay dù đã 90 tuổi, nhưng cụ Vũ Thị Trang vẫn giữ được nét đẹp trời phú với làn da trắng mịn, môi hồng đỏ.

Thế nhưng, khi được khen đẹp phúc hậu, cụ Trang cười xòa: “Làng này chị em phụ nữ đẹp lắm, các cụ Dĩnh, cụ Cói, cụ Kiểu, bà Khỏa, bà Hiền, bà Múi... đẹp hơn tôi nhiều”.

Quả đúng như lời cụ Trang, đi một vòng quanh làng, dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ Trà Phương đa phần đều có làn da trắng, dáng người dong dỏng, đường nét khuôn mặt thanh tú.

Cụ Trang bảo, giờ có nhiều trang sức, mỹ phẩm để làm đẹp, chứ ngày xưa, con gái làng Trà Phương chủ yếu làm nông, chân lấm tay bùn suốt ngày nhưng cứ rửa sạch bùn là lại trắng ngần.

“Còn vì sao đẹp thì chúng tôi không biết, có thể do ở đây được uống nguồn nước từ núi Trà, tắm dòng nước của sông Tiểu Khê, hoặc do hồng phúc của cổ nhân”, cụ Trang tự hào kể.

Ngô Mai Phương, nữ sinh làng Trà Phương đoạt giải Á khôi 1 và Miss Thân thiện của cuộc thi Hoa khôi Sinh viên 2016, đem lại niềm hãnh diện cho quê hương

Ngô Mai Phương, nữ sinh làng Trà Phương đoạt giải Á khôi 1 và Miss Thân thiện của cuộc thi Hoa khôi Sinh viên 2016, đem lại niềm hãnh diện cho quê hương

Không ai ở làng Trà Phương lý giải được vì sao, làng lại là vùng đất có nhiều người con gái đẹp. Thậm chí, khi những người con gái ở nơi khác về đây làm dâu, sinh sống cũng đều trở nên xinh đẹp hơn trước.

Trưởng thôn Trà Phương Nguyễn Văn Kiệm “tạm” lý giải: “Tôi đi nhiều nơi, nhưng đúng là thấy con gái làng Trà Phương đa phần vẫn đẹp, ngoài nét đẹp từ khuôn mặt, làn da, vóc dáng, thì hầu hết gái làng này vẫn duyên dáng, nhẹ nhàng trong đi đứng, ứng xử.

Có lẽ từ thời cụ kị, ông bà rồi đến bố mẹ đã theo nếp, theo gen ấy, thì con cháu cứ thế mà theo.

Con gái nơi khác về làm dâu nơi này cũng hòa cùng nhịp sống ấy, tự nhiên thấy duyên dáng, xinh đẹp hơn thôi”.

Nhưng ông Kiệm cho biết, đến nay “làng gái đẹp”, “làng công chúa” Trà Phương vẫn chỉ là những cái tên được truyền miệng, chứ không ai xác nhận, thống kê làng có bao nhiêu hoa khôi, người đẹp được vinh danh.

Chỉ biết gần đây, có nữ sinh làng Trà Phương là em Ngô Thị Mai Phương đã có giải ở cuộc thi Hoa khôi Sinh viên 2016.

Nơi thờ cúng hai bảo vật Quốc gia

Hai bảo vật Quốc gia được thờ ở chùa làng Trà Phương

Hai bảo vật Quốc gia được thờ ở chùa làng Trà Phương

Theo ông Kiệm, từ xa xưa cho đến nay, những truyền thuyết của làng Trà Phương cũng được vinh danh, lưu truyền. Điển hình như cánh đồng hương lược.

“Trước kia, khi đứng trên đồi chè nhìn xuống có thể thấy rất rõ cánh đồng như cái lược. Đến nay, sau quá trình thăng trầm, ruộng đất được cải tạo, cắt xẻ hoặc chia nhỏ nhưng cánh đồng với hình thù cái lược vẫn được lưu giữ. Đó là điều vô cùng lạ”, ông Kiệm cho hay.

Chia sẻ thêm về giá trị văn hóa, vị trưởng thôn cho hay, hiện nay người làng Trà Phương vẫn đang gìn giữ, thờ cúng hai bảo vật Quốc gia tại chùa là tượng vua Mạc Đăng Dung và bức phù lưu của Thái Hoàng Thái Hậu. Hai bảo vật Quốc gia này được Nhà nước công nhận vào năm 2020.

Chỉ vào ngôi chùa đang được trùng tu, ông Kiệm cho biết thêm, chùa Trà Phương được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch công nhận là di sản cấp Quốc gia năm 2007.

“Chùa Trà Phương có tên chữ là Thiên Phúc Tự, có lịch sử từ thời nhà Lý. Sau đó, Thái Hoàng Thái Hậu cùng 25 Thân vương, Công chúa, Quận công nhà Mạc góp công trùng tu, tôn tạo.

Chùa được trùng tu vào năm 1936 - 1938 do bà Ngô Thị Dĩnh, người làng Trà có chồng là người Pháp, Chánh đài Thiên văn Kiến An bỏ tiền của tôn tạo.

Hàng năm vào ngày 22 tháng Giêng thì giỗ Tổ chùa, thời điểm này có rất nhiều người từ khắp mọi nơi về đây”, ông Kiệm thông tin.

Làng Trà Phương cách thị trấn Núi Đối - trung tâm huyện Kiến Thụy gần 3km về phía Đông Bắc.

Còn nếu đi về phía Đông, cũng chừng đó quãng đường là tới Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, cùng huyện Kiến Thụy.

Theo sử sách, tên cổ của làng Trà Phương vốn là Trà Hương, thuộc huyện Nghi Dương, xứ Hải Dương. Năm 1813, do kiêng húy nhà Nguyễn đã đổi thành Trà Phương.

Dù đổi tên nhưng ý nghĩa đẹp đẽ của tên làng Trà Hương vẫn vẹn nguyên.

Hương vị thơm ngon của những lá chè được hái từ những cây chè cổ thụ trên núi Chè còn gọi là núi Trà. Núi Trà như bức bình phong thiên nhiên chắn phía Đông của làng đã làm nên tên làng.

Nguồn: [Link nguồn]

Hai ngôi làng trăm năm trai gái “nhịn yêu” ở Nam Định: Bát hương ngăn tình đôi lứa

Chỉ vì giao ước giữa 2 làng sau khi Tức Mặc xin một bát hương của Thượng Lỗi về thờ khiến cho các đôi trai gái hàng trăm năm không thể lấy nhau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Phương ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN