Bệnh lạ ở Campuchia có thể là tay chân miệng

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết như thế dựa vào những triệu chứng đọc trên báo chí về bệnh “lạ” ở Campuchia.

Hơn một năm trước, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận những trẻ em ở Campuchia mắc bệnh này đến điều trị.

Vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây tử vong nhanh

Gần đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp tục nhận những trẻ Campuchia mắc bệnh tay chân miệng. Bệnh nhi được người nhà đưa đến trực tiếp hoặc được Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, Bệnh viện Củ Chi chuyển lên. Mới đây nhất, ngày 10-7, tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã có hai bệnh nhi người Campuchia mắc bệnh tay chân miệng được xuất viện.

Theo bác sĩ Trịnh Hữu Tùng - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, với những thông tin mà báo chí đăng tải ông cho rằng bệnh “lạ” ở Campuchia là bệnh tay chân miệng. Đến nay Bệnh viện Nhi Đồng 2 chưa tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh “lạ” ở Campuchia đến điều trị.

Dịp này, Cục Y tế dự phòng đã có văn bản gửi các trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, trung tâm y tế dự phòng có hoạt động kiểm dịch y tế biên giới, thông báo từ tháng 4 đến 8/7/2012, đã có 74 trường hợp mắc bệnh “lạ” tại Campuchia, bệnh nhân đều là trẻ em từ 3 tháng -11 tuổi. Trong số này có 59 trường hợp (56 trong số này đã tử vong) có triệu chứng chung gồm suy hô hấp, sốt cao, triệu chứng thần kinh và nhanh chóng tử vong.

Bệnh lạ ở Campuchia có thể là tay chân miệng - 1

Một bệnh nhi tay chân miệng trong phòng cấp cứu khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM chiều 11/7 - Ảnh: THUẬN THẮNG

Để chủ động chống dịch, Cục Y tế dự phòng yêu cầu các tỉnh có đường biên giới chung với Campuchia giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tăng cường kiểm tra và xử lý y tế với phương tiện nhập cảnh, các trường hợp nghi ngờ cần được cách ly và kiểm tra. Phối hợp với lực lượng chức năng cửa khẩu kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu động vật, sản phẩm từ động vật qua biên giới và tăng cường phòng chống dịch mùa hè.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Nguyễn Văn Bình cho biết thông báo cập nhật mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh “lạ” tại Campuchia, ngoài một số mẫu bệnh phẩm dương tính với virút gây bệnh tay chân miệng EV71, một số mẫu dương tính với liên cầu lợn và sốt xuất huyết, nhưng lý do vì sao bệnh nhi tử vong nhanh vẫn chưa được tìm ra.

Ông Bình cho rằng lo ngại nhất là các loại bệnh có thể lây lan từ người sang người qua đường hô hấp, nhưng rất may là không tìm thấy các loại virút cúm, trong đó có cúm A H5N1, SARS và Nipah ở bệnh nhi mắc bệnh tại Campuchia.

Số ca mắc tay chân miệng ở VN giảm

Trao đổi với PV hôm 11/7, ông Nguyễn Văn Bình cho hay số mắc tay chân miệng ở VN đã giảm dần trong khoảng tám tuần qua, tỉ lệ giảm khoảng 7-10%/tuần.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, tính đến tuần thứ 27 (thống kê ngày 6-7), cả nước có 63.000 ca mắc tay chân miệng, 34 ca tử vong, trong đó tuần gần nhất có 1.900 trường hợp mắc mới. So với cao điểm là tháng 3 đến tháng 5 vừa qua, số mắc tay chân miệng mới đã giảm khoảng 40% (từ tháng 3 đến tháng 5 có khoảng 3.000 ca mắc tay chân miệng mới/tuần).

Tuy nhiên ông Bình cho rằng đỉnh dịch tay chân miệng năm 2011 là tháng 9, nếu giữ được mức độ như hiện nay qua tháng 9 thì có thể tạm yên tâm, hiện tại vẫn còn rất nhiều nguy cơ do số mắc hằng tuần vẫn ở mức cao. Ông Bình cho biết trong tháng 7 sẽ có bốn đoàn kiểm tra chống dịch của Cục Y tế dự phòng đi kiểm tra hoạt động tại địa phương.

L.Anh - T.Dương

Virút gây bệnh “lạ” không lạ ở Philippines

Bộ Y tế Philippines (DOH) ngày 11/7 cho biết dòng Enterovirus 71 (EV71) bị nghi gây ra căn bệnh “lạ” chết người ở Campuchia không mới ở nước này. Bộ trưởng Y tế Enrique giải thích dòng virút này có thể gây ra nhiều loại bệnh khác nhau ở người, như tay chân miệng, bệnh hô hấp, viêm não… Viêm não được cho là gây ra cái chết của khoảng 60 trẻ em Campuchia.

Cùng ngày, CNN dẫn lời các bác sĩ thân cận với cuộc điều tra của Tổ chức Y tế thế giới cho biết tổ chức này chuẩn bị đưa ra kết luận căn bệnh lạ ở Campuchia gây ra bởi nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau gồm EV71, liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis) và sốt xuất huyết. Ngoài ra, việc sử dụng không đúng thuốc steroid, một loại thuốc có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, đã làm trầm trọng thêm tình trạng của các bệnh nhân.

Trần Phương

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo (Theo Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN