Bé trai 19 tháng tuổi bị bỏ quên 3 tiếng trên xe ô tô giữa trời nắng gắt

Sự kiện: Tin nóng Vĩnh Phúc

Tại Khoa Cấp cứu, BV Đa khoa Vĩnh Phúc, qua thăm khám, bác sĩ kết luận trẻ bị sốc nhiệt do ở trên xe ô tô dưới trời nắng quá lâu.

Bé L. hiện đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Minh Nguyệt - GD&TĐ. 

Bé L. hiện đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Minh Nguyệt - GD&TĐ. 

Thông tin từ gia đình bé L. cho biết, trưa 8/6, gia đình cho bé chơi trên xe ô tô, sau đó đi làm việc khác nên đã để quên bé trên xe trong khoảng 3 tiếng dưới trời nắng. Khi đó xe không nổ máy.

Đến khi gia đình phát hiện thì cháu bé đã hôn mê, đi vệ sinh không tự chủ. Sau đó, gia đình đã đưa bé đến Trạm Y tế xã để sơ cứu và chuyển xuống Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch.

Tại đây, nhận thấy trẻ bị sốt cao 41 độ C, có tình trạng co giật nên bé được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại khoa Cấp cứu, qua thăm khám bác sĩ kết luận bé L. bị sốc nhiệt do ở trên xe ô tô dưới trời nắng quá lâu. Các kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ bị rối loạn đông máu, bạch cầu tăng, rối loạn điện giải, hạ canxi, hạ kali. Lúc này trẻ sốt 40,5 độ C. Ngay lập tức bệnh nhi được điều trị tích cực.

Sau đó sức khỏe của bé L. khá hơn, tỉnh táo dần, ngừng thở oxy, giảm sốt, thỉnh thoảng có cơn co do mất nước điện giải. Bé hiện đã được chuyển lên Khoa Nhi để tiếp tục theo dõi và điều trị.

BS Nguyễn Thị Hoan, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sức khỏe của bé phục hồi tương đối nhanh. Hiện bệnh nhi tỉnh hơn, nhưng tiếp xúc chậm, chưa tỉnh hoàn toàn, vẫn còn cơn kích thích vật vã.

Ngoài ra, bé vẫn còn sốt nhẹ, dao động 37,5-38,5 độ C, đòi ăn nhưng không tiêu hóa được nhiều, ăn lại nôn ra. Vận động của bé L. cũng chưa được tự chủ như trước đây, tay chân còn yếu, quờ quạng, đã cai được thở oxy. 

BS Hoan cũng khuyến cáo cần rất cảnh giác khi cho con chơi trên ô tô , hướng dẫn trẻ cách tự thoát thân khi ở trong ô tô. Trong điều kiện thời tiết như thế này cần hạn chế cho bé ra đường, nhất là vào thời điểm nắng gắt.

Qua trường hợp này, chuyên gia cảnh báo các phụ huynh:

- Ở gia đình, bật điều hòa trong phòng ngủ kín, không có thông gió là một sai lầm. Khi đó, thể tích CO2 trong phòng sẽ tăng lên, ôxy giảm đi dẫn tới ảnh hưởng giấc ngủ, gây mệt mỏi vào sáng sớm.

- Nhiều gia đình đi ô tô chặng đường dài cũng không chú ý lấy khí trời để thông khí. Vì thế, nếu các gia đình lưu thông bằng ô tô nên khoảng một giờ đồng hồ phải mở cửa kính để thay đổi không khí trong xe.

- Khi đỗ xe ô tô, mọi người nên đỗ dưới bóng râm. Đặc biệt, các bậc phụ huynh không nên để con trong ô tô trong thời gian dù ngắn để tranh thủ mua đồ vì thực tế, ngồi trong ô tô có điều hòa làm mát không khí trong xe, nhưng ô xy trong xe sẽ giảm dần do đóng kín cửa, không tốt cho sức khỏe.

- Tuyệt đối không để trẻ ngủ trên xe một mình.

- Để chìa khóa xe ở nơi tầm với của trẻ khiến chúng tò mò, mở cửa xe chui vào trong khi người lớn không biết, sẽ gặp nguy hiểm…

Hướng dẫn cách xử trí sốc nhiệt tại chỗ

GS.TS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, việc sơ cứu người bị sốc nhiệt tại chỗ rất quan trọng vì thân nhiệt cao kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ tổn thương thần kinh và các cơ quan khác không hồi phục.

Do đó, mọi người cần sơ cứu bằng cách: Cởi bỏ quần áo, quạt mát, đắp khăn ướt, nếu có nước lạnh sẽ tốt hơn, cho nạn nhân uống nhiều nước

Nếu cứ để nguyên tình trạng đưa người bệnh đến viện sẽ rất nguy hiểm do mất thời gian di chuyển xa. Vì thế, ngay khi phát hiện bệnh nhân say nắng, sốc nhiệt cần lập tức di chuyển nạn nhân ra khỏi khu vực nắng nóng vào nơi mát mẻ.

Đặt nạn nhân nằm xuống, cởi bớt quần áo. Sử dụng nước lạnh hoặc khăn ướt phủ lên toàn bộ cơ thể đồng thời dùng quạt thồi vào để tăng cường hạ nhiệt.

Người bệnh cần được cho uống nước ngay nếu còn tỉnh và không nôn nhiều.

Trong quá trình cấp cứu, xử trí tại chỗ hãy gọi xe cấp cứu để chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Trên đường vận chuyển vẫn cần tiếp tục duy trì các biện pháp để hạ thân nhiệt cho người bệnh, như bật điều hoà, mở của sổ xe. Tiếp tục đắp khăn ướt và nước lạnh lên cơ thể. Nếu có trên xe cứu thương có thể truyền dịch tĩnh mạch theo dõi sát nhiệt độ cơ thể.

Nguồn: [Link nguồn]

Bị bỏ quên trên xe đưa đón trường mầm non, bé 3 tuổi nhập viện cấp cứu

Cháu bé 3 tuổi bị bỏ quên trên ô tô đưa đón học sinh trường mầm non, hiện đang cấp cứu tại bệnh viện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN