Bão Nari gây thiệt hại 1.500 tỷ đồng

Sự kiện: Tin bão

Đó là số liệu được đưa ra tại buổi làm việc sáng nay (16/10) tại Đà Nẵng giữa Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo các địa phương miền Trung về tình hình thiệt hại do cơn bão số 11 gây ra.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, thiệt hại sơ bộ do bão, mưa lũ gây ra tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định và Kon Tum là khá lớn.

Hiện đã có 3 người chết, 2 người mất tích và 49 người bị thương; 333 ngôi nhà dân bị sập và lũ cuốn trôi;  11.818 nhà bị tốc mái; 1.698 nhà bị ngập trong nước là. Thiệt hại nông nghiệp, thủy sản, thủy lợi cũng nghiêm trọng. Diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng, hư hại là 662 ha; 41 tàu thuyền bị chìm, 36 tàu bị hư hỏng; 30 hồ đập bị hư hỏng. Khối lượng đường giao thông bị sạt lở, vùi lấp 61.410 m3. 95 trụ điện bị gãy đổ, 46.000 mét dây điện bị đứt… Tổng thiệt hại ước tính trên 1.500 tỷ đồng.

Bão Nari gây thiệt hại 1.500 tỷ đồng - 1

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình thiệt hại và khắc phục hậu quả do bão tại Đà Nẵng

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các địa phương từ Quảng Trị đến Quảng Nam đã chủ động triển khai tốt công tác chuẩn bị phòng chống bão, nhất là chỉ đạo quyết liệt việc di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người. Trước và trong bão chủ động cử cán bộ nắm địa bàn, chỉ đạo sát sao công tác phòng chống. Sau bão đã kịp thời giải quyết ngay vấn đề môi trường.

Phó thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị Quân đội, Công an với cấp ủy, chính quyền các địa địa phương trong việc di dời nhân dân, kêu gọi tàu thuyền tránh trú an toàn. Sau bão, các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Quân khu 5 và các đơn vị của Bộ quốc phòng đứng chân trên địa bàn đã sát cánh cùng với địa phương chủ động điều lực lượng, phương tiện giúp chính quyền và nhân dân khắc phục hậu quả, từng bước ổn đinh cuộc sống…

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các địa phương không được để dân đói, dân ốm đau, bệnh tật. Trước mắt phải đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men và các đồ dùng thiết yếu hỗ trợ cho đồng bào vùng bị thiệt hại do bão lũ. Phải khẩn trương vào cuộc để khắc phục hệ thống đường giao thông, tình trạng ô nhiễm, dịch bệnh…Về lâu dài, các Bộ, Ngành trung ương quan tâm đầu tư hỗ trợ giúp các địa phương quy hoạch, xây dựng và cải tạo lại môi trường đô thị. Nhất là sửa chữa, xây dựng các công trình hồ đập thủy điện, thủy lợi, hệ thống đê kè sông, biển…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Hoàng – Đoàn Nguyên ([Tên nguồn])
Tin bão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN