Bắn rụng máy bay F4 Mỹ mà bác Bảy chỉ cười lén

Sự kiện: Thời sự

Hạ được con ma F4 là khát khao đến cháy lòng. Nhưng khi bắn rơi nó, anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy cố kiềm lòng không để vui sướng thái quá.

"Là phi công bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhưng Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy luôn khiêm tốn. Từ lý do đó, chúng tôi càng muốn tìm hiểu về bác Bảy nhiều hơn, để rồi khi đã biết được nguyên nhân thì người “hậu duệ” như tôi càng thêm khâm phục bác"- sĩ quan Hoàng Hải Lý- Trường sĩ quan Không quân kể lại.

Tôi là một sĩ quan Không quân, may mắn được ngồi bên bác người Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy và nghe bác kể chuyện chiến đấu, trong mỗi chúng tôi ai nấy đều cảm nhận sự sống động, hào hùng.

Tôi còn nhớ như in những câu chuyện mà bác Bảy chia sẻ tường tận của quá khứ hào hùng. Nhớ lại kí ức của trận chiến lừng danh năm ấy, bác Bảy kể: trưa ngày 26/4/1966, tức là sau hôm cưới vợ 10 ngày, đúng phiên trực chiến, bác nhận lệnh cùng biên đội 4 chiếc MiG17 cất cánh.

Tác giả (bìa trái) và Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy.

Tác giả (bìa trái) và Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy.

Lệnh xuất kích này bác bay ở vị trí số 3, Nguyễn Hữu Quỳ bay số 1, Lưu Huy Chao bay số 2, Nguyễn Văn Triêm bay số 4. Địch xuất hiện với đội hình 8 chiếc F4 bay về phía Đông Tây. Nguyễn Hữu Quỳ lập tức xuyên vào đám mây phía trước với lệnh phát ra: Tách tốp! Cắt thùng dầu phụ, mục tiêu phía Đông 5000m. Số 1 đã mất lợi thế, số 2 chuẩn bị công kích!

Lúc bấy giờ, bác lập tức tách tốp cùng Triêm chia thành 2 đội hình lao vào công kích 8 chiếc F4 của địch trên bầu trời Võ Nhai – Yên Thế. Số 2 lại lỡ nhịp, không tấn công được chiếc F4 vừa xượt ngang phía dưới. Số 2 quần lại, nhưng 1 con F4 khác đánh hơi phát hiện, chuẩn bị tấn công khi nó cắt thùng dầu phụ, bắt đầu tăng tốc lực. Nguy biến cho số 2 trong cái chớp mắt, tui hét lên: Số 2 ngoặt nhanh! Rõ!

Bác Bảy liếc mắt nhìn ngang, khi cảm thấy mình đang ở vị trí ưu thế để công kích. Nhất định không để cho nó thoát. Lúc đó, bác Bảy truyền lệnh: Số 4 cảnh giác bên trái! Còn bác ngoặt vòng cắt cảnh hẹp bất ngờ bám sát con F4, nó là xạ thủ đã cắt thùng dầu phụ nhưng chưa kịp bắt được tốc lực ở cự ly 1000m, rồi 500m, rồi 300…mét.

Bác ấn cò, đạn bắn trúng con F4 làm nó phụt lửa, cắm đầu xuống đất. Đồng đội hét lên: “Nó cháy rồi!” Bác Bảy kể rằng, khi ấy cảm thấy nhẹ rân như ngày còn nhỏ, ở nhà thường cầm ná đi bắn chim. Thoáng chốc trong đầu cảm giác sướng, bác định thần rồi lái máy bay xuyên qua đám mây, đóng vai trò bảo vệ cho số 4 công kích

Phía dưới, trước mặt, số 4 tăng tốc đuổi bám con F4 tỉnh ranh vừa ngoặt sang hướng trái 45 độ rời bỏ đội hình công kích. Một loạt đạn 37mm bay ra từ số 4 của Nguyễn Văn Triêm. Con F4 hoảng loạn lủi trốn. Từ tốp của Quỳ, Chao, mấy loạt đạn vừa nổ một con F4 phụt lửa lao về phía trước. Số Phantom II kiêu binh còn lại xé đội hình tranh nhau tháo chạy. Một chiến thắng nhanh gọn và có phần bất ngờ.

Chưa kịp sướng thì trận địa đã tan, chỉ còn lại mấy cuộn khói đen trôi đi chậm chạp. Có lần trở về ngay. Khi hạ cánh bác Bảy mới kịp lén cười sung sướng, bước xuống máy bay mọi người trong kíp trực và anh em phục vụ dưới mặc đất lao ra đỡ lấy và ôm xiết. Tiếng ai đó thoảng qua trong đám đông, mỗi chiếc F4 có giá trị bằng 2 nhé! Bởi mỗi chiếc F4 đều chở theo hai thằng lái để nạp mạng kia đấy! 3 chiếc là có tới sáu thằng giặc lái Mỹ!

Khi nghe bác Bảy kể lại chuyện xưa, tôi hỏi rằng: “Thưa bác Bảy, vì sao bắn rơi máy bay Mỹ mà Bác chỉ cười lén ạ?” Bác Bảy tâm sự: “Hạ được con ma F4 là khát khao đến cháy lòng. Nhưng khi bắn rơi nó, bác cố kiềm lòng không để vui sướng thái quá, dẫn đến những hệ lụy không đáng có như chủ quan coi thường địch, kiêu binh, tự phụ, nhất là vô tình làm chạnh lòng những người đồng đội chưa bắn rơi được chiếc máy bay nào của Mỹ, không để chiến công làm tui xa cách anh em.

Đến năm 1990 thì bác Bảy về hưu, sống ở thành phố Hồ Chí Minh với hai đứa con trai, lo cho các con xong chuyện học hành, yên bề gia thất xong, cùng người yêu dấu hơn 30 năm trước trở về quê sống hẳn ở quê như lời ước nguyện cùng vợ.

Cho đến một ngày, những phi công Mỹ từng bị bác Bảy bắn rơi, bị bắt làm tù binh, giờ kéo nhau tìm đến nhà bác. Trong những lần tiếp các bạn cựu thù, vui nhiều trong sự thân tình, nhưng đã có lần làm ông man mác buồn. Ấy là, lần Trung tướng Không quân Mỹ Steven Richie tìm đến nhà bác Bảy, người đã bắn hạ máy bay đồng đội của ông ấy. Đi với Trung tướng Không quân Mỹ là người con gái của phi công Mỹ từng bị ông Bảy bắn hạ.

Cô gái Mỹ có tên Marie đứng lên cúi đầu chào mọi người và được dịch ra bằng tiếng Việt, “chào ông Bảy”. Bác Bảy bước lại, nắm lấy tay đứa con gái mồ côi cha, trìu mến, chầm chậm: Chào con gái, ông Bảy thành thật chia buồn với con! Chiến tranh con ơi, nếu ông Bảy không bắn hạ ba con thì ông cũng sẽ bị ba con bắn hạ và như vậy, cái nhà của ông, bà hôm nay cũng đâu còn người đứng nói với con gái những lời mà chẳng ai muốn nói này. Ông là người lính Việt Nam, ông bảo vệ đất nước, không có lỗi, nhưng nhìn con đi tìm cha, tim ông thắt lại…

Cô gái Mỹ ngập ngừng: Dạ, con cảm ơn chú, con tin rằng ở đâu đó ba con sẽ không phải buồn nữa. Con sẽ mang câu chuyện thanh bình, ấm áp tình người để kể lại cho mẹ của con nghe. Con cảm ơn ông Bảy rất nhiều ạ!

Chỉ cách đây vài ngày thôi, tôi bất ngờ đến hụt hẫng khi nghe tin dữ từ gia đình bác Bảy. Rằng, khi bác Bảy đang làm vườn thì bị tai biến ngã quỵ. Dù bác Bảy được chuyển đến bệnh viện cấp cứu nhưng rồi không qua khỏi vòng quay số phận, trở về với đất mẹ, đất mẹ, Tổ quốc ôm ông vào lòng, nhân dân thương tiếc khôn nguôi.

Là “hậu duệ” được sinh ra trong thời bình, tôi mang ơn bác, ơn của bậc cha anh đi trước, chúng tôi nguyện lòng mình, ra sức học tập, công tác, nắm chắc khoa học kỹ thuật, bay lên làm chủ bầu trời, không để bầu trời Tổ quốc bị bất ngờ trên không.

Cận cảnh loại máy bay cùng Anh hùng Nguyễn Văn Bảy làm nên kỳ tích

Có nhiều hạn chế so với những máy bay chiến đấu cùng loại đương thời, nhưng Mig-17 khi được điều khiển bởi các phi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo HOÀNG HẢI LÝ ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN