Bài học về cách ứng xử của Bác Hồ với Trung Quốc
Trong quan hệ với Trung Quốc - Hồ Chủ tịch luôn thể hiện tinh thần hữu hảo, nhưng giữ vững nguyên tắc. Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã khẳng định như vậy xung quanh vấn đề Biển Đông, những bài học lịch sử về cách ứng xử của Bác với Trung Quốc.
Sau một loạt các hành động khiêu khích như cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh của ta, xua đuổi, thậm chí bắn chết ngư dân Việt Nam trên vùng biển Việt Nam, thì việc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 ở vùng đặc quyền kinh tế trong thềm lục địa của Việt Nam là bước đi tiếp theo nhằm thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Đây là một hành vi hết sức nguy hiểm, làm phương hại an ninh khu vực và thế giới.
Duy có điều có lẽ vì tham vọng, Trung Quốc đã không nhận ra những cái mất rất lớn của họ là hình ảnh đang xấu đi rất nhiều trong con mắt bạn bè quốc tế. Sự phê phán rộng rãi của dư luận quốc tế khiến cho Trung Quốc bị cô lập rất nhanh cũng khiến họ lúng túng.
Trong quan hệ với Trung Quốc - Hồ Chủ tịch luôn thể hiện tinh thần hữu hảo, nhưng giữ vững nguyên tắc. Theo tôi, bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị cấp cao ASIAN vừa rồi với quyết tâm chúng ta sẽ làm tất cả mọi biện pháp có thể nhưng mà hợp lý để bảo vệ chủ quyền chính là tinh thần ấy.
Bác Hồ thăm lực lượng Phòng không Không quân canh giữ bầu trời Tổ quốc (Ảnh tư liệu)
Hồ Chủ tịch là người hiểu biết sâu sắc lịch sử nên đã lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đi tới thắng lợi vẻ vang. Một điều rất dễ nhận thấy là Bác luôn đưa ra những đối sách rất mềm dẻo nhưng không bao giờ mất cảnh giác. Năm 1946, Bác phải tìm mọi cách đưa quân Tưởng Giới Thạch sớm ra khỏi nước ta. Chấp nhận đánh Pháp và sau đó là trận Điện Biên Phủ chứ không để quân Tưởng Giới Thạch ở lại. Bác hiểu Trung Quốc và không hề mất cảnh giác với Trung Quốc.
Khi thành lập quân đội, Bác đặt là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, lấy vận động quần chúng là chính, sau đặt là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, chứ không bao giờ dựa vào vũ khí. Đây chính là tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.
Bác là vị lãnh tụ đã phát huy được những bài học về đoàn kết toàn dân của thời Lý, Trần, Lê. Bác thường căn dặn phải đề cao tư tưởng của Trần Hưng Đạo “Chúng chí thành thành”, tức là ý chí của dân là tòa thành kiên cố.
Bác còn là hiện thân của tinh thần đại đoàn kết. Với tư tưởng Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công đại thành công của Người, chúng ta sẽ có một thứ vũ khí sắc bén để chiến thắng mọi thế lực xâm phạm đến chủ quyền và lợi ích Quốc gia.
Đất liền là nhà, biển là cửa ngõ Bác là người có tầm nhìn xa, trông rộng, nên Người có sự quan tâm đặc biệt đến biển và hải đảo, có nhiều chỉ đạo rất sớm về lĩnh vực này. Bác có một tấm ảnh đội mũ lính thủy, chụp khi đi thăm Quân chủng hải quân. Trong lúc nói chuyện với bộ đội Hải quân, Người đã ví đất liền là nhà, biển là cửa ngõ, muốn giữ nhà phải bảo vệ vững chắc cửa ngõ. Khi đi thăm đảo Cô Tô (cách thành phố Hạ Long chừng hơn 150km, Bác đã có những chỉ thị về việc bảo vệ và phát triển kinh tế trên các đảo và đặc biệt, Người cho phép dựng tượng trên đảo. Đây chính là một hình thức khẳng định chủ quyền. Năm 1961, khi ra thăm vịnh Hạ Long, lúc thuyền đưa Bác vào thăm hang Dấu Gỗ - nơi Tướng quân Trần Hưng Đạo làm căn cứ hậu cần sản xuất cọc gỗ để cắm trên sông Bạch Đằng chống quân Nguyên Mông xâm lược, Bác nói với các chiến sĩ hải quân: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó". |