Ấn Độ trục xuất nhân viên ngoại giao trả đũa Mỹ

Mỹ đã buộc phải rút một nhân viên ngoại giao ở Ấn Độ về nước sau khi New Delhi giận dữ trả đũa việc bà Khobragade phải rời nước Mỹ.

Ngày 11/1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã rút một nhà ngoại giao tại đại sứ quán ở New Delhi về nước theo yêu cầu của phía Ấn Độ sau khi Washington trục xuất nhà ngoại giao gây tranh cãi Khobragade.

Bà Devyani Khobragade, Phó Tổng lãnh sự Ấn Độ ở New York đã bị cảnh sát Mỹ bắt giữ, còng tay và lột đồ khám xét với cáo buộc làm giả visa và trả lương thấp cho một người giúp việc hồi tháng 12, dẫn tới phản ứng quyết liệt và các biện pháp trả đũa liên tiếp của phía Ấn Độ, đẩy quan hệ Mỹ-Ấn vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều năm nay.

Hôm thứ Năm, Mỹ đã quyết định truy tố bà Khobragade để xoa dịu phản ứng từ dư luận trong nước, đồng thời yêu cầu bà này ngay lập tức rời khỏi nước Mỹ để tránh gây thêm căng thẳng với Ấn Độ.

Bà Khobragade đã bay về Ấn Độ ngay tối hôm thứ Sáu và sẽ được bố trí một công việc khác tại thủ đô New Delhi. Chỉ vài giờ sau khi bà này về nước, Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington cho biết họ sẽ triệu hồi một nhân viên ngoại giao Mỹ ở Ấn Độ về nước theo yêu cầu của phía New Delhi.

Ấn Độ trục xuất nhân viên ngoại giao trả đũa Mỹ - 1

Bà Khobragade trở về Ấn Độ sau khi bị Mỹ trục xuất

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết: “Đây rõ ràng là giai đoạn đầy khó khăn trong quan hệ Mỹ-Ấn. Chúng tôi hy vọng cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ kết thúc và Ấn Độ sẽ có những biện pháp phối hợp với chúng tôi để cải thiện quan hệ mang tính xây dựng hơn.”

Việc người giúp việc của bà Khobragade vẫn được ở lại Mỹ có thể là một thách thức với Washington trong việc cải thiện quan hệ với New Delhi, đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á. Phía Ấn Độ đã đề nghị phía Mỹ bắt giữ người giúp việc này với cáo buộc ăn trộm tiền, điện thoại và tài liệu của bà Khobragade.

Hiện phía Mỹ vẫn bác bỏ đề nghị này và thậm chí còn khiến phía Ấn Độ giận dữ hơn khi chuyển gia đình của người giúp việc này tới một chỗ an toàn để tránh bị nhà chức trách Ấn Độ bắt giữ, đồng thời cấp cho gia đình này quy chế cư trú dạng tị nạn thường được cấp cho nạn nhân của nạn buôn người đứng ra làm chứng trong một vụ án hình sự.

Ấn Độ đã vô cùng tức giận trước sự kiên quyết này của Mỹ và đã có một loạt các biện pháp trả đũa. Cảnh sát Ấn Độ đã cho dỡ bỏ các rào chắn an ninh bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở New Delhi và giảm các đặc quyền cũng như quyền miễn trừ của nhân viên ngoại giao Mỹ. Hôm thứ Tư vừa rồi, Ấn Độ đã ra lệnh cho đại sứ quán Mỹ đóng cửa một câu lạc bộ dành riêng cho người Mỹ ở New Delhi.

Việc Mỹ cho phép bà Khobragade được trở về Ấn Độ vốn được kỳ vọng như một động thái nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai nước, thế nhưng có vẻ như Ấn Độ vẫn chưa có vẻ gì là nguôi giận và bỏ qua cho Mỹ.

Người dân Ấn Độ coi cách xử lý vụ việc này là một ví dụ thể hiện sự ngạo mạn của Mỹ coi Ấn Độ là một quốc gia phải lệ thuộc vào mình, đồng thời họ bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường cứng rắn của chính phủ Ấn Độ. Các chính trị gia Ấn Độ đã gọi bà Khobragade là một anh hùng, thậm chí một số người còn đề nghị bà này ứng cử vào Quốc hội Ấn Độ.

Phản ứng trước việc Mỹ ép bà Khobragade rời khỏi Mỹ ngay lập tức, một quan chức Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu đại sứ quán Mỹ rút một nhân viên có vị trí tương tự như bà Khobragade về nước như một biện pháp trả đũa.”

Các nhà phân tích cho rằng sẽ phải mất nhiều thời gian để hai nước xóa đi những cảm nhận nặng nề trong thời gian vừa qua, và một số người lo ngại rằng quan hệ giữa hai nước đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì cuộc khủng hoảng này.

Ông Ron Somers, Chủ tịch Hội đồng Mỹ-Ấn cho rằng vụ Khobragade là một trường hợp “vô cùng đáng tiếc” với với quan hệ chiến lược giữa hai nước. Ông cũng cho rằng chính “sự vụng về của cả hai bên” đã làm phức tạp hóa và trầm trọng hóa vụ Khobragade.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN