7 vấn đề nóng trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)

Sự kiện: Thời sự

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất thêm nhiều quy định gia tăng lợi ích cho người lao động, đồng thời đảm bảo mở rộng mạng lưới an sinh.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đưa vào phương án giảm thời gian đóng BHXH để có lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Điều 100 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào nhóm quyền lợi mà người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng khi lao động nữ sinh con. Ảnh: NGUYỆT NHI

Điều 100 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào nhóm quyền lợi mà người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng khi lao động nữ sinh con. Ảnh: NGUYỆT NHI

Giảm thời gian đóng BHXH còn 15 năm

Nếu phương án này được thông qua, sẽ có một nhóm người lao động (NLĐ) tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục nhưng khi tới tuổi nghỉ hưu vẫn chưa tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hằng tháng.

Vì giảm năm đóng nên mức hưởng ở nhóm này sẽ thấp vì theo nguyên tắc của BHXH là đóng - hưởng, tức là đóng nhiều hưởng nhiều và ngược lại. Tuy vậy, định kỳ mức lương hưu sẽ được Nhà nước điều chỉnh, đồng thời trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được Quỹ BHXH mua bảo hiểm y tế.

Số người rút BHXH một lần tập trung nhiều ở nhóm lao động trẻ, từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi với tỉ lệ 77,5%.

Chỉ được rút 50% BHXH một lần?

Dự thảo luật đề xuất hai phương án rút BHXH một lần, cụ thể: Phương án 1 giữ nguyên như hiện hành là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút một lần.

Phương án 2 thay đổi theo hướng vẫn cho phép NLĐ rút BHXH một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Phần còn lại sẽ được bảo lưu, ghi nhận trên sổ BHXH để NLĐ có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đưa ra xin ý kiến nội dung quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định theo hai phương án.

Phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động. Phương án 2, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

9,6 triệu người trên 60 tuổi trong cả nước hiện không có lương hưu, dự báo năm 2030 con số này có thể tăng lên 13 triệu người.

Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Theo đó, mỗi cá nhân chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã sẽ phát sinh kinh phí đóng BHXH 25% (trong đó 22% vào Quỹ hưu trí và tử tuất, 3% vào Quỹ ốm đau, thai sản).

Người làm việc không trọn thời gian, NLĐ và người sử dụng lao động sẽ đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất (NLĐ 8%, người sử dụng lao động 14%), Quỹ ốm đau, thai sản (người sử dụng lao động 3%) trên tiền lương của NLĐ.

Tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ thai sản

Tuy nhiên, tại Điều 100 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào nhóm quyền lợi mà người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng khi lao động nữ sinh con hoặc khi lao động nam đang đóng BHXH mà có vợ sinh con.

Điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp này là NLĐ phải đóng BHXH từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Với việc tham gia BHXH tự nguyện, NLĐ sẽ nhận được trợ cấp thai sản là 2 triệu đồng/con sinh ra. Nguồn kinh phí chi trả sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Thay đổi về chế độ nghỉ bệnh

Dự thảo luật lần này đã bỏ quy định về việc cho người mắc bệnh dài ngày nghỉ đến 180 ngày. Theo đó, thời gian nghỉ chế độ ốm đau của NLĐ đều được xác định thời gian đóng BHXH và điều kiện làm việc, không phân biệt người đó mắc bệnh gì. NLĐ mắc bệnh dài ngày chỉ được tính hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH, tùy điều kiện bình thường và thời gian đóng BHXH.

Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đưa ra xin ý kiến với hai phương án có sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu để khuyến khích NLĐ tiếp tục đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu.

Phương án 1, mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75%. Cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Phương án 2, mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội bên cạnh tầng BHXH cơ bản (BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện). Theo đó, dự thảo luật quy định đối tượng công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Nguồn: [Link nguồn]

Đề xuất 2 phương án tính lương đóng BHXH

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung cố định lẫn biến động…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo GIANG THANH ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN