34 năm Gạc Ma: 64 người hùng khắc vào lòng Tổ quốc
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng, quên mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là những tấm gương chói sáng…
Bà Nguyễn Thị Hường nghẹn ngào dâng hương, không cầm được nước mắt khi nhìn lên tấm bia ghi tên 64 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988, trong đó có em trai bà là liệt sĩ Nguyễn Tất Nam.
Đó là một trong nhiều hình ảnh xúc động tại lễ giỗ 64 liệt sĩ Gạc Ma diễn ra vào chiều 13-3 tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa).
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma. Ảnh: NAM AN
Vượt hơn 1.200 km vào giỗ em trai
Năm nào cũng vậy, bà Hường đi xe đò, vượt gần 1.200 km từ quê nhà ở xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An vào Khánh Hòa để cùng tổ chức lễ giỗ các liệt sĩ Gạc Ma, trong đó có em trai bà. Năm nay, bà vào trước vài ngày, cùng các nhân viên ở khu tưởng niệm sửa sang, chăm chút khu tưởng niệm trước ngày giỗ. Dù đã có nhân viên chuẩn bị nhưng bà Hường vẫn muốn tự tay sắp xếp lễ cúng các liệt sĩ. “Gia đình tôi nghĩ em trai tôi vẫn đang cùng đồng đội của nó canh giữ biển đảo của Tổ quốc. Do đó, tôi vào đây tham gia tổ chức lễ giỗ để em tôi và đồng đội của nó được ấm lòng” - bà Hường xúc động.
Năm nay, khi vào giỗ em trai mình, bà Hường mang theo bức thư cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Tất Nam gửi cho vợ chồng bà Hường. Bức thư viết ngày 10-3-1988, bốn ngày trước khi chiến sĩ Nguyễn Tất Nam cùng các đồng đội của mình nằm lại ở Gạc Ma để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong thư, chiến sĩ Nam nói ngày mai (11-3-1988) anh sẽ cùng đồng đội lên tàu HQ604 để ra Trường Sa. Anh động viên vợ chồng bà Hường cùng gia đình hãy yên tâm, anh sẽ trở về. Thế nhưng anh cùng đồng đội của mình đã mãi mãi nằm lại phía chân trời và trở thành vòng tròn bất tử trên biển cả của Tổ quốc.
Nâng niu bức thư trên tay, bà Hường chăm chú xem từng kỷ vật của các liệt sĩ Gạc Ma ở khu trưng bày. “Mỗi lần nhìn thấy các kỷ vật đó, tôi lại thấy hình bóng em mình hiên ngang ở Gạc Ma ” - bà Hường nói trong nước mắt.
Tri ân “Những người nằm lại phía chân trời”
Năm nay, lễ giỗ 64 liệt sĩ Gạc Ma diễn ra ngay trước ngày kỷ niệm 34 năm ngày 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (14-3-1988 - 14-3-2022). Lễ giỗ do Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đơn vị xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Bà Nguyễn Thị Hường, chị liệt sĩ Nguyễn Tất Nam, chăm chút lễ cúng các liệt sĩ. Ảnh: TẤN LỘC
Theo ông Võ Duy Trúc, Giám đốc Ban quản lý khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, trong dịp này, hàng ngàn người từ khắp cả nước đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma. Trong những người đến tưởng niệm, có nhiều đồng đội, thân nhân của các liệt sĩ từ khắp nơi. Nhiều cơ quan, đoàn thể đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn các anh hùng liệt sĩ.
Nhiều người nghẹn ngào khi đứng trước tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” mang biểu tượng “Vòng tròn bất tử” được tạo thành từ hình ảnh 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma trong trận chiến với hải quân Trung Quốc ngày 14-3-1988. Khi đứng trước khu mộ gió, bia khắc tên của 64 liệt sĩ, khu trưng bày kỷ vật của các liệt sĩ, ai cũng xúc động rơi nước mắt…
Bà Nguyễn Thị Anh, Phó Giám đốc Ban quản lý khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, cho hay từ khi đi vào hoạt động hồi tháng 7-2017 đến nay, khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã đón hàng ngàn đoàn với hơn 300.000 lượt người đến dâng hương, dâng hoa, viếng các liệt sĩ, tham quan khu tưởng niệm, tìm hiểu sự kiện lịch sử Gạc Ma, có đoàn lên tới 1.200 người. “Các ngày lễ lớn đều có nhiều người đến viếng các liệt sĩ, tham quan khu tưởng niệm. Rất nhiều cơ quan, đơn vị đến khu tưởng niệm tổ chức lễ kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, báo công… Khu tưởng niệm thật sự trở thành nơi tri ân những người nằm lại phía chân trời” - bà Anh chia sẻ.
Ông Võ Duy Trúc cho biết thêm Ban quản lý khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đang làm đầu mối để thành lập ban liên lạc thân nhân các liệt sĩ Gạc Ma để kết nối, chia sẻ lẫn nhau. “Máu của các liệt sĩ đã hòa cùng biển cả, nhắc nhớ thế hệ muôn đời sau về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Chúng ta không bao giờ quên sự hy sinh ấy của 64 liệt sĩ Gạc Ma” - ông Trúc nói.•
Thủ tướng dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma Trước đó, chiều 12-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm, tri ân các liệt sĩ tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Khánh Hòa. Ghi sổ vàng lưu niệm tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng, quên mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là những tấm gương chói sáng minh chứng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam. Tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Khánh Hòa ngày 13-3, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Khánh Hòa phải triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo, trọng tâm là du lịch biển đảo, dịch vụ chất lượng cao; công nghiệp, cảng biển, vận tải biển - hàng không; đô thị ven biển; nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản. Gắn nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong từng chủ trương, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, trước hết là phát triển nghề cá, khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. |
...............................................
Phải sống cho xứng đáng với sự hy sinh của 64 chiến sĩ ở Gạc Ma
Sáng 13-3, Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng thời kỳ 1984-1988 tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong số này có 10 người con của quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng.
Các cựu binh Trường Sa thắp hương tưởng nhớ đồng đội hy sinh tại Gạc Ma. Ảnh: T.AN
Năm nay cũng là 34 năm kể từ ngày các chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam chiến đấu quên mình và anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc (14-3-1988 - 14-3-2022).
Ngoài các cựu chiến binh Trường Sa tại Đà Nẵng, buổi lễ còn có sự tham gia của thân nhân các liệt sĩ. Từ Quảng Nam ra Đà Nẵng rất sớm, đôi tay ông Nguyễn Bá Hùng (anh ruột liệt sĩ Nguyễn Bá Cường) run run lần tìm tên em trai trong danh sách 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma.
34 năm thấm thoát trôi, dù thời gian giúp gia đình ông Hùng nguôi ngoai phần nào nỗi đau mất người thân nhưng mỗi khi đến ngày này, trong ông lại xốn xang, thương xót khi nhớ về em trai mình đã nằm lại mãi mãi nơi biển cả của Tổ quốc. “Hôm qua, hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Khánh Hòa khiến tôi rất xúc động. Thời gian qua gia đình tôi nhận được nhiều sự quan tâm, động viên của các đoàn thể nên rất ấm lòng. Chúng tôi luôn nhắc nhở con cháu sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các liệt sĩ, trong đó có em trai tôi” - ông Hùng xúc động.
Cả ba anh em ông Hùng đều phục vụ trong quân ngũ, trong đó liệt sĩ Nguyễn Bá Cường là út. Trước khi ra Trường Sa làm nhiệm vụ, anh Cường hẹn tết sẽ về nhà thăm gia đình nhưng lời hẹn đó mãi dang dở khi anh và đồng đội đã ngã xuống nơi biển đảo quê hương.
“Ai cũng vậy, một khi đã khoác áo lính thì đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ và hy sinh vì Tổ quốc... Chúng ta đã trải qua quá nhiều đau thương, mất mát để có được hòa bình như hôm nay, không ai muốn chiến tranh nhưng phải có tâm thế vững vàng và sẵn sàng khi Tổ quốc gọi. Bằng nhiều cách, chúng ta cùng nhau quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc của mình” - ông Hùng nói thêm.
Trong không gian lễ tưởng niệm, gia đình các liệt sĩ thắp hương tưởng nhớ 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nguồn: [Link nguồn]
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Khánh Hòa.