14 năm sau vụ khủng bố 11.9: Ám ảnh ung thư

Hóa chất độc hại bay ra từ tòa tháp đôi sụp đổ trong vụ khủng bố 11.9.2001 vẫn đang khiến nhiều người bị ung thư và có nguy cơ bị ung thư.

Sự kiện 11.9 là một cuộc tấn công khủng bố liên hoàn diễn ra vào thứ Ba, ngày 11.9.2001. Theo đó, một nhóm không tặc đã cướp 4 máy bay Boeing nội địa của nước Mỹ. Đầu tiên, không tặc lái hai phi cơ lao thẳng vào tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan (New York, Mỹ), mỗi chiếc đâm vào một trong hai tòa tháp cao nhất, cách nhau khoảng 18 phút. Trong vòng hai tiếng đồng hồ, cả hai tòa tháp đã sụp đổ hoàn toàn.

Một nhóm không tặc khác lái chiếc phi cơ thứ ba đâm vào tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tại Lầu Năm Góc ở Quận Arlington, Virginia. Chiếc máy bay thứ tư rơi xuống một cánh đồng gần Shanksville thuộc Quận Somerset, Pennsylvania, sau khi hành khách trên máy bay chống cự lại nhóm không tặc này.

Vụ việc đã làm hơn 3.000 người thiệt mạng.

Theo thông lệ, hôm nay (11.09.2015), nước Mỹ sẽ tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân trong vụ khủng bố, và an ninh được thắt chặt.

14 năm sau vụ khủng bố 11.9: Ám ảnh ung thư - 1

Quang cảnh hoang tàn của khu vực 2 tòa tháp bị tấn công, sụp đổ hoàn toàn. Ảnh: Reuters

“Người phụ nữ bụi” qua đời vì ung thư

Cuối tháng 8 vừa qua, bà Marcy Borders - một người phụ nữ ở tiểu bang New Jersey (Mỹ), đã qua đời và là 1 trong 8 triệu người trên toàn thế giới chết vì ung thư mỗi năm.

Bà Borders đã được biết đến rộng rãi bởi hình ảnh đứng giữa đống đổ nát sau khi tòa Tháp Đôi tại Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center - WTC) sụp đổ vào ngày 11.9.2001. Sau vụ việc đó, bà được gọi với biệt danh “người phụ nữ bụi” vì một lớp bụi màu xám đã bao phủ cơ thể bà từ đầu đến từng ngón chân.

14 năm sau vụ khủng bố 11.9: Ám ảnh ung thư - 2

Bà Marcy Borders ngay tại hiện trường Tòa Tháp Đôi sụp đổ. Ảnh: AFP

Sau khi tòa tháp đôi sụp đổ, một lớp bụi và mảnh vỡ đã phủ trên diện rộng ở Manhattan. Ẩn trong không khí và các đám mây lúc đó là các chất gây ung thư và hóa chất amiăng (chứa sợi thủy tinh, thủy ngân và benzene nguy hiểm cho sức khỏe). Khi hít phải các loại chất này, con người có thể bị ung thư sau một thời gian. Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên ước tính đã có 300 - 400 tấn sợi amiăng được sử dụng để xây dựng WTC.

Chỉ một tuần sau cuộc khủng bố 11.9, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã tuyên bố không có vấn đề gì nguy hại lâu dài đối với cho sức khỏe của mọi người. “Tôi rất vui mừng để trấn an người dân New York và Washington, D.C. rằng, không khí môi trường sống là an toàn để hít thở”, lãnh đạo EPA, ông Christie Whitman cho biết vào thời điểm đó.

Thế nhưng, sau đó nhiều người bắt đầu ngã bệnh.

Nạn nhân thảm kịch được chăm sóc như thế nào?

Cũng sau vụ 11.9, các nhân viên cứu hỏa bắt đầu bị bệnh về đường hô hấp mãn tính. Từ năm 2001 đến 2004, chính phủ liên bang đã thành lập một quỹ đền bù cho tất cả những nạn nhân của chất độc hại hoặc bị chết trong thảm kịch.

14 năm sau vụ khủng bố 11.9: Ám ảnh ung thư - 3

Một người đàn ông phủ đầy tro bụi xám xịt. Ảnh: Reuters

Sau nhiều năm tạm dừng, tới năm 2011, Quốc hội Mỹ đã cho hoạt động lại quỹ này. Hai năm sau đó, các nhà chức trách đã bổ sung thêm 50 loại ung thư khác nhau vào danh mục bệnh đủ điều kiện hưởng bồi thường.

Chương trình chăm sóc y tế cho các nạn nhân sẽ hết hạn trong tháng 10 tới, và quỹ đền bù cho nạn nhân sẽ hết hạn sau 1 năm nữa (tháng 10.2016), trừ khi Quốc hội Mỹ quyết định rót nhiều tiền hơn. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu là các nhà khoa học và các bác sĩ đang tìm kiếm mối liên kết nào đó để kết luận mối liên quan giữa vụ khủng bố và bệnh tật.

Trong một nghiên cứu toàn diện nhất của vấn đề này cho đến nay, Sở Y tế thành phố New York không tìm thấy mối liên hệ thật sự rõ ràng giữa bệnh ung thư và các mảnh vụn, khói bụi tại nơi các tòa nhà sụp đổ. Nghiên cứu được công bố vào năm 2012 trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, dựa trên sự theo dõi 55.778 cư dân New York - những người đã có mặt tại WTC trong ngày xảy ra cuộc tấn công và đã có tên trong chương trình chăm sóc sức khỏe. Trong số những người quan sát, 1.187 người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tuyến giáp và u tủy tăng cao.

14 năm sau vụ khủng bố 11.9: Ám ảnh ung thư - 4

Những người lính cứu hỏa đang dọn dẹp hiện trường. Ảnh: AP

Một khó khăn chính của cuộc nghiên cứu là không thể giải thích các giai đoạn trễ nhất định của bệnh ung thư hay thời gian bệnh sẽ phát triển,... Theo chương trình chăm sóc y tế, các chứng ung thư như ung thư tuyến giáp có khoảng thời gian trễ tối thiểu là 2,5 năm. Một bệnh ung thư khác như u trung biểu mô - nguyên nhân chính được biết đến là do tiếp xúc với amiăng, có thể cần tới 11 năm trước khi bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng bệnh lý.

Tuy nhiên, cũng có những nạn nhân đã qua 20 năm hoặc thậm chí 50 năm mà chưa có triệu chứng gì. Tính tới hiện tại đã 14 năm sau vụ khủng bố thảm khốc, các nhà nghiên cứu vẫn đang bắt tay nhau để trả lời cho câu hỏi về mối liên quan giữa vụ 11.9 và bệnh ung thư.

Trong năm 2013, Environmental Health Perspectives công bố tìm thấy bằng chứng thuyết phục hơn về mối liên hệ giữa ung thư và vụ 11.9. Trong số 20.984 người tham gia nghiên cứu, có 552 người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trong giai đoạn từ 11.9.2001 tới tháng 12.2008. Ngoài ra, tác giả của nghiên cứu rất ngạc nhiên khi phát hiện mức độ cao hơn của bệnh ung thư tuyến giáp và tuyến tiền liệt so với những gì họ đã dự đoán ban đầu.

14 năm sau vụ khủng bố 11.9: Ám ảnh ung thư - 5

Một đơn vị cứu hộ đang nỗ lực làm sạch thành phố sau vụ tấn công. Ảnh: Reuters

Đến năm 2014, quỹ đền bù nạn nhân vụ 11.9 đã trao một khoản 50,5 triệu USD cho 115 bệnh nhân. Trong đó, chỉ có 17 nạn nhân ở trung tâm thành phố New York và 5 người là du khách tại thời điểm xảy ra cuộc tấn công.

Sau đó, có những người như Marcy Borders lên tiếng. Mùa thu năm ngoái, cô nói với The Jersey Journal rằng, cô nghi ngờ mình bị ung thư dạ dày và được cho là có liên quan đến vụ 11.9. Tuy nhiên, cô cho biết thêm, cô đã tự vật lộn để trả các hóa đơn hóa trị liệu.

Mặc dù cũng tiếp xúc với các hóa chất độc hại, nhưng những người lính cứu hỏa có thể sẽ ít có nguy cơ bị nhiễm bệnh do họ không làm việc trực tiếp trong các đống đổ nát sau cuộc khủng bố.

Nhiều nhà lập pháp đang thúc đẩy mở rộng, bồi thường thiệt hại lâu dài cho các nạn nhân. Thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand nói với Jon Stewart trong tháng 7 rằng, bà hy vọng đạt được điều đó trong cuộc bỏ phiếu sắp tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm (Theo CityLab) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN