Tư vấn trực tuyến: Thay đổi tư thế bị chóng mặt – phải làm gì?

Chóng mặt là triệu chứng của nhiều bệnh và xảy ra rất phổ biến, có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Vậy chúng ta nên xử trí như thế nào?

Chóng mặt là cảm giác mọi vật xung quanh quay vòng, làm cho cơ thể mất thăng bằng và dễ té ngã. Bất cứ nguyên nhân nào gây ảnh hưởng đến thần kinh tiền đình hoặc cơ quan tai trong (chứa ốc tai) đều có thể gây chóng mặt, thường gặp nhất là do rối loạn tiền đình (chóng mặt kịch phát lành tính). Bên cạnh đó, chóng mặt có thể là biểu hiện của một cơ thể đang mắc phải các triệu chứng như viêm tai trong, đau nửa đầu, đột quỵ, hạ đường huyết, thiếu máu… Hay cũng có thể là do thay đổi lối sống như bỏ bữa, stress, mất ngủ… Phụ nữ thời kỳ mang thai, phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh cũng dễ gặp phải các triệu chứng này.

Những cơn chóng mặt thoáng qua khiến nhiều người chủ quan, cho rằng đó là triệu chứng bình thường nên không điều trị dẫn đến ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Vậy chúng ta nên xử trí như thế nào khi gặp phải tình trạng này?

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về chứng chóng mặt và có cách xử trí thích hợp khi gặp phải, website 24h.com.vn phối hợp cùng nhãn hàng Tanganil đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Chóng mặt – phải làm gì” vào lúc 9h ngày 11/6/2019.

Tư vấn trực tuyến: Thay đổi tư thế bị chóng mặt – phải làm gì? - 1

PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng

Buổi giao lưu trực tuyến có sự tham gia của:

PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Giảng viên cao cấp Bộ môn Thần Kinh, Trường Đại học Y Hà Nội; Giám đốc TT Đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Lão khoa Trung Ương.

Tư vấn trực tuyến: Thay đổi tư thế bị chóng mặt – phải làm gì? - 2

Trong khoảng 60 phút diễn ra giao lưu trực tuyến, rất nhiều khán giả quan tâm gửi câu hỏi về chương trình nhờ bác sĩ tư vấn khi gặp phải các cơn chóng mặt thoáng qua hoặc kéo dài. Trong đó có nhiều người gặp phải chứng chóng mặt kịch phát như do thay đổi tư thế đột ngột, choáng váng sau khi ngủ dậy…

Dưới đây là nội dung buổi giao lưu

MC Anh Thư: Chóng mặt là tình trạng thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Ngay cả bản thân tôi hôm nào thấy căng thẳng hay khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông cũng có biểu hiện này. Xin hỏi PGS.TS biểu hiện như vậy có thực sự nguy hiểm không?

PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng: Theo tôi được biết tỷ lệ đau đầu chóng mặt là rất cao và bắt gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó thường gặp nhiều ở lứa tuổi trung niên tầm 40-50. Triệu chứng này thường đến rồi qua nhanh nên mọi người thấy bình thường. Điều này là không tốt. Chúng tôi khuyên các bạn nên đi thăm khám và xin tư vấn từ những chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực chóng mặt, hoặc tham khảo tài liệu trên các chuyên trang có uy tín liên quan đến bệnh tật của mình. Từ đó chúng ta mới có hướng nên điều trị ở đâu, dùng thuốc gì. Như vậy các bạn sẽ tránh được rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

MC: Rất nhiều người chủ quan khi xảy ra tình trạng chóng mặt. Trong trường hợp nào thì chúng ta nên đi thăm khám và xin tư vấn từ bác sĩ để có thể chấm dứt tình trạng này?

PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng: Có rất nhiều trường hợp đi làm trong văn phòng thường ngồi miết từ sáng đến chiều, hoặc bị căng thẳng vì công việc thì khi đứng dậy là thấy nhà cửa “đổ”, mặt đất ngả nghiêng. Nếu các bạn ngồi một chỗ hoặc nằm một lúc, nghiêng đầu sang bên phải hoặc trái lập tức có dấu hiệu buồn nôn. Kiểu chóng mặt này đến khá đột ngột, thường xảy ra ở độ tuổi lao động, những người làm việc ở văn phòng, khả năng nhiều đây là cơn chóng mặt kịch phát lành tính, không đáng lo ngại. Các bạn cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, có thể uống thuốc có chứa hợp chất Acetyl DL Leucine có bán ngoài các hiệu thuốc, với liều từ 2 - 4 viên một ngày. Thường là sau 2 - 3 hôm bạn sẽ hết biểu hiện chóng mặt.

Trong trường hợp khác, không phải đau đầu nhanh mà xảy ra một cách chậm chạp, từ từ, tuần này qua tuần khác, có xu hướng tăng dần theo thời gian. Nhiều người tưởng chỉ là cảm xoàng, chóng mặt thoáng qua rồi sẽ hết. Chính điều này lại là biểu hiện nguy hiểm. Sau thời gian dài họ  đi khám các bác sĩ thường phát hiện có vấn đề trong não như tai biến mạch máu não, u não, đó là điều nguy hiểm mặc dù triệu chứng rất nghèo nàn.

Trong trường hợp như vậy thì không nên chủ quan. Bước đầu chúng ta nên nghỉ ngơi, uống thuốc tạm thời nhưng sau đó bạn phải đi khám càng sớm càng tốt để bác sĩ tìm nguyên nhân, hướng dẫn cách điều trị, các bài tập về chức năng của hệ thống thăng bằng tiền đình cơ thể.

MC: Với những người hay có biểu hiện chóng mặt, bác sĩ có lời khuyên nên ăn uống như thế nào?

PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng: Trong quá trình khám bệnh, chúng tôi thấy đa số đều là những người làm văn phòng, bỏ bữa sáng, ăn trưa qua loa để chiều tiếp tục làm việc. Như vậy là dinh dưỡng trong ngày không được đảm bảo dẫn đến nguy cơ chóng mặt nhiều hơn.

Một số người có chế độ ăn kiêng quá mức dẫn đến thiếu chất, chỉ vận động nhẹ như đứng lên ngồi xuống đã dẫn đến chóng mặt, xây xẩm mặt mày. Chúng tôi khuyến cáo là chế độ ăn cần đủ chất, tập luyện đầy đủ. Các bạn nên ăn nhiều rau củ quả, chế độ ăn uống cân bằng protit, lipit, gluxit để cân bằng lại hệ thống tiền đình, tránh được triệu chứng chóng mặt.

Chuyên gia trực tiếp giải đáp các thắc mắc của quý độc giả

Câu hỏi 1: Cháu thường xuyên bị chóng mặt khi đổi tư thế, ù tai và dạo gần đây trí nhớ bị tụt giảm. Cháu quên những thứ mình đã bỏ ở đâu hay những việc mình cần làm tiếp theo. Bác sĩ có thể cho biết cháu bị gì không ạ?

Bạn Minh Hà (Q Tây Hồ).

Trả lời: Trường hợp này tôi hay bắt gặp ở những người trong độ tuổi làm việc. Tôi cho rằng nguyên nhân có thể là do áp lực công việc. Bạn chỉ cần điều chỉnh lại chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt, làm việc đúng giờ. Chính lúc nghỉ ngơi, động tác hít thở, tập thể dục giữa giờ giúp hồi phục lại trí nhớ, tránh các nguy cơ gây chóng mặt, đau đầu của người những làm việc bằng trí óc.

Câu hỏi 2: Cháu năm nay 31 tuổi. Nhiều lần cứ ngồi xuống đứng lên cháu bị hoa mắt, cảm thấy mọi vật quay cuồng, mất thăng bằng không đứng vững. Xin hỏi cháu có bị bệnh gì không? Dùng Tanganil có được không?

Bạn Vũ Hà Thanh (Quận 1)

Trả lời: Các bệnh nhân của chúng tôi trong trường hợp như thế này thường là có huyết áp thấp. Bình thường huyết áp tối thiểu 60 – 90, tối đa 90 -120. Huyết áp dưới 60 là yếu tố nguy cơ cho tình trạng chóng mặt. Chúng tôi khuyên bạn không nên bật dậy nhanh, từ từ đứng dậy để tránh tụt huyết áp. Bạn nên có những bài tập thở, tập Yoga, các bài tập về tiền đình, có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý.

Câu hỏi 3: Tôi hay bị chóng mặt, năm 2016 tôi đã đi khám và chụp cộng hưởng từ tại BV ĐH Y Hà Nội, kết luận không có u mà chỉ do thoái hóa đốt sống cổ lên thiếu máu não, nhưng 4h40 sáng 20/6/2018 khi tôi ngủ dậy đã bị chóng mặt và ngã, như vậy tôi xin hỏi Bác sỹ phải điều trị như thế nào?

Độc giả nguyenthithuyhuyenqn

Trả lời: Bạn đi khám và đi chụp X-quang ở bệnh viện là tốt để có thể phát hiện những bệnh nguy hiểm ở não như khối u não, tai biến mạch máu não. Nhưng may mắn bạn không có bệnh trong não nên có thể tạm thời yên tâm. Tôi khuyên bạn nên ngủ sớm để dậy sớm, dậy từ từ, không bật nhanh ra khỏi giường để tránh thay đổi tư thế đột ngột, khiến máu không kịp lên não dễ dẫn đến chóng mặt.

Câu hỏi 4: Tôi là hưu trí. Từ khi lên thành phố trông cháu cho con, tôi thường đau đầu, nhất là buổi chiều tối, nằm điều hòa hay là gió mạnh cũng đau đầu. Con tôi ở chung cư tầng cao, tôi ít được ra ngoài vận động thì liệu đây có phải là nguyên nhân gây đau đầu không?

Trần Văn Chí (Thái Bình)

Trả lời: Trường hợp của bác đã quen với cuộc sống ở nông thôn, không khí thoáng mát, giao lưu với hàng xóm làng giềng. Nhưng vì chăm lo cuộc sống cho con cháu bác đã ra thành phố để chăm cháu, các con bác yên tâm làm việc. Nếu việc này trong khoảng 5 - 7 ngày thì không sao. Nếu kéo dài trong 1 tháng, 2 tháng, thậm chí cả năm thì không chỉ là chóng mặt đau đầu mà nhiều bác còn kêu mệt mỏi, nhớ cuộc sống ở quê.

Trường hợp của bác tôi cho rằng thiên về tâm lý nhiều hơn là bệnh lý, do thay đổi môi trường sống (làng quê và thành phố). Lời khuyên với bác là nên đan xen giữa thời gian chăm cháu trên thành phố và thời gian sống ở quê, ví dụ như ở phố 2 tháng, sau đó về quê 3 tháng... Nhiều bệnh nhân của chúng tôi đã làm theo như vậy là thấy có kết quả, tránh được cảm giác buồn, nhớ cảnh nọ cảnh kia, và giảm hẳn các triệu chứng bệnh tật.

Câu hỏi 5: Tôi thường bị rối loạn tiền đình, thường xuyên bị chóng mặt đau đầu, vậy thì ngoài uống thuốc ra, có cách gì để đỡ hơn mà không phải uống thuốc không thưa bác sĩ?

  My (myxinh@gmail.com)

Trả lời: Chúng tôi cũng thường khuyên bệnh nhân không nên lạm dụng thuốc. Bạn có thể tập các bài tập cho tiền đình. Theo thống kê tập bài tập cộng với thuốc sẽ có hiệu quả là 95%, nếu chỉ tập không thì là 70%. Thuốc giúp cho chúng ta trong giai đoạn cấp, sau đó chúng ta có thể chuyển từ uống thuốc sang bài tập tiền đình vừa có lợi cho sức khỏe và hệ tiền đình, vừa tránh tái phát chứng chóng mặt do rối loạn tiền đình.

Câu hỏi 6: Cháu là nam giới 30 tuổi. Gần đây cháu bỗng dưng có biểu hiện hoa mắt chóng mặt khi ngồi rồi đứng dậy. Bác sĩ ơi, liệu ở độ tuổi trẻ thế này cháu có bệnh gì không?

Vũ (Vukyan2014@gmail.com)

Trả lời: Tuổi trẻ độ đàn hồi mạch máu còn đang tốt, không sợ mạch cổ, mạch cảnh, mạch sống nền đàn hồi kém làm cho máu kém lên não giống như những người ở độ tuổi 40, 50. Có thể bạn đang làm việc quá sức hoặc chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt không hợp lý gây ra tình trạng chóng mặt. Thức khuya, ăn uống kém, làm việc qua đêm cũng là căn nguyên của triệu chứng chóng mặt.

Để khắc phục, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh lại chế độ nghỉ ngơi, làm việc, cân bằng dinh dưỡng và có thể sử dụng thuốc hỗ trợ để hạn chế biểu hiện chóng mặt, ví dụ như nhóm Acetyl DL Leucine, bạn có thể trữ sẵn thuốc ở nhà để uống ngay khi có biểu hiện chóng mặt, mỗi ngày từ 2 – 4 viên.

Trân trọng cảm ơn nhãn hàng Tanganil đã đồng hành cùng chương trình!

Tư vấn trực tuyến: Thay đổi tư thế bị chóng mặt – phải làm gì? - 3

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN