Vụ trộm mộ cổ xâm phạm thi thể cô gái TQ 2.400 năm và cuộc đuổi bắt kéo dài suốt 23 năm

Dư luận Trung Quốc từng xôn xao trước vụ án trộm mộ cổ táo tợn, xâm phạm thi thể cô gái nguyên vẹn suốt 2.400 năm, trong khi nghi phạm chính mai danh ẩn tích, 23 năm sau cảnh sát mới truy bắt được.

Nghi phạm sa lưới sau 23 năm lẩn trốn.

Nghi phạm sa lưới sau 23 năm lẩn trốn.

Ngày 12.5.2017, chiếc xe cảnh sát di chuyển trên một con đường ở huyện Sa Dương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Bên trong xe, Mã Tuấn, thành viên đội điều tra hình sự thuộc công an huyện Sa Dương, chỉ ra ngoài cửa sổ xe và nói: “Lý Nghi Hải, anh có thấy nơi này quen thuộc không?”

Lý Nghi Hải là kẻ trốn truy nã suốt 23 năm trong một vụ trộm mộ cổ từng gây chấn động Trung Quốc năm 1994. “Thật không ngờ, thật sự là không ngờ, đã 23 năm trôi qua, vậy mà các người vẫn tìm ra tôi”, Lý Nghi Hải nói.

Trong 23 năm, Lý Nghi Hải mai danh ẩn tích, chuyển đến nơi khác xa quê hương với mong muốn làm lại cuộc đời, nhưng cuối cùng không thoát khỏi lưới pháp luật.

Vụ trộm mộ cổ táo tợn

Huyện Sa Dương, tỉnh Hồ Bắc, từng là kinh đô của nước Sở trong thời Chiến quốc ở Trung Quốc (475 – 221 trước Công nguyên). Khu vực này có quần thể hơn 300 ngôi mộ hoàng tộc nước Sở, bao gồm Sở Trang Vương Hùng Lữ.

Nơi những kẻ trộm mộ tìm thấy mộ cổ ngàn năm.

Nơi những kẻ trộm mộ tìm thấy mộ cổ ngàn năm.

Nhà chức trách địa phương chưa quan tâm đúng mực đến những ngôi mộ cổ nằm trong danh sách cần được bảo vệ. Kết quả là vào tháng 2.1994, một nhóm những kẻ trộm mộ tìm được lối vào ngôi mộ số 1.

Thay vì thông báo với nhà chức trách, chúng mở hầm mộ, đánh cắp hơn 200 cổ vật

Tin tức về việc tìm được kho báu trong mộ cổ lan truyền khắp huyện Sa Dương. Nhiều người dân địa phương cũng đổ xô tới với hi vọng có phần.

Lý Nghi Hải là người sống ở làng lân cận, dẫn một nhóm người tiến sâu vào trong hầm mộ. Nhóm của Lý Nghi Hải vì chậm chân nên không lấy được nhiều cổ vật, chỉ tìm thấy một quan tài.

Mở nắp quan tài, nhóm người phát hiện một thi thể cô gái còn nguyên vẹn như vừa mới qua đời. Lớp da cô gái vẫn còn mềm mại, thậm chí các khớp vẫn chưa cứng, có thể cầm tay, chân nhấc được lên.

Nhóm của Lý Nghi Hải còn mở miệng thi thể, tìm vàng bạc hay ngọc quý nhưng không thấy. Biết xâm phạm thi thể người chết là hành động phạm pháp, cả nhóm vẫn buộc dây thừng, kéo thi thể ra ngoài trời, xé quần áo lụa rồi đem chôn.

Thi thể nguyên vẹn bậc nhất

Dây thừng dùng để kéo thi thể cô gái chôn cất từ ngàn 2.400 năm trước.

Dây thừng dùng để kéo thi thể cô gái chôn cất từ ngàn 2.400 năm trước.

Sự việc lan truyền ở Trung Quốc gây chấn động, khiến cảnh sát dồn toàn lực điều tra. Không lâu sau, 14 nghi phạm bị bắt giữ trong khi 9 người khác ra đầu thú.

Trong khi đó, Lý Nghi Hải biến mất không dấu vết, không hề liên lạc dù chỉ một lần với người thân hoặc bạn bè.

39 ngày sau, cảnh sát xác định được nơi các nghi phạm chôn giấu thi thể. Thi thể cô gái lúc này đã chuyển sang màu đen, trên người có nhiều vết thương mới.

Theo các nhà nghiên tại Ủy ban Quốc gia, những người trực tiếp hỗ trợ điều tra, đây là một trong những thi thể cô gái thời cổ xưa còn nguyên vẹn nhất trong lịch sử ngành khảo cổ Trung Quốc, tính đến trước khi nơi chôn cất bị xâm phạm.

Cô gái sống ở thời Chiến quốc, cách đây khoảng 2.400 năm. Thi thể còn nguyên vẹn do phương pháp chôn cất đặc biệt, giúp quan tài trở thành chiếc hộp yếm khí, không có oxy cho vi khuẩn phát triển.

Nhóm trộm mộ khai với cảnh sát rằng, nhìn thấy thi thể cô gái ngàn năm còn nguyên vẹn, nghĩ rằng trên người có bảo vật quý giá nên đã xâm phạm thi thể, xé quần áo lụa có giá trị.

“Tẩy trắng” thân phận

Thi thể cô gái được thu hồi và lưu giữ tại bảo tàng thành phố Kim Môn, Trung Quốc.

Thi thể cô gái được thu hồi và lưu giữ tại bảo tàng thành phố Kim Môn, Trung Quốc.

Nói về vụ án, Vương Hải Lâm, bí thư đảng ủy công an huyện Sa Dương, khi đó là đồn trưởng đồn công an thị trấn Kỷ Sơn, huyện Sa Dương, vẫn còn nhớ như in: “Công an Kỳ Sơn và công an huyện Sa Dương lập chuyên án điều tra, hóa trang thành người buôn bán cổ vật, từ đó phanh phui vụ trộm mộ gây chấn động”.

Lý Nghi Hải còn sống hay không? Hắn ta còn ở Trung Quốc hay đã ra nước ngoài? Trong 23 năm, truy bắt Lý Nghi Hải là điều mà công an huyện Sa Dương đặt mục tiêu phải làm bằng được.

Với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật, cảnh sát Trung Quốc đã áp dụng nhận dạng khuôn mặt thông qua ảnh chụp và camera để truy tìm những kẻ phạm tội. Nhưng vấn đề không đơn giản vì ảnh chụp Lý Nghi Hải là ảnh đen trắng, khi hắn ta vẫn còn trẻ.

Tháng 3.2017, công an huyện Sa Dương nhận được manh mối từ Bộ Công an, cho biết Lý Nghi Hải và một người tên Phùng Mỗ, khi đó đang sống trên đảo Hải Nam.

Công an huyện Sa Dương phối hợp với Bộ Công an Trung Quốc xác định danh tính nghi can Phùng Mỗ, nhận thấy hai người có đặc điểm khuôn mặt khá giống nhau, cùng sinh năm 1968. Kết quả xét nghiệm ADN khẳng định Phùng Mỗ chính là Lý Nghi Hải năm xưa.

Đến khi được đưa về nơi gây án năm xưa, Lý Nghi Hải mới cúi đầu nhận tội. Hắn ta khai nhận, vì sợ tội nên một mình bỏ trốn tới đảo Hải Nam, nói dối là mất sổ hộ khẩu, lợi dụng cuộc điều tra dân số quốc gia để “tẩy trắng” thân phận thành Phùng Mỗ.

Ở Hải Nam, hắn ta làm nghề nuôi cá tôm, từng hai lần lập gia đình, đến năm 2017 lại mới có thêm một bé trai. Khi bị bắt, Lý Nghi Hải chưa kịp đặt tên cho con.

Nguồn: [Link nguồn]

Băng đảng Trung Quốc ngày mở cửa hàng, ban đêm đào hầm trộm mộ cổ gây kinh ngạc

Cảnh sát Trung Quốc mất 14 tháng để truy tìm manh mối, bắt giữ các thành viên băng đảng trộm mộ táo tợn, chuyên mở cửa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN