Vụ phục kích khiến Liên Xô - Trung Quốc sẵn sàng chĩa tên lửa hạt nhân vào nhau

Binh sĩ Liên Xô rơi vào bẫy phục kích của lính Trung Quốc ở một hòn đảo, khiến nhiều người thiệt mạng. Căng thẳng đôi bên từ đó leo thang tới mức suýt chút nữa đẩy thế giới vào vòng xoáy chiến tranh hạt nhân.  

Damansky (người Trung Quốc gọi là Zhenbao) - hòn đảo trên sông Ussuri, phân định biên giới giữa khu vực đông bắc Trung Quốc và vùng Viễn đông của Liên Xô. Ảnh: Tân Hoa xã

Damansky (người Trung Quốc gọi là Zhenbao) - hòn đảo trên sông Ussuri, phân định biên giới giữa khu vực đông bắc Trung Quốc và vùng Viễn đông của Liên Xô. Ảnh: Tân Hoa xã

Sáng 2/3/1969, binh sĩ biên phòng Liên Xô phát hiện khoảng 30 lính Trung Quốc đang hành quân về phía Damansky (người Trung Quốc gọi là Zhenbao) - hòn đảo trên sông Ussuri, phân định biên giới giữa khu vực đông bắc Trung Quốc và vùng Viễn đông của Liên Xô. 

Xung đột thường xuyên xảy ra ở khu vực biên giới tranh chấp và các binh sĩ Liên Xô xem vụ việc lần này cũng bình thường như những lần khác. Họ đưa quân tiến về hướng đảo Damansky/Zhenbao để đối đầu với lính Trung Quốc. Nhưng không biết được rằng, đó chỉ là một cái bẫy.

Khi 60 binh sĩ Liên Xô tiếp cận hòn đảo ở vùng sông đóng băng trên 2 xe thiết giáp chở quân BTR, một xe tải và một ô tô, 30 lính Trung Quốc cùng khoảng 300 lính mai phục sẵn gần hòn đảo từ đêm hôm trước đã nổ súng.

 7 binh sĩ biên phòng Liên Xô, bao gồm cả chỉ huy của họ, bị bắn chết ngay. Một cuộc đấu súng giữa đôi bên, với sự tham gia của súng cối, pháo và vũ khí chống tăng, đã diễn ra suốt 2 tiếng.

Các lực lượng tiếp viện sau đó cũng tham gia cuộc đọ súng. Khi giao tranh ngừng lại, 31 binh sĩ Liên Xô thiệt mạng, 14 người khác bị thương và một xe BTR bị phá hủy. Liên Xô tuyên bố lấy mạng hơn 200 lính Trung Quốc. Hai bên sau đó rút về căn cứ của mình. 

Nhưng căng thẳng từ vụ phục kích vẫn còn âm ỉ. Trong những ngày sau đó, xung đột tiếp tục leo thang tới mức hai bên luôn đặt các tên lửa hạt nhân trong tình trạng báo động cao, đẩy thế giới tới bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân. 

Từ đối tác thành đối thủ

Ảnh minh họa binh sĩ Nga đối đầu với lính Trung Quốc. Ảnh: Vojenska Kontrarozviedka

Ảnh minh họa binh sĩ Nga đối đầu với lính Trung Quốc. Ảnh: Vojenska Kontrarozviedka

Cuộc xung đột giữa Liên Xô và Trung Quốc gây bất ngờ với các nước phương Tây khi hai nước này vốn được coi là có quan hệ hữu hảo bền chặt. 

Liên Xô và Trung Quốc đã ký một hiệp ước phòng thủ chung năm 1950. Liên Xô cũng đào tạo và hỗ trợ trang bị cho quân đội Trung Quốc.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa 2 quốc gia đã trở nên tồi tệ sau đó. Giới chức Bắc Kinh khi đó cho rằng, Moscow không thực sự nghiêm túc đối đầu với phương Tây. Ví dụ rõ ràng nhất là ở Triều Tiên, nơi Trung Quốc đối đầu với Mỹ còn Liên Xô đứng ngoài cuộc. 

Mối quan hệ Xô - Trung càng trở nên xấu đi khi Nikita Khrushchev, người kế nhiệm Stalin, không đi theo đường hướng của người tiền nhiệm. Mao Trạch Đông, lãnh đạo Trung Quốc khi đó, không ủng hộ quan điểm của Khrushchev. Thời điểm đó, ông Khrushchev cũng bắt đầu đàm phán với Mỹ về hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân. 

Lãnh đạo Trung Quốc còn cho rằng, Liên Xô đang cố kiểm soát Bắc Kinh. Đến năm 1960, toàn bộ cố vấn của Liên Xô rời khỏi Trung Quốc. Moscow cũng từ bỏ lời hứa hỗ trợ chương trình hạt nhân của Bắc Kinh. 

Tranh chấp biên giới

Trong lúc mối quan hệ xấu đi với Liên Xô, Trung Quốc tiếp tục xây dựng và mở rộng khả năng quân sự. Trung Quốc thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1964 và một quả bom khinh khí 3 năm sau đó. Đến năm 1966, quân đội Trung Quốc đã phát triển mạnh về số lượng với khoảng 4 triệu người. 

Trong bối cảnh đó, tranh chấp biên giới Xô-Trung trở thành tâm điểm. Trung Quốc cho rằng, biên giới phía bắc của nước này phải chịu các hiệp ước không công bằng với Liên Xô và điều này cần phải sửa lại. 

Đảo Damansky/Zhenbao trở thành tâm điểm của cuộc tranh chấp Xô - Trung thời điểm đó, dù thực tế hòn đảo này hầu như không có giá trị chiến lược.  

Tranh chấp ở hòn đảo này gần như được giải quyết năm 1964, khi đôi bên đồng ý cho Trung Quốc quyền kiểm soát khoảng 400 hòn đảo ở biên giới, có cả Damansky/Zhenbao. Nhưng thỏa thuận đã bị hủy bỏ sau bình luận công khai của lãnh đạo Mao Trạch Đông về một số vùng lãnh thổ khác của Liên Xô. 

Sau đó, Liên Xô quân sự hóa khu vực biên giới, phát triển lực lượng của nước này lên 34 sư đoàn, gồm khoảng 29 vạn người vào năm 1969. Một hiệp ước phòng thủ chung được ký kết với Mông Cổ năm 1966, cho phép hàng nghìn binh sĩ Liên Xô đồn trú ở đây. Năm 1967, Liên Xô đưa vũ khí hạt nhân tới vùng viễn đông. Trung Quốc thời điểm đó cũng có khoảng 59 sư đoàn dọc biên giới với Liên Xô, hầu hết là bộ binh và pháo binh.

Đổ máu

Lính Trung Quốc trong một cuộc "khiêu khích" ở khu vực đảo Damansky/Zhenbao hồi tháng 1/1969. Ảnh: Getty

Lính Trung Quốc trong một cuộc "khiêu khích" ở khu vực đảo Damansky/Zhenbao hồi tháng 1/1969. Ảnh: Getty

Cả Liên Xô và Trung Quốc đều kiên nhẫn thử thách đối phương. Các cuộc đụng độ, chủ yếu là đánh đấm bằng tay chân, diễn ra thường xuyên dọc khu vực biên giới. Những trường hợp thiệt mạng đầu tiên xảy ra ngày 5/1/1968. Khi đó, một cuộc giao tranh xảy ra trên đảo Qiliqin khiến 4 lính Trung Quốc thiệt mạng. 

Để đáp trả, quân đội Trung Quốc chọn đảo Zhenbao làm địa điểm phục kích binh sĩ Liên Xô vào tháng 3/1969, khiến 31 binh sĩ Liên Xô thiệt mạng. Ngay sau khi bị phục kích, quân tiếp viện của Liên Xô kéo tới và tấn công lính Trung Quốc trên đảo. Quân Liên Xô chiếm ưu thế nhưng sau đó Trung Quốc sử dụng lực lượng pháo binh và hỏa lực chống tăng, buộc phía Liên Xô phải rút lui. 

Cả Liên Xô và Trung Quốc đều cáo buộc đối phương hành động vô cớ. Bắc Kinh còn tuyên bố binh sĩ của Moscow đã nổ súng trước. Giao tranh lẻ tẻ tiếp tục diễn ra quanh hòn đảo vài ngày sau đó. Liên Xô bí mật lên kế hoạch chuẩn bị một cuộc phản công, đáp trả vụ bị phục kích hôm 2/3/1969. Nhiều xe tăng và pháo được huy động cho cuộc phản công này. 

Ngày 15/3, cuộc phản công được phát động. Quân Liên Xô, chưa rõ số lượng, điều khiển 50 xe tăng, bao gồm cả T-62, tấn công 2.000 lính Trung Quốc ở trên và xung quanh đảo Zhenbao. Cuộc đụng độ kéo dài suốt 9 tiếng. 

Các chiến đấu cơ Liên Xô cũng thực hiện 36 phi vụ hỗ trợ chiến dịch phản công. Lực lượng pháo binh Liên Xô nã đạn pháo liên tục về phía Trung Quốc. 

Cả hai bên đều rút khỏi hòn đảo một lần nữa sau cuộc đụng độ. Liên Xô mất 60 binh sĩ, có cả chỉ huy, nhưng tuyên bố giết chết khoảng 800 lính Trung Quốc. 

Truyền thông Liên Xô khi đó đã cảnh báo Trung Quốc về cái giá của chiến tranh hạt nhân khi cả Moscow và Bắc Kinh đều sẵn sàng chĩa tên lửa hạt nhân vào nhau do căng thẳng leo thang. 

Hệ quả

Xung quanh đảo Zhenbao không còn giao tranh quy mô lớn sau cuộc đụng độ vào tháng 3/1969, nhưng tình hình tại đây và một số khu vực biên giới khác giữa 2 nước vẫn căng thẳng trong nhiều tháng. Tháng 8/1969, một cuộc phục kích của Liên Xô ở vùng biên giới giáp Tân Cương, Trung Quốc, đã khiến 20 lính Trung Quốc thiệt mạng. 

Các vụ đụng độ đã khiến giới lãnh đạo Trung Quốc lúc đó nhận ra họ và Liên Xô đã suýt châm ngòi cho Thế chiến III. Tháng 9/1969, Liên Xô và Trung Quốc chấp nhận trở lại bàn đàm phán. Vẫn cảnh giác với Moscow, Bắc Kinh vẫn đặt các lực lượng hạt nhân trong tình trạng báo động cao, cho tới ngày 20/10/1969 - khi cuộc đàm phán diễn ra. 

Năm 1991, Trung Quốc nhận toàn quyền kiểm soát đảo Zhenbao. Tháng 12/1991, Liên Xô tan rã. Các tranh chấp còn lại cuối cùng được giải quyết vào năm 2004.

Nguồn: [Link nguồn]

Quân Nga từng ”thần tốc” tiến vào thủ đô Trung Quốc, đánh Tử Cấm Thành ra sao?

Các cường quốc cùng tấn công vào Tử Cấm Thành ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc năm 1900, nhưng quân đội Nga là những...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN