Sự thật Võ Tòng tay không đánh hổ

Trong Thủy Hử, Võ Tòng là nhân vật sở hữu võ công cao cường và được nhiều người hâm mộ bậc nhất. Một số độc giả cho rằng, cũng giống như nhiều nhân vật khác trong Thủy Hử, Võ Tòng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Tuy nhiên, những tài liệu lịch sử được phát hiện gần đây cho thấy Võ Tòng thực sự là nhân vật có thật trong lịch sử và cuộc đời ông cũng không kém phần bi tráng so với tiểu thuyết của Thi Nại Am.

Nhân vật Võ Tòng trong tiểu thuyết Thủy Hử được đưa lên màn ảnh (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Nhân vật Võ Tòng trong tiểu thuyết Thủy Hử được đưa lên màn ảnh (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Theo Thủy Hử – một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc – Võ Tòng từ nhỏ đã là người nổi tiếng khỏe mạnh, giỏi võ nghệ. Chàng cùng anh trai là Võ Thực lớn lên ở huyện Thanh Hà, Sơn Đông.

Có lần trong lúc rượu say, Võ Tòng sinh sự với viên nha lại huyện và xảy ra xô xát. Bị trúng một cú đấm của Võ Tòng, viên nha lại nằm bất tỉnh tại chỗ. Thấy vậy, Võ Tòng tưởng mình đã giết người. Chàng hoảng sợ và bỏ trốn khỏi Thanh Hà, tới nương nhờ Sài Tiến (Sài đại quan nhân). Tại tư dinh của Sài Tiến, Võ Tòng được học hỏi và rèn luyện nhiều môn võ nghệ.

Một năm sau, Võ Tòng nghe tin viên quản sự nọ bị mình đánh chưa chết nên muốn trở về quê cũ thăm anh trai. Trên đường đi qua đồi Cảnh Dương, Võ Tòng đã tay không đánh chết con hổ lớn ở đây. Sau kỳ tích này, Võ Tòng được quan huyện Thanh Hà phong cho làm đô đầu – chức vụ chuyên quản lý trật tự, trị an của một khu vực thời phong kiến. Trở về nhà cũ, Võ Tòng mới hay tin anh trai mình đã cưới Phan Kim Liên – một người phụ nữ xinh đẹp, đa tình – làm vợ.

Võ Tòng đánh hổ trên đồi Cảnh Dương (tranh: Sohu)

Võ Tòng đánh hổ trên đồi Cảnh Dương (tranh: Sohu)

Phan Kim Liên quyến rũ Võ Tòng nhưng bị cự tuyệt. Thẹn quá hóa giận, ả vụng trộm với Tây Môn Khánh – một kẻ giàu có, ăn chơi khét tiếng trong vùng – và dùng thuốc độc hại chết Võ Thực. Phan Kim Liên và Tây Môn Khánh sau đó phải đền mạng dưới tay Võ Tòng.

Vì giết nhiều người, Võ Tòng trở thành tù khổ sai, bị xăm vào mặt và cuối cùng trở thành một trong những thủ lĩnh đứng đầu nhóm hảo hán nổi dậy Lương Sơn Bạc. Trong trận chiến giữa Lương Sơn Bạc (lúc này đã đầu hàng triều đình) và quân phản loạn Phương Lạp, Võ Tòng lập nhiều chiến công nhưng mất một cánh tay. Chiến thắng Phương Lạp, Võ Tòng không trở về triều đình nhậm chức mà đi tu ở chùa Lục Hòa, Hàng Châu, thọ đến 80 tuổi mới mất. Trong các anh hùng nổi bật nhất Lương Sơn Bạc, Võ Tòng thuộc số ít người có cái kết thanh thản.

Theo Sohu, Thủy Hử không phải tiểu thuyết lịch sử nên hầu hết các tình tiết, nhân vật đều là hư cấu. Tống sử chép, tháng 12.1119, hoàng đế Tống Huy Tông hạ chiếu, lệnh cho quân triều đình chia làm hai đạo chủ lực dập tắt lực lượng của Tống Giang cùng 36 đồng đảng. Trương Thúc Dạ – một vị tướng tài năng dưới trướng Tống Huy Tông – là người đã tiêu diệt lực lượng khởi nghĩa của Tống Giang trong một trận thủy chiến. Tuy nhiên, không có tài liệu nào cho thấy Võ Tòng thuộc 36 đồng đảng của Tống Giang.

Phan Kim Liên – dâm nữ gián tiếp đẩy Võ Tòng vào con đường lao ngục – chỉ là nhân vật hư cấu (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Phan Kim Liên – dâm nữ gián tiếp đẩy Võ Tòng vào con đường lao ngục – chỉ là nhân vật hư cấu (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Theo các tài liệu lịch sử như Lâm An quận biên niên, Tây Hồ đại cảnh, đặc biệt là Hàng Châu tỉnh sử ký, Võ Tòng là nhân vật có thật. Ông sống ở huyện Thanh Hà, phủ Đông Bình, tỉnh Sơn Đông, chuyên làm nghề mãi võ (biểu diễn võ nghệ ngoài đường phố) để kiếm tiền.

Mến mộ tài năng của Võ Tòng, quan tri phủ Hàng Châu tên Cao Quyền mời ông giữ chức đô đầu. Sau này Võ Tòng được thăng lên làm đề hạt – chức vụ quản lý trật tự trị an nhưng cao cấp hơn đô đầu – trở thành thân tín của tri phủ Cao Quyền. Không có tài liệu lịch sử nào cho thấy Võ Tòng từng đánh hổ hay có người chị dâu tên Phan Kim Liên.

Thời Tống Huy Tông, quan thái sư là Sái Kinh (1047 – 1126) lộng quyền, hãm hại nhiều quan lại khác không cùng phe cánh, tri phủ Cao Quyền cũng không ngoại lệ. Mất đi chỗ dựa là Cao Quyền, Võ Tòng cũng mất luôn chức đề hạt. Ông rời khỏi nha môn, quay về với nghề mãi võ kiếm sống qua ngày.

Người thay thế Cao Quyền giữ chức tri phủ Hàng Châu là Sái Quân – con trai Sái Kinh. Sái Quân là kẻ gian ác, thích cậy thế cha, thường xuyên hà hiếp dân lành khiến nhiều người căm ghét. Dân Hàng Châu đặt biệt hiệu cho Sái Quân là “Sái Hổ”. Chứng kiến sự bạo ngược của Sái Quân, Võ Tòng quyết lập mưu giết quan tri phủ mới, trừ hại cho dân và cũng là để báo đáp ân tình của chủ cũ.

Theo Hàng Châu tỉnh sử ký, Võ Tòng tự rèn một thanh đao rất sắc bén. Sái Quân vừa rời phủ liền bị Võ Tòng thình lình lao tới chém một nhát cực nhanh khiến hắn rơi đầu mà không kịp kêu lên một tiếng.

Chứng kiến cảnh Võ Tòng ám sát tri phủ, quân lính đổ xô lại vây bắt và đánh ông chết trong ngục. Thi thể Võ Tòng được người dân an táng bên cầu Tây Linh, Hàng Châu, trên bia mộ đề 7 chữ “Tống nghĩa sĩ Võ Tòng chi mộ” (mộ Võ Tòng – người nghĩa sĩ của nhà Tống).

Mộ Võ Tòng ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc (ảnh: New.qq)

Mộ Võ Tòng ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc (ảnh: New.qq)

Theo Qulishi, năm 1924, 3 “lão đại” ở bến Thượng Hải là Hoàng Kim Vinh, Trương Tiêu Lâm và Đỗ Nguyệt Sênh đã cùng bỏ tiền ra sửa sang lại mộ cho Võ Tòng. Năm 1964, không rõ vì lý do gì mà mộ Võ Tòng bị hủy hoại. Ngày nay, mộ và bia mộ Võ Tòng được phục dựng lại ở thành phố Hàng Châu, Chiết Giang với quy mô khiêm tốn.

Theo Sohu, sự kiện Võ Tòng giết “Sái Hổ” trừ hại cho dân chính là nguồn cảm hứng để nhà văn Thi Nại Am cho ra đời câu chuyện Võ Tòng đánh hổ trên đồi Cảnh Dương nổi tiếng Trung Quốc.

Nguồn: [Link nguồn]

Tống Giang chính là kẻ giấu mặt gây nên cái chết của trại chủ Lương Sơn Tiều Cái?(*)

Cái chết của trại chủ Tiều Cái ở Lương Sơn trong tác phẩm Thủy Hử cho đến nay vẫn là sự kiện gây tranh cãi, bởi nếu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN