Vỡ đập ở Libya: Hàng trăm người đốt nhà thị trưởng Derna, trút giận lên chính quyền

Hàng trăm người biểu tình yêu cầu mở cuộc điều tra "khẩn cấp" về thảm họa kinh hoàng dưới sự giám sát của quốc tế.

Hàng trăm người biểu tình tụ tập ngày 18/9 đòi chính quyền phải chịu trách nhiệm sau thảm họa vỡ đập. Ảnh: Reuters

Hàng trăm người biểu tình tụ tập ngày 18/9 đòi chính quyền phải chịu trách nhiệm sau thảm họa vỡ đập. Ảnh: Reuters

Hàng trăm người dân đã biểu tình ở thành phố Derna, miền đông Libya, trút giận lên chính quyền và yêu cầu họ phải có trách nhiệm sau thảm họa vỡ đập khiến hàng nghìn người thiệt mạng và xóa sổ nhiều khu dân cư, Guardian đưa tin ngày 18/9. 

Tối cùng ngày, những người biểu tình giận dữ đã đốt nhà của ông Abdulmenam al-Ghaithi, giữ chức thị trưởng thành phố Derna vào thời điểm thảm họa xảy ra, văn phòng thị trưởng nói với phóng viên hãng Reuters.

Hichem Abu Chkiouat, một bộ trưởng trong chính phủ miền đông Libya cho biết, ông Abdulmenam đã bị đình chỉ chức vụ sau thảm họa.

Người biểu tình phẫn nộ đã đốt nhà của thị trưởng thành phố Derna. Ảnh minh họa: Reuters

Người biểu tình phẫn nộ đã đốt nhà của thị trưởng thành phố Derna. Ảnh minh họa: Reuters

Đám đông biểu tình bên ngoài nhà thờ Sahaba còn nhằm vào các quan chức khác, bao gồm cả người đứng đầu quốc hội miền đông Libya, ông Aguila Saleh. 

Chính phủ miền đông Libya cho biết, Thủ tướng Usama Hamad đã cách chức và triệu tập toàn bộ thành viên hội đồng thành phố Derna để điều tra. 

"Aguila, chúng tôi không cần ông. Tất cả người dân Libya đều là anh em". Đây là khẩu hiệu mà đám đông biểu tình hô vang. Họ kêu gọi đoàn kết dân tộc ở một đất nước vốn bị chia rẽ với 2 chính phủ tồn tại song song và hơn một thập kỷ xung đột, hỗn loạn.

Sự kiện ngày 18/9 là cuộc biểu tình lớn đầu tiên kể từ vụ vỡ đập kinh hoàng. Ảnh: Reuters

Sự kiện ngày 18/9 là cuộc biểu tình lớn đầu tiên kể từ vụ vỡ đập kinh hoàng. Ảnh: Reuters

Người biểu tình kêu gọi mở cuộc điều tra với sự giám sát của quốc tế. Ảnh: Reuters

Người biểu tình kêu gọi mở cuộc điều tra với sự giám sát của quốc tế. Ảnh: Reuters

Mansour, một sinh viên tham gia biểu tình, cho biết, anh muốn có một cuộc điều tra khẩn cấp về vụ vỡ đập.

Taha Miftah, một người biểu tình khác, cho biết, cuộc biểu tình là thông điệp cho thấy "chính phủ miền đông đã không thể quản lý khủng hoảng", nói thêm rằng quốc hội miền đông Libya phải chịu trách nhiệm chính. 

Miftah kêu gọi một cuộc điều tra và thái thiết thành phố với sự giám sát của quốc tế. 

Con số đầy đủ về số người chết sau thảm họa vỡ đập ở miền đông Libya vẫn chưa được công bố. Các quan chức đưa ra nhiều con số khác nhau. Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ cho biết, có hơn 11.300 người đã chết và hơn 10.000 người khác mất tích. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới xác nhận, số người chết là hơn 3.900 người. 

Tuần trước, ông Aguila Saleh, người đứng đầu quốc hội miền đông Libya, mô tả trận lũ sau vỡ đập là một "thảm họa tự nhiên chưa từng có" và nói rằng mọi người không nên quá tập trung nói về những việc có thể hoặc nên làm để ngăn thảm họa. 

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết đã có nhiều cảnh báo được đưa ra, trong đó có một bài viết vào năm ngoái, nêu rõ khả năng dễ bị tổn thương của thành phố Derna do lũ lụt và nhu cầu cấp thiết phải duy tu bảo dưỡng 2 con đập. 

Nguồn: [Link nguồn]

Thảm họa vỡ đập Libya: Phóng viên hé lộ điều ám ảnh nhất

Các phóng viên chứng kiến hậu quả kinh hoàng của thảm họa vỡ đập ở Libya đã chia sẻ về cảnh tượng gây ám ảnh với họ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tâm Hoa - Guardian ([Tên nguồn])
Tin tức Libya Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN