Việt Nam trước 3 thử thách lớn ở Liên Hợp Quốc

Sau thắng lợi đảm đương vai trò chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam một lần nữa lại giữ vai trò này vào tháng 4-2021.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM rằng: Việt Nam giữ vai trò quan trọng tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) trong bối cảnh thế giới đang có nhiều căng thẳng. Điều này vừa là thử thách nhưng cũng là cơ hội để thể hiện vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế.

1. Khôn khéo trong xung đột Mỹ-Trung

. Phóng viên: Đại sứ đánh giá như thế nào về điểm nóng Mỹ - Trung, vốn là hai trong năm thành viên thường trực HĐBA LHQ, khi Việt Nam một lần nữa đảm nhiệm vai trò chủ tịch HĐBA LHQ vào tháng 4?

Việt Nam trước 3 thử thách lớn ở Liên Hợp Quốc - 1

+ Đại sứ Nguyễn Hồng Thao: Trong tháng 3, sự kiện trọng tâm trong quan hệ Mỹ - Trung là cuộc gặp chính thức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc (TQ) tại Alaska. TQ muốn Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm và biện pháp chống TQ, đặc biệt là với các công ty công nghệ cao được đưa ra dưới thời tổng thống Trump. Mỹ thì tố TQ có tham vọng vươn lên hàng đầu thế giới; đàn áp Tân Cương, vi phạm quyền con người; gian lận sở hữu trí tuệ; dùng các biện pháp cưỡng chế trong quan hệ với nước nhỏ, gây tác động xấu đến trật tự thế giới. 

Cuộc họp này đánh dấu bước ngoặt mới hai nước đã chính thức tuyên chiến về một trật tự thế giới do các bên chủ động định hình. Mỹ vẫn muốn duy trì trật tự thế giới cũ đã được xác lập bởi Hiến chương LHQ từ năm 1945 trong khi TQ muốn thiết lập một trật tự thế giới mới, cải tổ LHQ, phân chia lợi ích có lợi cho mình. 

Mỹ vẫn là siêu cường số một nhưng vai trò giảm đi đáng kể do chính Mỹ tự tụt hậu so với họ. Xuất hiện các nhân tố về một liên minh đối phó Mỹ từ Nga và TQ. Trong khi đó, kinh tế Mỹ và TQ vẫn lệ thuộc lẫn nhau, Mỹ vẫn cần TQ trong giải quyết các vấn đề lớn của thế giới như biến đổi khí hậu.

. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động của Việt Nam tại LHQ? 

+ Cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của HĐBA trong tháng 4, tháng Việt Nam làm chủ tịch. Có thể dự báo các hồ sơ trình lên HĐBA sẽ khó có kết quả đồng thuận. Việt Nam cần khôn khéo lựa chọn vấn đề, không sa đà vào các cuộc tranh luận dài dòng, không hiệu quả và ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ sau này với các nước khi Việt Nam hết nhiệm kỳ ở HĐBA.

2. Thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân Iran 

. Tại Trung Đông, Nga tiếp tục mở rộng các đợt tấn công không quân vào các nhóm vũ trang (đối lập chính quyền Syria) được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ. Trong khi đó, quan hệ Mỹ - Iran vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Ông đánh giá thế nào về tình hình Trung Đông vào tháng Việt Nam làm chủ tịch HĐBA?

+ Các cuộc tấn công của Nga ở Syria là nhằm củng cố vai trò của chính phủ Syria, đồng thời kiềm chế tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ ở đây. Nếu các cuộc chiến này không ảnh hưởng đến lực lượng do Mỹ hỗ trợ thì Mỹ cũng sẽ không mở rộng can thiệp khi đã rút quân khỏi Syria và chỉ giữ những mỏ dầu chính.

Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng đòi hỏi Việt Nam phải ứng xử khéo léo. Trong ảnh: Hai đại diện Trung Quốc (trái) gặp hai đại diện Mỹ tại Alaska hồi tháng 3 - 2021). Ảnh: NIKKEI ASIA

Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng đòi hỏi Việt Nam phải ứng xử khéo léo. Trong ảnh: Hai đại diện Trung Quốc (trái) gặp hai đại diện Mỹ tại Alaska hồi tháng 3 - 2021). Ảnh: NIKKEI ASIA

Điểm nóng ở Trung Đông vẫn là quan hệ Mỹ - Iran và thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA). Sau khi ra các tuyên bố và động thái khẳng định quyết tâm gây sức ép với Mỹ để thay đổi chính sách, đòi dỡ bỏ các lệnh cấm vận trước khi đàm phán quay lại JCPOA, đến nay Iran có dấu hiệu sẽ giảm giọng điệu căng thẳng. Nếu Iran tuân thủ các cam kết trong JCPOA, Mỹ sẽ làm điều tương tự. Việc này được các đồng minh châu Âu ủng hộ. Nga và TQ cũng đồng thuận muốn dỡ bỏ cấm vận. 

Việc các bên kiềm chế và sớm trở lại bàn đàm phán thực thi JCPOA là có thể. Mỹ cũng muốn có một dàn xếp tốt với Iran làm hình mẫu cho Triều Tiên và các nơi khác. Các nước trong khu vực, đặc biệt là Israel, muốn được tham gia trong thành phần đàm phán JCPOA để loại bỏ các hoài nghi về Iran và thực sự củng cố an ninh khu vực.

. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam có thể phát huy vai trò chủ tịch HĐBA ra sao? 

+ Với vai trò chủ tịch HĐBA, Việt Nam có thể đóng vai trò xúc tác thúc đẩy các bên sớm xem xét hợp tác, thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran. Đây là cơ hội khi hầu hết các bên liên quan đồng thuận rằng cần có khung pháp lý quản lý vấn đề hạt nhân ở Iran, chỉ bất đồng ở mức độ khôi phục lại JCPOA cũ hay mở rộng đàm phán một thỏa thuận mới.

3. Hòa giải xung đột Myanmar 

. Tại châu Á, điểm nóng nhất là tình hình Myanmar. Ông đánh giá như thế nào về tình hình Myanmar vào tháng Việt Nam là chủ tịch HĐBA?

+ Tình hình đã vượt qua tầm kiểm soát và có thể gây quan ngại ảnh hưởng tới duy trì hòa bình và an ninh quốc tế buộc HĐBA phải hành động. Mỹ và TQ đều tính toán “quân bài” Myanmar phục vụ lợi ích của họ. Mỹ coi đây là vấn đề nhân quyền, tìm cách can thiệp để ngăn Myanmar không rơi vào tay TQ. Mỹ có thể lên án, áp đặt các biện pháp trừng phạt nhưng sẽ không can thiệp quân sự để tránh bài học sa lầy ở Trung Đông. 

Với TQ thì Myanmar là chốt chặn quan trọng trên con đường ra Ấn Độ Dương, là nhân tố trong chiến lược Vành đai - Con đường. Bắc Kinh không thể để Mỹ trừng phạt chế độ quân sự vì nếu Mỹ làm được sẽ thành tiền lệ cho vấn đề Tân Cương, can thiệp vào công việc nội bộ. Chính quyền quân sự và TQ cũng không lường được sự phản ứng mạnh mẽ của phong trào dân chủ ở Myanmar và chiến dịch đốt phá các cơ sở kinh tế văn hóa của TQ tại đây. Vì vậy, TQ kêu gọi ngăn chặn việc có thêm thương vong, xoa dịu tình hình, tăng cường hòa giải ngoại giao và xúc tiến đối thoại hòa giải tại Myanmar. 

Cả Mỹ và TQ đều cần phải có một trung gian hòa giải và đều phải tính đến vai trò ASEAN trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Myanmar. Tuy nhiên, ASEAN cũng đang ở thế khó xử. Khối này vừa phải đảm bảo nguyên tắc hoạt động chung của khối (là không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác), vừa không muốn tình hình bùng nổ, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, quan hệ giữa các nước thành viên và phát triển kinh tế của khối. Chủ tịch đương nhiệm là Brunei khó có thể dàn xếp ổn thỏa. Indonesia, Thái Lan, Malaysia đều có những vấn đề nội bộ tương tự như Myanmar và có thể bùng phát. Chính quyền quân sự Myanmar cũng muốn tìm một lối thoát danh dự và bảo đảm được quyền lợi của mình thay vì liên tục sử dụng biện pháp quân sự chống lại dân chúng.

. Việt Nam cần làm gì trong bối cảnh này?

+ Việt Nam nổi lên là yếu tố trung gian hòa giải rất tốt. Thứ nhất, Việt Nam có uy tín khi hoàn thành nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN vừa qua. Thứ hai, Việt Nam có mối quan hệ tốt với Myanmar, đồng thời có thể cân bằng giữa Mỹ và TQ. Thứ ba, Việt Nam là chủ tịch HĐBA trong tháng tới. Chúng ta có thể đưa ra sáng kiến về một nghị quyết mới của LHQ về vấn đề Myanmar sau khi tham vấn các bên. 

. Ông có thể nói rõ hơn về nghị quyết này?

+ Nghị quyết cần nhấn mạnh yêu cầu phải chấm dứt ngay bạo lực, ổn định tình hình, bảo đảm an toàn cho dân thường. Nghị quyết sẽ kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tiến hành đối thoại để hướng tới một giải pháp thỏa đáng, phù hợp với hiến pháp, pháp luật của Myanmar và ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Tổ chức bầu cử sớm với sự giám sát của ASEAN và LHQ trong vai trò quan sát viên, đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra công bằng, dân chủ có thể là đích các bên hướng tới.

. Xin cám ơn đại sứ.•

 . Vấn đề Triều Tiên tạm thời chưa bùng nổ Cả Mỹ và Triều Tiên đều trong giai đoạn thăm dò nhau. Mỹ chưa định hình chính sách đối phó với vấn đề vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc tập trận Mỹ - Hàn hằng năm đã bị giảm quy mô với lý do ảnh hưởng đại dịch COVID-19. 

Đáp lại Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo vào ngày 25-3. Tuy nhiên, Mỹ nhận định động thái này không vi phạm nghị quyết của HĐBA LHQ, không mang tính khiêu khích. Mỹ ý thức được thách thức trong việc đối phó với Triều Tiên là rất lớn, cần phải có thời gian cũng như không để mắc bẫy TQ, vốn rất hậu thuẫn Triều Tiên. Việc đánh giá chính sách mới về vũ khí hạt nhân Triều Tiên của Mỹ cũng cần thời gian. Vì vậy, vấn đề Triều Tiên sẽ khó có thể bùng nổ trong tháng 4 khi Việt Nam là chủ tịch HĐBA. Trong tháng 4 sẽ diễn ra phiên họp HĐBA do lãnh đạo cấp cao Việt Nam chủ trì. Chủ đề phiên họp lần này là “Thúc đẩy và tăng cường hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực, tiểu khu vực nhằm thúc đẩy đối thoại và các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm ngăn ngừa xung đột”.

Nguồn: [Link nguồn]

Thuyền viên Việt 5 ngày bám phao lênh đênh trên biển, trôi dạt sang Malaysia?

Khi được một tàu Malaysia phát hiện, thuyền viên người Việt trên người không còn quần áo và chỉ bám vào một chiếc phao. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo ĐỖ THIỆN ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN