Vì sao tuyển Philippines đấu Việt Nam toàn cầu thủ đến từ châu Âu?

Nhiều người hâm mộ Việt Nam ngạc nhiên khi biết trong đội hình ra sân của Philippines, tuyệt đại đa số là cầu thủ sinh ra và chơi bóng ở nước ngoài.

Vì sao tuyển Philippines đấu Việt Nam toàn cầu thủ đến từ châu Âu? - 1

Đội tuyển Philippines với hàng loạt cầu thủ sinh ra ở nước ngoài. Ảnh: foxsportsasia.

Đội tuyển Việt Nam sẽ đối đầu với Philippines trong khuôn khổ bán kết lượt về AFF Cup 2018 trên sân nhà Mỹ Đình vào tối ngày 6.12. Việt  Nam đang đứng trước cơ hội lớn để lọt vào trận chung kết gặp Malaysia.

Trong trận bán kết lượt đi ngày 2.12, nhiều người hâm mộ Việt Nam ngạc nhiên khi biết trong tất cả 14 cầu thủ ra sân, có tới 13 người không sinh ra tại Philppines và đều trưởng thành từ bóng đá châu Âu. Có người nói đùa rằng tuyển Việt Nam phải đá với... cả châu Âu.

Người duy nhất “thuần Philippines” là Jovin Bedic. Tiền vệ 28 tuổi này sinh ra ở tỉnh Barotac Nuevo, Philippines và hiện khoác áo một CLB trong nước. Trong số các cầu thủ đậm chất “Tây” của Philippines, có 2 người sinh ra ở Tây Ban Nha, 5 người sinh ra ở Đức, 1 người sinh ra ở Đan Mạch, 4 người sinh ra ở Anh và 1 người sinh ra ở Thụy Sĩ.

Xét trên cả giải đấu, có tới 19/23 cầu thủ Philippines dự AFF Cup 2018 sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Đây là kỳ AFF Cup mà tuyển Philippines có nhiều cầu thủ sinh ra ở nước ngoài nhất.

Mời bạn đọc cùng nhìn lại lịch sử bóng đá Philippines và nguyên nhân vì sao đội tuyển Philippines ngày nay chỉ còn toàn là những cầu thủ nước ngoài gốc Philippines.

Bóng đá từng là môn thể thao vua

Liên đoàn bóng đá Philippines thành lập từ năm 1907. Dưới thời thuộc địa Tây Ban Nha, bóng đá là môn thể thao chính ở Philippines. Tại giải bóng đá đầu tiên ở châu Á vào năm 1913, Philippines đánh bại Trung Quốc với tỉ số 2-1.

Một trong những danh thủ nổi tiếng nhất có nguồn gốc Philippines là Paulino Alcantara (1869-1964). Cầu thủ này đã ghi 369 bàn thắng trong 357 lần ra sân với câu lạc bộ FC Barcelona. Alcantara cũng là cây săn bàn hàng đầu của đội bóng trong suốt 87 năm.

Chiến thắng lớn nhất lịch sử bóng đá Philippines là trận thắng 15-2 trước Nhật Bản vào năm 1917. Sau hơn 100 năm, sự chênh lệch về trình độ giữa Nhật và Philippines đã ở rất xa, khi Nhật Bản thường xuyên giành vé dự World Cup.

Vì sao tuyển Philippines đấu Việt Nam toàn cầu thủ đến từ châu Âu? - 2

Paulino Alcantara là cầu thủ chào đời ở Philippines, từng thi đấu cho CLB Barcelona ở Tây Ban Nha.

Bóng đá bắt đầu mai một ở Philippines khi Mỹ nhảy vào quốc gia này. Từng bước, bóng đá bị lãng quên, không được chính phủ hay các nhà tài trợ đoái hoài. Đó là lúc người Mỹ đem văn hóa của họ đến Philippines và cả môn bóng rổ - môn thể thao số 1 ở Phlippines ngày nay.

Tác giả JM Siasat viết trên tờ Rappler rằng, trẻ em Philippines lớn lên ở một quốc gia đam mê bóng rổ cuồng nhiệt. Các thế hệ học sinh Philippines đều chơi bóng rổ và nhiều người còn không hề biết David Beckham là ai.

Môn bóng rổ cũng rất dễ tiếp cận khi trẻ em, người lớn Philippines chỉ cần một khoảng sân nhỏ, với hai rổ ở hai bên là đã có thể trải qua cảm giác phấn khích, kịch tính với tốc độ cao. Đó được coi là lý do trên khắp con phố ở thủ đô Manila đều có sân bóng rổ.

Rộng cửa chào đón cầu thủ bóng đá gốc Philippines

Để đưa bóng đá Philippines cải thiện trong một sớm một chiều là điều không thể. Philippines với là quốc gia châu Á duy nhất ảnh hưởng hoàn toàn bởi văn hóa phương Tây do quá trình thuộc địa kéo dài đến 4 thế kỷ của Tây Ban Nha, Mỹ và do có quá trình di dân liên tục nên người gốc Philippines ở nước ngoài rất đông đảo.

Đó là lý do liên đoàn bóng đá Philippines mở rộng cửa đón các cầu thủ gốc Philippines về quê hương thi đấu, với hi vọng cải thiện trình độ bóng đá nước nhà. Kết quả là làn sóng các cầu thủ ngoại du nhập về Philippines ngày càng đông, chiếm gần trọn đội tuyển quốc gia.

Vì sao tuyển Philippines đấu Việt Nam toàn cầu thủ đến từ châu Âu? - 3

Đội trưởng Phil Younghusband không thể giúp Philippines tránh khỏi trận thua trước Việt Nam trong trận lượt đi.

Nhưng những cầu thủ gốc Philippines tài năng nhất dĩ nhiên không chọn quê hương để cống hiến màu cờ sắc áo. Điển hình là trường hợp thủ môn Alphonse Areola của CLB Paries Saint-German. Cầu thủ gốc Philippines sinh năm 1993 này đã chọn đội tuyển quốc gia Pháp để đầu quân.

Song song với việc kêu gọi cầu thủ gốc Philippines về thi đấu, liên đoàn bóng đá Phlippines còn quyết định cải tạo giải VĐQG từ năm 2009 trở thành giải chuyên nghiệp United Football League để cho các cầu thủ gốc ngoại về thi đấu hẳn tại Philippines.

Đã từ rất lâu, người Philppines đặt câu hỏi rằng tại sao các đội bóng láng giềng ở Đông Nam Á đều gặt hái được những thành công trong khu vực, còn Philippines thì không.

Philippines chưa từng vô địch AFF Cup. Thành tích tốt nhất mà đội bóng này làm được là lọt vào bán kết năm 2010 và 2012. Ở trận lượt đi bán kết AFF Cup 2018 gặp đội tuyển Việt Nam, Philippines đã để thua 1-2.

Sở dĩ bóng đá Philippines cho đến nay vẫn chưa phát triển dù đã có sự góp mặt của đông đảo cầu thủ gốc Philippines cao to đến từ nước ngoài là vì liên đoàn bóng đá Philippines chưa thể tìm ra cách khai thác chất lượng các ngoại binh này.

Vì sao tuyển Philippines đấu Việt Nam toàn cầu thủ đến từ châu Âu? - 4

Đường vào trận chung kết của Philippines hẹp hơn rất nhiều khi phải đối đầu với đội tuyển Việt Nam ở bán kết AFF Cup.

Liên đoàn bóng đá Philippines đã phải bỏ rất nhiều tiền để mời HLV Sven-Goran Eriksson về huấn luyện, với hi vọng có thể ráp nối các cầu thủ “Tây” của Philippines lại với nhau.

Nhưng trong trận đấu bán kết lượt đi AFF Cup 2018, những điểm yếu của Philippines đã lộ ra. Philippines bế tắc trong tấn công và lỏng lẻo trong phòng ngự trước một đội tuyển Việt Nam chơi kỹ thuật và có phần chặt chẽ. Cầu thủ Phillipines tuy cao lớn nhưng độ tuổi trung bình cũng cao, chậm xoay xở, và các cầu thủ Việt Nam đã khai thác  tốt điểm yếu này. Thua trận 1-2 khiến cơ hội lần đầu tiên giành vé vào chơi chung kết giải đấu khu vực của ĐT Philippines trở nên hẹp hơn nhiều.

Một số người cho rằng, Eriksson mới chỉ ký hợp đồng 6 tháng với liên đoàn bóng đá Philippines hồi tháng 10. Ông chưa có nhiều thời gian để thể hiện dấu ấn riêng. Nhà cầm quân người Thụy Điển vẫn còn cơ hội chứng minh năng lực của mình tại Asian Cup vào đầu năm sau.

Nhìn chung, bóng đá Philippines đã bị lãng quên trong nhiều năm và ngày nay vẫn chưa có dấu hiệu cạnh tranh được với môn bóng rổ. Bóng đá Philippines cần được quảng bá rộng rãi hơn nữa, có thêm nhiều sân vận động chuẩn FIFA và xây dựng giải bóng đá quốc nội hấp dẫn để thu hút cổ động viên.

Nói dễ hơn làm, nhưng không ít người Philippines vẫn mong ngóng một ngày bóng đá sẽ trở lại vị trí phổ biến như xưa, ít nhất là bằng với bóng rổ ngày nay.

Vì sao cầu thủ Hàn Quốc cao lớn như Tây, hơn hẳn cầu thủ VN?

Trong một xã hội trọng chiều cao như ở Hàn Quốc, người dân bị cuốn vào cuộc chạy đua để con em mình cao lớn hơn và...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
AFF Cup 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN